1. Trời là thủy tổ
Nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, Hoàng Trọng Miên tóm tắt quan niệm về Trời của dân Việt như sau:
“Trời là một bậc quyền phép vô song ở trên cao, làm ra tất cả.
Trời có con mắt, thấy tất cả, biết hết mọi sự xảy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có Đạo Trời, thờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng, và đến khi chết thì về chầu Trời.
Trời vô hình, không nói, nhưng người ta tin là ở đâu đâu cũng có mặt của Trời, không một ai tránh khỏi lưới Trời…” [1]
Người Trung Hoa cổ xưa quan niệm Trời là thủy tổ. Quan niệm này có thể tìm thấy trong Kinh Thi qua câu: “Thiên sinh chưng dân…” Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê cho rằng chữ dân ấy tức là chữ nhân.[2] Như vậy, Thiên sinh chưng dân tức là Trời sinh ra con người.
Đổng Trọng Thư đời Hán cho rằng Trời là thủy tổ của con người, nên viết trong sách Xuân Thu Phồn Lộ như sau: “Thiên diệc nhân chi tằng, tổ, phụ dã.” (Trời cũng là cụ, là ông, là cha con người.)
Ngày nay, khi cúng thời vào các giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, người đạo Cao Đài đọc bài xưng tán Đức Chí Tôn: Đại La Thiên Đế / Thái Cực Thánh Hoàng / Hóa dục quần sanh / Thống ngự vạn vật… Như thế, đã tin rằng Trời sinh hóa và dưỡng nuôi vạn loại, trong đó có con người.
Từ quan niệm Trời là thủy tổ con người mà có lễ tế Giao, hay tế Nam Giao, tức là lễ tế Trời.
2. Lễ tế Trời
Theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Kinh Lễ giải thích ý nghĩa lễ tế Trời (tế Giao) như sau: “Tế Giao để trả ơn Trời, muôn vật sinh ra bởi Trời, người ta sinh ra bởi tổ.” [3]
Theo đạo hiếu, trong nhà con cháu giữ cúng giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Trời cũng là cha của người, nhưng ngày xưa dân chúng không được phép thờ cúng Trời mà phải nhường đặc quyền này cho Thiên tử (con Trời, vua). Kinh Lễ chép quy ước này như sau: “Vua thánh [vua giỏi, hiền minh] mới hay tế Đức Thượng Đế, con thảo mới hay tế cha mẹ.” [4]
Qua tài liệu dẫn trên, chúng ta thấy khi Đức Thượng Đế mở đạo Cao Đài thì tất cả mọi người đều được thờ Trời là Cha của mình, không còn phải “nhường” cho vua nữa.
Dưới triều Nguyễn nước ta, các vua chọn một địa điểm ởphía nam kinh thành để làm lễ tế Trời. Nơi này gọi là Giao, là một gò đất tròn dựa theo quan niệm xưa trời tròn đất vuông (thiên viên địa phương). Kinh Dịch có câu: “Những khí dương trong sạch, nhẹ nhàng, nổi lên trên, bao trùm khắp cả trái đất làm thành hình tròn là trời. Những khí âm vẩn đục, nặng đặc, lắng xuống dưới, thu gọn trong bầu trời làm thành hình vuông là đất.” [5]
Như vậy, tế đất thì chọn gò đất vuông, nằm về phía bắc kinh thành. Tế Trời vì thế gọi là tế Nam Giao, và tế đất gọi là tế Bắc Giao.
Tự điển Khang Hy giải thích: “Đông Chí tự Thiên vu Nam Giao. Hạ Chí tự địa vu Bắc Giao. Cố vị tự Thiên địa vi Giao.” Nghĩa là: Ngày Đông Chí tế Trời ở gò phía nam. Ngày Hạ Chí tế đất ở gò phía bắc. Cho nên tế Trời đất gọi là Giao.[6]
Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề viết: “Các đế vương ngày xưa đặt ra lễ tế Giao để tế Trời đất, lấy nghĩa vua thay Trời trị dân vỗ yên trăm họ, vua là con Trời nên phải tế Trời cũng như con phải nuôi cha mẹ. Hàng năm vua tế Trời là giữ lễ làm con, khi khởi binh cáo với Trời là giữ đạo làm con. Trời là Đấng Chí Tôn, giữ gìn vận mệnh và ban hạnh phúc cho muôn dân, nên khi tế Trời, đích thân vua là chủ tế.” [7]
Lễ tế Trời có ở Trung Quốc từ đời thượng cổ, với vua Thuấn. Đến thế kỷ 12 truyền vào Việt Nam, từ đời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Vậy, trước vua Lý Anh Tông, triều đình Việt Nam không giữ độc quyền được tế Trời.
Đời vua Hùng Vương thứ sáu, người con thứ mười tám là Tiết Liệu được truyền ngôi nhờ tìm ra cách làm bánh dầy hình tròn và bánh chưng hình vuông để cúng trong dịp đầu xuân. Bánh dầy tượng trưng cho trời tròn, bánhchưng tượng trưng cho đất vuông. Vậy, vào thời Hồng Bàng, tục cúng trời đất không dành riêng cho ai.
Chúng ta cũng thấy rằng khi đạo Cao Đài đưa tín ngưỡng thờ Trời vào quảng đại quần chúng là phục hồi truyền thống văn hóa dân tộc.
Nên lưu ý, người Trung Quốc tế Trời vào ngày Đông Chí, nhưng tại Việt Nam lễ vía Trời của đạo Cao Đài và tục cúng bánh dầy, bánh chưng lại tổ chức vào đầu xuân.
Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề cho biết ngày xưa tế Trời ở nước ta như sau:
- Đời Lý: một năm làm tiểu lễ, hai năm làm trung lễ, ba năm làm đại lễ.
- Đời Trần: không tế Trời.
- Đời Lê: tế Trời vào tháng Giêng.
- Đời Nguyễn: tế Trời vào tháng Hai. Đời Thành Thái, vua ấn định ba năm tế một lần.
2. Lễ Vía Trời
Đạo Cao Đài lấy ngày mùng 9 tháng Giêng làm lễ vía Trời. Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giải thích ngày vía là ngày sinh, và dẫn lại câu nói trong dân gian: Mồng 9 vía Trời, mồng 10 vía đất. Tự điển này in tại Sài Gòn năm 1896, như vậy lễ vía Trời là tục lệ có từ xa xưa của người Việt. Nói cách khác, lễ vía Trời trong đạo Cao Đài là tiếp nối truyền thống lâu đời của dân tộc.
a. Tại sao chọn mùa xuân làm lễ vía Trời?
* Về phương diện âm dương, ngũ hành, mùa xuân ứng với phương Đông. Mặt trời mọc ở phương Đông báo hiệu khởi đầu một ngày, một chu kỳ hoạt động. Lễ vía Trời vào mùaxuân ứng với phương Đông ngụ ý Tạo Hóa khởi phát cho vạn vật sự sống.
Mùa xuân ứng với hành Mộc, màu xanh. Xuân là mùa cây cối tuôn tràn nhựa sống, đâm chồi nảy lộc, sinh sôi nảy nở. Lễ vía Trời vào mùa xuân ngụ ý Tạo Hóa dưỡng dục quần sinh tăng trưởng.
* Về lý Dịch, mùa xuân ứng với đức Nguyên của đạo Kiền (Càn). Nguyên là đầu tiên, to tát, bao trùm mọi điều thiện. Lễ vía Trời vào mùa xuân ngụ ý Thượng Đế là nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ, chí đại, chí thiện.
Nguyên cũng ứng với đức nhân. Lễ vía Trời vào mùa xuân ngụ ý Thượng Đế là đấng háo sanh, là tình thương.
* Về mặt văn minh nông nghiệp, trong Hồng Phạm có hai chữ giá sắc nghĩa là gieo gặt. Gieo giống vào mùa xuân và gặt hái vào mùa thu. Lễ vía Trời vào mùa xuân ngụ ý con người cần khởi đầu gieo giống lành, hành thiện để tiến lên đường đạo đức, tiến hóa. Qua mùa thu có lễ Hội Yến Bàn Đào do Đức Mẹ Diêu Trì ban thưởng cho những con đã gặt hái được công quả xứng đáng kể từ đợt gieo gặt đầu xuân. Nói khác đi, đạo Cao Đài có lễ vía Trời mùa xuân và lễ Hội Yến Bàn Đào mùa thu là để hoàn thành chu trình giá sắc (gieo gặt) của người tu.
b. Tại sao chọn tháng Giêng làm lễ vía Trời?
Theo lịch nhà Hạ tháng Giêng là tháng Dần. Có câu Thiên khai ư Tý, địa tịch ư Sửu, nhân sinh ư Dần. (Trời khai mở ở Tý, đất lập thành ở Sửu, người sinh ra ở Dần.) Lễ vía Trời vào tháng Giêng là nhắm tới con người, ngụ ý thờ Trời thì nhớ phụng sự người. Đó là tư tưởng nhân bản của Cao Đài, như lời Chư Tiền Khai Đại Đạo dạy:
“Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế mà con người hãy cảitạo để xây dựng Thiên Đàng cho con người và thế giới ở tương lai…” ([8])
Tháng Giêng ứng với quẻ Địa Thiên Thái, gọi tắt là quẻ Thái, gồm nội quái hay hạ quái là quẻ Càn, tượng trưng cho trời; ngoại quái hay thượng quái là quẻ Khôn , tượng trưng cho đất. Lời thoán quẻ Thái viết: “Thiên địa giao nhi vạn vật thông dã…” (Trời đất giao cảm nhau mà muôn vật thông suốt…). Chúc lành nhau đầu năm, người đời có câu Tam dương khai thái, là mượn hình tượng nội quái của quẻ Thái (là quẻ Càn , gồm ba hào dương) để cầu mong mọi việc suôn sẻ, hanh thông.
Quẻ Thái tượng trưng cho sự tốt đẹp, vì trời đất đề huề, vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ vía Trời vào tháng Giêng, ứng với quẻ Thái, ngụ ý Thượng Đế ban cho vũ trụ vạn vật (trong đó có con người) mọi điều tốt lành và trưởng dưỡng tất cả.
c. Tại sao chọn ngày mùng 9 làm lễ vía Trời?
Về Dịch lý, trong mười con số có năm số âm là 2, 4, 6, 8, 10; và có năm số dương là 1, 3, 5, 7, 9.
Lấy năm con số theo ngũ hành, ta có:
Bốn số 1, 2, 3, 4 là số sinh, vì từ nó sẽ sinh ra các số khác: 1+5 → 6; 2+5 → 7; 3+5 → 8; 4+5 → 9. Bốn số 6, 7, 8, 9 là số thành, trong đó 9 là số thành lớn nhất. Mà 9 = 1+3+5, là số thành của ba số sinh dương.
|
Dịch lý gọi 9 là số lão dương, con số hoàn hảo. Thế nên dùng số 9 để chỉ cho ngôi cao tột bực. Ngôi vua vì vậy gọi là cửu trùng. Triết gia Hy Lạp là Pythagore (580-572 trước Công Nguyên) cho rằng 9 là số huyền vi bí diệu, nên bảo: Chín là số hoàn hảo, là bình phương của ba (3x3 = 9), một tam hợp hòa hài trọn vẹn. (Neuf est le nombre parfait en tant que carré de trois qu’est la trinité de l’harmonie complète).
Lễ vía Trời vào ngày mùng 9, vì 9 là dương, toàn thiện, hoàn hảo, ứng với ngôi Chí Tôn của càn khôn thế giới.
d. Tại sao chọn giờ Tý làm lễ vía Trời?
Trong mười hai giờ của một ngày, theo âm lịch, giờ Tý (từ 23 giờ) là lúc âm cực thịnh. Âm cực thì dương sinh. Đây là thời điểm một ngày mới bắt đầu manh nha, vũ trụ chìm trong tĩnh mịch, thâm u, thanh tịnh nhất. Giờ Tý ứng với quẻ Phục , nhất dương sinh (hào 1 hay hào sơ là vạch liền), mầm sống thiêng liêng khởi phát.
* * *
Mỗi dịp đầu xuân, khi thiết lễ vía Trời vào giờ Tý, ngày mùng 9 tháng Giêng, chúng ta nên nhớ đến những ý nghĩa biểu tượng của giờ, ngày và tháng. Mỗi lần hành lễ vía Trời chúng ta ý thức đây cũng là ghi dấu một khởi hành cho chúng ta trong năm mới trên đường tu học và hành đạo. Chúng ta cũng nhớ đến giá sắc. Đầu xuân chúng ta bắt đầu gieo trồng công quả, nhận lãnh việc đạo, sang thu ta hân hoan chầu lễ Đức Mẹ trong Hội Yến Bàn Đào, dâng trình Mẹ kết quả tu học của những đứa con áo trắng hiếu thảo Kỳ Ba.
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
23.2.1991
ĐƠN TÂM
(trích trong 'Sứ Mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ', Nxb Tôn Giáo 2011, tr. 43-49)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét