Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Không đỗ trạng nguyên nhưng vẫn được gọi là Trạng Bùng

Đỗ hoàng giáp nhưng với tài năng hơn người, có công lớn trong lịch sử, ông được dân gian yên mến gọi là Trạng Bùng.

Chân dung Trạng Bùng.
Chân dung Trạng Bùng.
Phùng Khắc Khoan, tự là Hoằng Phu, hiệu là Nghị Trai. Ông sinh năm 1528 tại làng Phùng Xá (hay làng Bùng), huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Được cha rèn cặp từ nhỏ, sau lại theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm nên Phùng Khắc Khoan sớm nổi tiếng với tài văn chương và tinh thông thuật số. Mặc dù vậy, ông không tham gia các khoa thi dưới triều nhà Mạc.
Năm 1557, nhà Lê mở khoa thi Hương tại xã Đa Lộc, huyện Yên Định (Thanh Hóa), Phùng Khắc Khoan 29 tuổi lều chõng đi thi và đỗ thủ khoa. 23 năm sau (năm 1580), dưới đời vua Lê Thế Tông, triều đình mở thi Hội ở Vạn Lại (Thanh Hóa), ông xin dự thi và đỗ Hoàng giáp (sau Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Lúc này ông 53 tuổi, trải qua nhiều chức vụ quan trọng dưới triều Lê - Trịnh.
Phạm Đình Hổ viết trong Vũ trung tùy bút: "Đầu đời Trung Hưng có Phùng Khắc Khoan đã là bậc công thần, tham mưu chốn cơ mật, từng giữ trọng chức ở các bộ, các tự, mà còn hạ mình xuống chốn trường thi, cầu lấy đỗ đại khoa mới cho là vinh".
Nhà thơ Hữu Thỉnh viết trong cuốn Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, thân thế - cuộc đời và sự nghiệp: "Trong lịch sử thi cử các triều đại phong kiến Việt Nam, hiếm có một ông quan tuổi ngoài 50 lều chõng đi thi và đỗ cao như Phùng Khắc Khoan".
Như vậy, Phùng Khắc Khoan đỗ Hoàng giáp chứ không đỗ Trạng nguyên. Tuy nhiên, dân gian phục tài, gọi ông là Trạng Bùng với hàm ý coi ông là trạng nguyên của làng Bùng.
Cuộc đời làm quan của Phùng Khắc Khoan khá thăng trầm nhưng luôn thể hiện sự liêm chính cương trực vì nước vì dân, được các đời vua trọng dụng. Sau khi Phùng Khắc Khoan đỗ đầu kỳ thi Hương năm 1557, ông được Trịnh Kiểm biết đến là người có học thức, mưu lược nên đã cho tham dự việc triều chính, giữ chức ký lục ở ngự dinh, coi quân bốn vệ.
Từ năm 1558 đến năm 1571, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng. Nhưng cũng trong thời gian này, vì làm trái ý vua, ông từng bị giáng chức, phải ra thành Nam, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ít lâu sau, vua lại triệu ông về.
Sau khi đỗ Hoàng giáp kỳ thi Hội, ông liên tục được thăng chức vì có những đóng góp lớn cho triều đình. Năm 1593, sự nghiệp trung hưng của nhà Lê hoàn thành, Phùng Khắc Khoan được coi là công thần. Ở tuổi 69, khi đang làm Tả thị lang bộ Công, ông được cử làm Chánh sứ sang triều Minh (Trung Quốc). Ông từng giữ tới chức Thượng thư bộ Hộ (năm 1602) trước khi xin về quê
Sau khi sự nghiệp trung hưng thành công, vua Lê về kinh đô. Cùng việc khôi phục kinh tế, triều đình phải lo một việc lớn là đối ngoại với nhà Minh bởi lúc bấy giờ, nhà Minh đã nhận hối lội của nhà Mạc nên không chịu nhận sứ thần của nhà Lê. 
Năm 1597, khi đang làm Tả thị lang bộ Công, Phùng Khắc Khoan được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú viết; "Bấy giờ nhà Minh nhận hối lộ của con cháu nhà Mạc, không chịu nhận sứ. Ông (chỉ Phùng Khắc Khoan) còn đợi mệnh vua Minh, liền đưa thư cho Súy ty nhà Minh (tức quan coi cửa ải), kể rõ việc nhà Mạc cướp ngôi... Người Minh khen là có nghĩa mới cho sứ thần qua cửa quan".
Khi đến Yên Kinh, Lễ bộ đường của triều Minh trách việc nhà Lê cống sai mẫu nên không cho vào. Phùng Khắc Khoan đã có những lời biện bạch thuyết phục được vua Minh nên được vào trầu và lĩnh ấn sắc đem về nước.
Trong dịp này, gặp ngày sinh nhật vua Minh, ông dâng lên tập thơ gồm 30 bài khiến vua Minh Thần Tông nể phục. Chính sử chép: "Khắc Khoan đến Yên Kinh, vừa gặp tiết Vạn Thọ của vua Minh, dâng 30 bài thơ lạy mừng. Trương Vị đem tập thơ Vạn Thọ ấy dâng lên. Vua Minh cầm bút phê rằng Người hiền tài ở đâu mà không có. Trẫm xem thơ, thấy hết lòng trung thành của Phùng Khắc Khoan, rất đáng khen ngợi rồi sai đưa xuống khắc in để ban hành trong nước".
Trong thời gian đi sứ ở Trung Quốc, Phùng Khắc Khoan đã đưa giống ngô, giống đậu tương (có tài liệu ghi ngô và vừng) về trồng ở quê nhà. Câu chuyện Trạng Bùng đem ngô từ Trung Quốc về Việt Nam được chép lại trong nhiều sách, truyện với nhiều cách kể, nhưng các tài liệu đều khẳng định ông là người đầu tiên mang giống cây trồng này về nước Việt.
Cũng trong chuyến đi sứ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan còn để tâm tìm hiểu và nắm bắt một số kỹ thuật sản xuất nhằm đưa về phổ biến trong nước. Theo cuốn Thần đồng xưa nước ta, trên đường đi, ông thấy nhiều xưởng dệt tơ bèn lân la làm quen, quan sát, nhớ mọi chi tiết rồi ghi chép lại. Khi về nước, ông đã truyền nghề dệt lượt mỏng (dân gian gọi là "Lượt Bùng") cho người dân.
Trong thời gian rời kinh về quê, Phùng Khắc Khoan hướng dẫn người dân làm nông. Ông viết nhiều bài thơ phổ biến trong dân gian về cây cỏ, rau quả, gia súc, gia cầm cùng cách nuôi, trồng và ích lợi của chúng. Ví dụ: "Trồng dưa chớ để mùa qua/ Ngăn phên mắt cáo kẻo gà đạp kê/ Quanh vườn thả dậu sừng dê/ Mướp trâu dưa chuột bốn bề leo dong".
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là thi sĩ tài hoa và được đánh giá xứng đáng tầm vóc một tác gia lớn của nền văn học Việt Nam. Giới sưu tầm đã xác định được trên 500 tác phẩm của ông bao gồm văn tế, văn bia, kinh truyện... nhưng đặc sắc hơn cả là thơ, bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm.
Bốn tập thơ chữ Hán tiêu biểu của Phùng Khắc Khoan còn lại đến ngày nay là Ngôn chí thi tập, Huấn đồng thi tập, Đa thức tập, Mai lĩnh sứ hoa thi tập. Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá: "Chỉ riêng với bốn tập thơ trên đã khẳng định và tôn vinh tầm vóc Phùng Khắc Khoan".
Sáng tác chữ Nôm của Phùng Khắc Khoan phải kể đến như Ngư phủ nhập Đào nguyên, Lâm tuyền vãn...
Thơ văn của Phùng Khắc Khoan phản ánh thời thế, chí hướng, tâm trạng, thiên nhiên..., có giá trị lớn trong việc nghiên cứu xã hội. Ngoài ra, thơ văn của ông còn góp phần giải quyết công việc ngoại giao mà ông đảm nhiệm.
Năm 1613, Phùng Khắc Khoan mất, thọ 86 tuổi, được truy tặng Thái phó. Để tưởng nhớ công ơn của ông, người dân Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội) đã lập đền thờ.
Nhiều đường, phố, trường học ở các tỉnh, thành được đặt theo tên của ông, tiêu biểu là ở Hà Nội và TP HCM. Đường Phùng Khắc Khoan ở TP HCM nằm ngay quận 1 (quận trung tâm). Ở Hà Nội, đường này thuộc quận Hai Bà Trưng.

Dương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét