Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Cuộc đời ly kỳ của ông vua lên ngôi nhờ giấc mộng của người khác

 Lê Hiển Tông là vị vua có số phận ly kỳ bậc nhất sử Việt. Khi đang là tù nhân, ông bỗng nhiên được lên làm vua.
Lê Hiển Tông (1717-1786), là vị vua áp chót của nhà Hậu Lê. Ông có tên húy Lê Duy Diêu, con trưởng của vua Lê Thần Tông. Năm 1740, ông được chúa Trịnh Doanh đưa lên làm vua.
Hiếm có vị vua nào trong lịch sử phong kiến Việt Nam nắm giữ nhiều kỷ lục như vua Lê Hiển Tông, dù suốt cuộc đời làm vua của ông, quyền hành đã nằm trọn trong tay các chúa Trịnh.

Từ tù nhân trở thành vua

Lê Duy Diêu dù sinh ra trong gia đình đế vương, nhưng đây là giai đoạn vua Lê đã mất hết thực quyền vào tay chúa Trịnh. Các đời vua trước như Lê Kính Tông bị chúa Trịnh bức tử, Lê Dụ Tông bị ép phải thoái vị.
Bất bình trước sự lấn át của họ Trịnh, một số hoàng thân nhà Lê nổi lên chống lại. Năm 1738, con thứ tư của vua Lê Dụ Tông là Lê Duy Mật làm chính biến nhưng bất thành. Sau khi Lê Duy Mật bỏ trốn, Lê Duy Diêu bị Trịnh Giang bắt giam. Tưởng như một số phận bi thảm đang chờ đón phía trước, bất ngờ, ông lại được lên ngôi vua.
Do ăn chơi sa đọa, lại liên tiếp hãm hại các vua Lê, Trịnh Giang bị ép phải thoái vị, nhường ngôi lại cho Trịnh Doanh. Khác với anh trai, Trịnh Doanh có chính sách ôn hòa hơn. Ông chủ trương đối xử tốt với các vua Lê để thu phục lòng người.
Cuoc doi ly ky cua ong vua len ngoi nho giac mong cua nguoi khac hinh anh 1
Tranh vẽ vua Lê Hiển Tông. Nguồn: Sỹ Hòa/Báo Bình Phước.
Theo Hoàng Lê nhất thống chí, năm 1740, Trịnh Doanh lên ngôi chúa mới chuyển hoàng tử Lê Duy Diêu đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận. Kỳ lạ là, đêm trước đó, Vũ Tất Thận “mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình”.
Sáng hôm sau thấy quân lính giải hoàng tử đến nhà, ông ta rất kinh ngạc, cho là ứng vào giấc mộng của mình, bèn kể lại với chúa. Trịnh Doanh thấy vậy cho là người có phúc lớn bèn đón hoàng tử về tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng.
Vậy là nhờ vào giấc mơ của Vũ Tất Thuận, hoàng tử Lê Duy Diêu đang từ thân phận tù nhân đã trở thành vua của nhà Hậu Lê danh chính ngôn thuận.

Ông vua của nhiều kỷ lục

Lê Hiển Tông là vị vua sống thọ nhất của nhà Hậu Lê (69 tuổi), ở ngôi lâu nhất (46 năm). Trong thời gian làm vua, ông chỉ sử dụng duy nhất một niên hiệu (Cảnh Hưng), trong khi trước và sau đó, các vua khác rất hay đổi niên hiệu.
Thậm chí, niên hiệu Cảnh Hưng của vua còn được sử dụng ở những địa bàn do chúa Nguyễn chiếm đóng. Các văn bản hành chính vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng. Sau khi vua Lê Hiển Tông qua đời, niên hiệu này tiếp tục được sử dụng. Khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, niên hiệu Cảnh Hưng mới được thay thế.
Trong thời gian làm vua, Lê Hiển Tông đã cho phát hành tới 16 loại tiền, trở thành vị vua phát hành nhiều loại tiền nhất trong số các vua chúa Đại Việt. Tất cả đều mang tên Cảnh Hưng.
Đó là Cảnh Hưng Thông Bảo, Cảnh Hưng Trung Bảo, Cảnh Hưng Chí Bảo, Cảnh Hưng Vĩnh Bảo, Cảnh Hưng Thái Bảo, Cảnh Hưng Cự Bảo, Cảnh Hưng Trọng Bảo, Cảnh Hưng Tuyền Bảo, Cảnh Hưng Thuận Bảo, Cảnh Hưng Chính Bảo, Cảnh Hưng Nội Bảo, Cảnh Hưng Dụng Bảo, Cảnh Hưng Lai Bảo, Cảnh Hưng Thận Bảo, Cảnh Hưng Ðại Bảo, Cảnh Hưng Ðại Tiền.
Lê Hiển Tông cũng là vị vua duy nhất có tới 3 con rể làm vua, gồm Quang Trung -Nguyễn Huệ (lấy công chúa Ngọc Hân), vua Cảnh Thịnh của nhà Tây Sơn (lấy công chúa Ngọc Bình). Sau đó, Ngọc Bình lại kết duyên cùng vua Gia Long của nhà Nguyễn.
Dưới thời vua Lê Hiển Tông, lần đầu tiên trong lịch sử, khoa cử nho học, các sĩ tử phải nộp lệ phí mới được tham dự thi Hương, gọi là tiền thông kinh vào năm 1750. Trong 46 năm trị vì của ông, triều đình cho mở 16 khoa thi, lấy đỗ 131 tiến sĩ. Ông trở thành vị vua cho mở nhiều khoa thi nhất trong sử Việt.
Ngoài ra, Lê Hiển Tông cũng là vị vua cho ban hành bộ luật tố tụng đầu tiên của nước ta. Năm Đinh Dậu (1777), bộ Quốc triều khám tụng điều lệ được ban hành, gồm những quy định về kiện tụng, quy định thẩm quyền các cấp xét xử, thời hạn xét xử, trình tự bắt người, điều tra, khám xét…
Lê Hiển Tông là vị vua rất giỏi về âm nhạc và nhiều tài lẻ khác. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, “vua giỏi về các kỹ nghệ lặt vặt. Bao nhiêu cung điệu, nhạc phủ, nhà vua đều chế ra bài mới, âm thanh cực kỳ du dương, trong sáng”.
Trị vì trong giai đoạn quyền hành đã rơi hết vào tay chúa Trịnh, các vua Lê chỉ còn là bù nhìn, chứng kiến nhiều vị vua thời trước từng bị nhà họ Trịnh phế bỏ, nên suốt cuộc đời làm vua của mình, Lê Hiển Tông gần như không có sự phản kháng nào với họ Trịnh. Thậm chí, ông còn đòi trị tội những ai có ý định giúp vua giành lại quyền bính đã mất.
Theo sách Cương mục của triều Nguyễn, "nhà vua là người nhân từ, trầm tĩnh. Lúc về già, gặp Trịnh Sâm áp bức, ông cũng chỉ ngậm miệng mà nhịn. Đến nay Tây Sơn tôn phò, nhà vua ngoài mặt tuy mừng mà trong bụng vẫn lấy làm lo".
Nguyễn Thanh Điệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét