Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Hệ thống quản lý đô thị Sài Gòn 150 năm trước

Cùng với việc quy hoạch Sài Gòn trở thành một TP hiện đại theo kiểu châu Âu từ năm 1860 là việc xây dựng một kiểu quản lý đô thị hoàn toàn mới chưa từng có ở Việt Nam. Xét rộng ra thì mô hình này cũng chưa từng ở đâu có ở Đông Nam Á.
Thành phố hiện đại phải có hệ thống quản lý tương ứng
Vào thời đó, nhà cầm quyền đã sáng tỏ một điều một TP hiện đại mà không có hệ thống quản lý tương xứng thì trước sau cũng lụi tàn. Lúc ban đầu quản lý đô thị theo kiểu Pháp được đưa vào ngay các khu phố Tây ở khu vực trung tâm, nơi được coi là bản sao một TP địa phương của Pháp tại Việt Nam. Các quy tắc quản lý nhân khẩu bằng thẻ căn cước, đánh số nhà, đặt tên đường, chia lô phố được xác lập, các quy chuẩn kiến trúc, tiêu chuẩn xây dựng được tiêu chuẩn hóa thống nhất toàn Nam bộ, các nguyên tắc chung của quy hoạch, kiến trúc và cơ sở hạ tầng đô thị được đề ra.
Người Pháp chú trọng quản lý đô thị theo luật thành văn (thường là sắc lệnh, nghị định, công báo) thay cho quản lý dân cư bằng kinh nghiệm và cảm xúc của các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó. Theo thời gian, cách quản lý đô thị phương Tây bắt đầu ảnh hưởng lan tỏa tới người dân bản địa. Họ phải đăng ký kinh doanh, đóng thuế môn bài, thuế kinh doanh ngành hàng. Các khu ở phải trong trạng thái mở, các cổng làng đóng kín bưng bị bãi bỏ, các cộng đồng dù là Pháp, Hoa, Ấn, Việt đều phải thực thi pháp luật.
Tổ chức quản lý đô thị đầu tiên được hình thành theo nghị định ký ngày 4.4.1867. Một ủy ban thị xã (có tài liệu ghi là TP) được thiết lập, gồm một ủy viên trưởng và 12 ủy viên, do thống đốc chỉ định sau khi lựa chọn trong danh sách những thân hào từ 25 tuổi trở lên, không phân biệt quốc tịch nhưng phải trú ngụ tại Sài Gòn ít nhất là sáu tháng. Nhiệm kỳ của ủy ban này là hai năm. Ủy ban này có chức năng giống như hội đồng thị xã ở bên Pháp.
Tổ chức này chỉ tồn tại trong hai năm, đến ngày 8-7-1869 thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thay đổi danh xưng, đổi ủy ban thị xã thành hội đồng thị xã (có tài liệu ghi là hội đồng TP), đứng đầu là thị trưởng. Hội đồng này gồm có một thị trưởng và 13 thành viên, trong đó có bảy người được bầu cử và sáu người được thống đốc chỉ định. Nhiệm kỳ cũng là hai năm.
Trong trường hợp nhiệm kỳ chưa kết thúc mà có chỗ khuyết trong số hội viên bầu cử thì hội đồng bổ sung bằng cách bỏ phiếu kín. Ông Trương Vĩnh Ký là một thành viên hội đồng được thống đốc chỉ định trong dịp này. Như vậy, lần đầu tiên TP Sài Gòn đã có một hội đồng được lập ra để phụ trách việc quản trị đô thị.
 
Tòa Đô chánh Sài Gòn, nay là UBND TP.HCM. Ban đầu quản lý đô thị theo kiểu Pháp được đưa vào khu vực trung tâm, nơi được coi là bản sao một TP địa phương của Pháp tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Hội đồng thành phố được bầu phổ thông đầu phiếu
Nghị định ngày 17.12.1872 cho phép nâng số thành viên hội đồng lên thành 15 người, những ai đã cư trú ở Sài Gòn quá hai năm và có tài sản trị giá trên 3.000 quan đều có quyền đi bầu cử, bất luận là người Pháp, người nước ngoài không phải Pháp và người bản xứ.
Sau nhiều lần sửa đổi, tổ chức chính quyền TP Sài Gòn được chỉnh đốn bởi sắc lệnh ngày 8.1.1877 do đích thân tổng thống Pháp ký. Những điểm quan trọng của sắc lệnh này bao gồm:
- Cho Sài Sòn được hưởng quy chế thị xã như các TP lớn bên Pháp quốc, có tư cách pháp nhân và tài chính riêng.
- Một thay đổi khác nữa là sự hiện diện của ngoại kiều trong thành phần hội đồng TP. Thành phần đó gồm có: Thị trưởng và hai phó thị trưởng do thống đốc bổ nhiệm trong số các hội viên được bầu cử lên; tám hội viên Pháp hoặc nhập Pháp tịch; hai hội viên Việt Nam; một hội viên ngoại quốc khác không phải người Pháp; một hội viên là người Hoa. Nhiệm kỳ của hội đồng tăng lên một năm là ba năm. Hội viên Pháp bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu. Các hội viên khác do thống đốc chỉ định bằng nghị định. Hai hội viên Việt Nam tham gia trong hội đồng bấy giờ là ông Trương Vĩnh Ký và Paulus Của. Bằng sắc lệnh ngày 11.7.1908, Hội đồng TP Sài Gòn gồm toàn những hội viên được bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu và trực tiếp. Có 16 hội viên Pháp hoặc nhập Pháp tịch (12 hội viên chính thức, bốn hội viên dự khuyết) và tám hội viên Việt Nam (sáu chính thức và hai dự khuyết). Thị trưởng và hai phó thị trưởng đều do hội đồng TP bầu lên theo lối bỏ phiếu kín và theo nguyên tắc đa số. Có thể nói đây là bước đầu trong chế độ địa phương phân quyền và chế độ này đã tồn tại hơn 50 năm.
Năm 1947 bầu ra người đứng đầu là đô trưởng
Đến năm 1931, bằng sắc lệnh ban hành ngày 27.4, Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng phụ cận được sáp nhập thành một đơn vị hành chính, lấy tên chung là TP Sài Gòn-Chợ Lớn. Nhưng sắc lệnh này lại không nói tới việc hợp nhất hai hội đồng của TP Sài Gòn và TP Chợ Lớn làm một mà vẫn tồn tại riêng rẽ. Đến ngày 14.12.1931, một nghị định khác ra đờivới nội dung phân công chức năng cho bốn hội đồng.
Trong đó, hai hội đồng ở cấp TP (một ở Sài Gòn và một ở Chợ Lớn) và hai hội đồng địa phương cho các khu vực còn lại. Hai hội đồng TP Sài Gòn và Chợ Lớn được giao phó phần lớn những quyền hạn hành chính như an ninh trật tự, xây dựng, công lộ, vệ sinh, lò sát sinh… Còn hai hội đồng khác được giao phó những quyền hạn về hộ tịch, y tế, xã hội, giáo dục, lễ hội…, mỗi hội đồng có một ngân sách riêng. Cả hai hội đồng này có quyền lực rất cao, nhất là quyền lập ra các quy định (quyền lập quy).
Vào ngày 19.12.1941, một sắc lệnh khác ra đời, bãi bỏ sắc lệnh ngày 27.4.1931, giải tán hai hội đồng TP Sài Gòn và Chợ Lớn để sáp nhập vào thành một hội đồng duy nhất gọi là Hội đồng TP Sài Gòn-Chợ Lớn. Sắc lệnh 19.12.1941 đã chấm dứt chế độ địa phương phân quyền và quay lại chế độ tập trung. Tình trạng trên được duy trì cho đến tháng 8-1945, ngày Nhật đầu hàng.
Ngày 26.9.1947, một nghị định mới nữa được ban hành có nhiều điểm được sửa đổi. Theo nghị định này, người chỉ huy TP Sài Gòn-Chợ Lớn được gọi là đô trưởng Sài Gòn-Chợ Lớn, vị chỉ huy Sở Hành chính gọi là tổng thư ký đô thành và hai vị đại diện ở Sài Gòn và Chợ Lớn thì gọi là phó đô trưởng Sài Gòn, phó đô trưởng Chợ Lớn.
Vào năm 1952, bằng sắc lệnh ký ngày 27.12.1952, Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn được chia làm bảy quận, đặt dưới quyền đô trưởng. Mỗi quận có một hội đồng gồm năm hội viên, bầu theo lối phổ thông đầu phiếu và trực tiếp với nhiệm kỳ là ba năm. Đối với cơ quan hành chính đô thành, các hội viên hội đồng cấp quận là đại diện cho dân phố. Ngược lại, đối với dân trong quận, các hội viên là đại diện cho chính quyền đô thành. Hội viên hội đồng quận thi hành nhiệm vụ của mình đối với toàn thể cư dân trong quận, người Việt Nam cũng như ngoại kiều.

TP.HCM đang chuyển dần quản lý đô thị từ mô hình bao cấp và tập trung hóa cao sang mô hình “chính quyền đô thị hiện đại và dân sự”, tiệm cận gần với các mô hình quản lý đô thị hiện đại đang thịnh hành trên thế giới với các đặc tính như dân chủ hóa, phân quyền cao, tự quản lãnh thổ, cộng đồng tham gia rộng rãi... Cho dù không phải là nhiều nhưng có một số điểm chúng ta có thể học hỏi và rút kinh nghiệm từ mô hình này, góp phần cho việc xây dựng hệ thống quản lý đô thị hiện đại của Hà Nội và TP.HCM.
PGS-TS Nguyễn Minh Hoà 
Theo Plo.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét