“Đường vua” và những cái nhất
Chưa nói đến nghĩa bóng, đường Nguyễn Huệ có nhiều liên quan lịch sử đến vua chúa. Năm 1790, khi quyết định chọn Gia Định làm kinh đô, Nguyễn Ánh (Vua Gia Long sau này) cho xây Thành Gia Định, còn gọi là Thành Phiên An hoặc Thành Quy, và một con kênh dẫn nước từ sông Sài Gòn vào cho thành. Con kênh ấy được gọi là Kinh Lớn, không chỉ dẫn nước mà còn là nơi buôn bán tấp nập của thời ấy, đặc biệt là có một Chợ Vải lớn bán suốt đêm ngày. Do kênh bị ô nhiễm nặng, người Pháp đã cho lấp đi vào năm 1887, và làm thành đại lộ mang tên Charner, dân gian thì vẫn gọi đường ấy là đường Kinh Lấp. Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên đường này là Nguyễn Huệ - vị vua có niên hiệu là Quang Trung.
Kinh Lớn trước khi bị lấp thành đường Charner. Ảnh TL
Năm 1993, Tổng thống đầu tiên của Pháp thăm Việt Nam từ sau sự kiện Điện Biên Phủ 1954 Francois Mitterrand trong chuyến vào thăm TP.HCM đã cùng Chủ tịch thành phố khi ấy là ông Trương Tấn Sang tản bộ trên đường Nguyễn Huệ, chỉ một đoạn ngắn từ trụ sở UBND TP.HCM đến ngã tư Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi. Có thể nói, chuyến tản bộ đó đã biến Francois Mitterrand trở thành nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đi bộ trên đường Nguyễn Huệ.
Nguyễn Huệ cũng là con đường gắn với một số kỷ lục mà nhiều đường khác không có. Đường gần trụ sở chính quyền thành phố nhất, gần nhà hát có tuổi đời lâu nhất Sài Gòn (Nhà hát Thành phố). Đây cũng là nơi có vòng xoay (bùng binh) đầu tiên của Sài Gòn và cũng là của Việt Nam xây năm 1890, nơi giao cắt giữa hai con đường lớn ở trung tâm thành phố là đường Bonard (sau đổi thành Lê Lợi) và đường Charner (sau đổi thành Nguyễn Huệ). Người dân thường gọi nơi này bằng cái tên dân dã: “Bùng binh Cây liễu”. Đường Nguyễn Huệ hiện tại giữ kỷ lục con đường nội thành có bề ngang rộng nhất (64m) và cũng là con đường đầu tiên của Việt Nam được lát đá granite toàn bộ.
Đường Nguyễn Huệ còn rất nổi tiếng vì là con đường trung tâm đầu tiên của Sài Gòn được chính quyền trước năm 1975 cho làm chợ hoa vào dịp tết cổ truyền. Khi chợ hoa này bị dẹp bỏ sau năm 1975, vào mỗi dịp tết đường Nguyễn Huệ được chọn làm đường hoa, chủ yếu để trưng bày, mất hẳn không khí của phiên chợ đặc biệt vốn chỉ diễn ra trong vài ngày tết.
Đường của những cao ốc và khách sạn hạng sang
Nếu như trước năm 1975 tại Nguyễn Huệ chỉ mới mọc lên hai khách sạn loại sang nhất thời đó là Rex (số 141) và Palace (hiện mang tên Hữu Nghị, số 56 - 64) thì sau năm 1975, đặc biệt là sau năm 1990 đã xuất hiện thêm ở đây một loạt khách sạn lớn có đẳng cấp. Kim Đô, Prince sau đổi thành Duxton, tòa nhà Sun Wah... Và, ngay lập tức Nguyễn Huệ được mệnh danh là “đường của những cao ốc và khách sạn hạng sang”.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ ngày nay. Ảnh Kênh 14
Palace được nâng cấp từ 2 sao lên 4 sao cùng hạng với Kim Đô xây sau này. Rex từ 4 sao được mở rộng về phía đường Lê Thánh Tôn và nâng cấp lộng lẫy để lên 5 sao. Nhưng đặc biệt nhất thì phải kể đến Reverie Hotel - khách sạn 6 sao đầu tiên của Việt Nam với 224 phòng nghỉ. Khách sạn này nằm trọn trong một “địa chỉ vàng giữa lòng Sài Gòn”: cao ốc phức hợp Times Square (số 22-36) cao 164m với 39 tầng, nơi mà từ khi khánh thành (2013) đến nay vẫn được liên tục nhắc tới trên các phương tiện truyền thông là “cao ốc phức hợp có kiến trúc và tiện nghi đẳng cấp hàng đầu thế giới, góp phần đánh dấu cho sự phát triển năng động của TP.HCM”.
Tòa nhà này có tổng mức đầu tư 125 triệu USD, hơn 90.000m2 xây dựng, hiện do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát quản lý. Danh sách khách sạn đẳng cấp quốc tế trên đường Nguyễn Huệ đang còn được kéo dài, ít nhất là thêm một địa chỉ nữa khi Hotel Okura Prestige Saigon của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn được khánh thành vào năm 2020 với 250 phòng nghỉ hiện đại, nằm lọt trong tòa nhà hiện đại cực lớn mang tên Satra Tax Plaza với nhiều chức năng, trong đó có đường kết nối trực tiếp với nhà ga Metro đang xây ở vị trí Bùng binh Cây liễu cũ.
Đường của những địa danh và nhân vật nổi tiếng một thời
Đến Nguyễn Huệ bây giờ, chẳng còn mấy ai nhớ đến những tên nhà, tên người một thời lừng lẫy. Theo Nguyễn Đức Hiệp, một nhà nghiên cứu lịch sử am tường về Sài Gòn - Chợ Lớn và Nam bộ thì tại đường Nguyễn Huệ có những địa chỉ đã góp phần làm nên lịch sử của con đường. Ở nơi mở rộng khách sạn Rex hiện giờ, góc Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn xưa là tòa nhà bán xe hơi của một người Pháp tên Elime Bainier. Ông là thị dân Sài Gòn đầu tiên lái xe buýt chở các viên chức chính quyền đi trên đường phố Sài Gòn năm 1909 - năm khánh thành Tòa thị chính Sài Gòn (nay là UBND TP.HCM, số 86 Lê Thánh Tôn) để giới thiệu về một phương tiện chuyên chở công cộng mới du nhập. Khi gia đình ông Bainier trở về Pháp vào năm 1953, vợ chồng hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Thi đã mua lại tòa nhà này và phá đi để xây khách sạn Rex, rạp chiếu phim và các cửa hàng cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại ở mặt Nguyễn Huệ và Lê Lợi.
Ở số 37 là tòa nhà Kho bạc Thành phố, ra đời sau khi chợ Bến Thành được xây dựng. Tòa nhà này là minh chứng của thiết chế tài chính rất lâu đời ở Sài Gòn với lối kiến trúc phương Tây khá tiêu biểu, đã có lúc sau năm 1975 bị đề nghị phá bỏ để xây lên một công trình mới.
Rất nhiều người Sài Gòn mê quần vợt biết đến Giải quần vợt và sân quần vợt nổi tiếng của Pháp là Rolland Garros. Nhưng chắc chắn rất ít người biết đó là tên của một phi công chiến đấu của Pháp (hy sinh năm 1918) - là người đầu tiên bay qua Địa Trung Hải và được Chính phủ Pháp phong tặng danh hiệu anh hùng. Ai ngờ được, chính R.Garros đã từng sống những năm tuổi thơ ở Sài Gòn, tại số nhà 117 đường Charner (Nguyễn Huệ ngày nay). Tòa nhà này (117 - 119) cùng với nhà 16 Nguyễn Thiệp đã được chính quyềnTP.HCM bán cho Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) năm 2007 với giá hơn 359 tỷ đồng. Mười năm qua, khu đất vàng ấy vẫn nằm yên đó, chưa biết sẽ “đi đâu, về đâu”. Điểm sống động nhất của tòa nhà này có lẽ chỉ là cửa hàng Satra Mart bé nhỏ mở cửa suốt ngày đêm phục vụ khách vãng lai và các hộ gia đình sống quanh đó.
Con hẻm 53 nơi đã từng có quán Bà Cả Đọi nổi tiếng vì món Bắc. Ảnh TT
Một địa chỉ khác của Nguyễn Huệ, lẽ ra đã trở thành một di tích vì sự xứng đáng nhưng nay sắp khai trương một nhà hàng giải khát, rất gần với cửa hàng Amigo của Vạn Thịnh Phát và con hẻm 53 - nơi từng có quán Bà Cả Đọi nổi tiếng vì món Bắc ngon và cũng nổi tiếng vì sự tuềnh toàng của chỗ ngồi. Địa chỉ ấy là số nhà 49, nơi mà hơn 100 năm trước chí sĩ Nguyễn An Khương - cha của nhà yêu nước, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh đã mở một địa điểm kinh doanh: dưới nhà là tiệm may, trên gác là khách sạn Chiêu Nam Lầu.
Tiếng là kinh doanh nhưng thực chất đây là điểm hoạt động tài chính để yểm trợ cho việc đào tạo thanh niên yêu nước đi du học và các nhà yêu nước hoạt động, là “nơi chiêu hiền đãi sĩ” của người Việt Nam, nơi gặp gỡ của anh hùng hào kiệt ba miền, nơi tá túc của các nhà ái quốc miền Bắc miền Trung lưu lạc vào Nam” (Nguyễn Thị Minh, con gái ông Nguyễn An Ninh, tác giả sách Nguyễn An Ninh: tôi chỉ là cơn gió thổi).
Tại Chiêu Nam Lầu 49 Nguyễn Huệ, gần đủ hết các gương mặt nổi bật của phong trào yêu nước thời ấy đã đến ở và làm việc: Phan Chu Trinh sống những ngày cuối đời, Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Sinh Huy (Sắc) và cả Nguyễn Tất Thành... Khi tôi đến đây một chiều tháng tư năm nay hỏi thăm để xin được vào bên trong ngôi nhà mang dấu tích lịch sử này, người bảo vệ không cho nhưng mời rất niềm nở: “Để bữa khai trương đến coi luôn nha!”.
Đường có giá đất cao nhất... thế giới, và gì nữa?
Ngay từ những năm 1890, khi xuất hiện đại lộ Charner (Nguyễn Huệ ngày nay), đây đã là nơi hội tụ làm ăn của cộng đồng người Pháp, người Hoa, người Ấn. Nếu Thương xá Tax là của người Pháp và một vài cơ sở tạp hóa nhỏ lẻ là của người Ấn, thì người Hoa chiếm lĩnh nhiều cơ sở buôn bán sỉ gạo, vải... và cửa hàng ẩm thực.
120 năm sau, con đường Nguyễn Huệ hôm nay có vẻ như vẫn là nơi các doanh nhân người nước ngoài chen vai làm ăn bên cạnh các doanh nhân Việt. Nhưng những người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu và quản lý nhiều nhất các bất động sản giá trị lớn trên con đường sầm uất nhất Sài Gòn này có lẽ vẫn là các doanh nhân người Hoa hoặc gốc Hoa. Chỉ riêng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu và quản lý nhiều vị trí có giá trị cực lớn: Union Square Nguyễn Huệ-Lê Lợi, Times Square (22-36), Ao Dai Exhibition (77), Saigon Garden (99), Amigo (55-57)... Kế đó là các bất động sản lớn thuộc sở hữu của Sài Gòn Tourist (Rex, Palace...), của SATRA (Thương xá Tax và một số địa chỉ là Satra Food, Satra Mart, Satra Bekery & Cafe...).
Thông tin từ các trang điện tử chính thức cho biết giá đất ở Nguyễn Huệ đang ở điểm ngất ngưởng 1 tỷ đồng/m2, bỏ xa lơ xa lắc bảng giá đất của Nhà nước! Vậy nghĩa là các doanh nhân đang đầu tư làm ăn tại con đường “vua” này của Sài Gòn đang trên đà thắng lợi về giá trị tài sản. Đó là một điều đáng vui. Nhưng sẽ vui hơn nhiều khi những ai đó từ thu nhập doanh nghiệp tăng cao của mình chịu đầu tư cho việc lưu giữ ký ức con đường đặc biệt nhất Sài Gòn này. Một bảo tàng nhỏ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ với đầy đủ hình ảnh, thông tin về quá trình hình thành. Một cột thông tin lớn đặt trên đường Nguyễn Huệ ghi tất cả những địa chỉ văn hóa đáng lưu ý của con đường. Những bảng thông tin nhỏ trước những ngôi nhà liên quan đến các sự kiện lịch sử và nhân vật nổi tiếng.
Dễ và không đắt.
Nguyễn Thế Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét