Ở Nam bộ, rất nhiều địa danh mang tên người. Những nhân vật có quyền cao chức trọng, dân gian kính nể, húy kỵ chỉ gọi chức tước mà không gọi tên, như cầu mang tên ông lãnh binh Thăng thì chỉ gọi cầu Ông Lãnh, hay lăng Tả quân Lê Văn Duyệt thì gọi lăng Ông. Nhưng đối với các quan chức nhỏ thì dân gian gọi cả chức tước lẫn tên, như các địa danh bắt đầu bằng chữ Thủ đứng trước tên người, như Thủ Thừa ở Long An, hay Thủ Đức, Thủ Thiêm ở TP.HCM.
Thủ Đức - miền đất học
Theo tài liệu của Phòng Văn hóa thuộc Sở Văn hóa & Thểthao TP.HCM, địa danh Thủ Đức là do lấy theo tên hiệu “Thủ Đức” của ông Tạ Dương Minh, người có công khai khẩn, lập ấp vùng Linh Chiểu xưa và xây dựng ngôi chợ đầu tiên mang tên ông. Nhưng theo một tài liệu khác thì trước khi ông Tạ Dương Minh đến, nơi này có vị quan trấn thủ tên Đức (không rõ họ) lo việc trấn thủ vùng đất mới, chăm lo bảo vệ cuộc sống cho bà con lưu dân mới từ miền Trung vào khẩn hoang lập ấp sinh sống, ông rất được nhân dân trong vùng kính trọng.
Khi ông Tạ Dương Minh đến đây lập ấp, lập chợ thì quan trấn thủ tên Đức đã qua đời trong sự thương tiếc của nhân dân trong vùng nên ông Minh đã đặt tên chợ là Thủ Đức để tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Từ ngày 1.1.1911, lần đầu tiên Thủ Đức trở thành quận và là một trong bốn quận thuộc tỉnh Gia Định (ba quận kia là Hóc Môn, Gò Vấp, Nhà Bè). Sau này qua nhiều đợt, tỉnh Gia Định thêm mấy quận mới nữa như Tân Bình, Bình Chánh… Toàn tỉnh Gia Định nằm bao quanh đô thành Sài Gòn.
Nếu như tỉnh Vĩnh Long từ xưa đã được gọi là “đất học” và là “địa linh nhân kiệt” - nơi phát tích nhiều nhân tài, lãnh tụ kiệt xuất thì ở TP.HCM, nhiều người cho rằng Thủ Đức là “đất học”, vùng đất văn hóa cũng không ngoa. Trên địa bàn quận Thủ Đức từ trước đến nay tập trung rất nhiều cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Có thể kể: ĐH Quốc gia TP.HCM với ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH KHXH&NV, ĐH Luật TP.HCM và các trường đại học Công nghệ thông tin, Quốc tế, Cảnh sát nhân dân, Công an nhân dân, Ngân hàng, Nông lâm, Sư phạm kỹ thuật, Kinh tế - Luật, Thể dục thể thao… và rất nhiều trường cao đẳng.
Nhiều cơ sở giáo dục nhất nếu so sánh với bất cứ quận, huyện nào của TP! Trước năm 1975, Thủ Đức có hai “làng” nổi tiếng cả nước là làng Báo chí và làng Đại học. Làng Báo chí với những dãy nhà liên kế rộng rãi, thoáng mát với những con đường nhỏ thơ mộng, êm đềm. Làng Báo chí cũ sau ngày 1.4.1997 trực thuộc quận 2 mới thành lập, tách ra từ huyện Thủ Đức. Và hiện nay “làng cũ” này trở thành một khu phố nhỏ nằm khiêm tốn bên những khu biệt thự sang trọng dành cho người nước ngoài.
Riêng làng Đại học từ trước năm 1975 là những biệt thự hoành tráng, sang trọng, hầu hết xây cất theo phong cách Pháp, mỗi căn rộng cả ngàn mét vuông tọa lạc trên những con đường trong “làng” rất đẹp, được quy hoạch cả những tên gọi đầy tính văn hóa: Những con đường dọc mang những tên Thống Nhất, Hòa Bình, Độc Lập, Đoàn Kết, Bác Ái, Chân Lý, Công Lý, Dân Chủ… Còn những đường ngang là tên các danh nhân văn hóa như Lê Quý Đôn, Einstein, Khổng Tử, Tagore, Chu Mạnh Trinh, Pasteur…
Chợ Thủ Đức năm 1968. Ảnh: Edmond J. Landers
Thủ Thiêm - vùng đất trũng chuyển mình thành đô thị hiện đại
Từ sau khi đại lộ Đông Tây và hầm vượt sông Sài Gòn được thông xe năm 2010 nối Thủ Thiêm, vùng trũng phát triển - cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen với quận 1 thì bán đảo Thủ Thiêm và khu Đông TP đã chuyển mình nhanh chóng thành một đô thị mới hiện đại. Hiện nay bán đảo Thủ Thiêm và khu Đông đang là điểm nóng phát triển bất động sản.
Ngoài khu đô thị Sala nằm cách trung tâm quận 1 mấy trăm mét sông Sài Gòn đang ngày đêm hối hả xây dựng, hàng loạt khu nhà cao tầng đang mọc lên san sát dọc đại lộ Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống và cả dọc đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chạy đến giáp đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 là những khu đô thị mới đang mọc lên. Tận cuối quận 2 gần quận 9 nhưng cũng có các khu chung cư mang tên Thủ Thiêm: Thủ Thiêm Xanh, Thủ Thiêm Star… Một khu đô thị hoàn chỉnh, hiện đại, một trung tâm tài chính, trung tâm thương mại đang hình thành ở bán đảo Thủ Thiêm.
Chắc ít người còn nhớ từ trước năm 1975 cho đến cuối những năm 1990, bán đảo Thủ Thiêm vẫn là vùng trũng phát triển. Một vùng đất thường xuyên ngập nước, phèn chua, cỏ lát, cỏ năng mọc khắp nơi. Chỉ cách trung tâm TP một con sông rộng năm, bảy trăm mét nhưng như là một vùng sâu, vùng xa nào đó, bao nhiêu năm vẫn nối hai bờ sông bằng những chuyến phà rì rầm, chậm chạp như nhịp sống của dân cư mấy xã, phường nằm ở bờ đông, đêm đêm đứng bên này sông nhìn sang TP như nhìn về một thế giới khác.
Lịch sử hình thành vùng đất và tên gọi Thủ Thiêm cũng khá thăng trầm. Từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, vùng đất trũng phía Đông sông Sài Gòn dân cư vẫn rất thưa thớt, sản xuất lúa năng suất thấp không đủ ăn nên phần lớn họ tụ cư dọc theo mésông để mua bán với các tàu bè qua lại, một số người làm công nhân cho hãng tàu Caric của Pháp gần bờ sông Sài Gòn.
Về địa danh Thủ Thiêm, năm 1971 tôi được nghe mấy cụ cao tuổi sáng sáng thường ngồi quán cà phê đánh cờ tướng gần chợ Thủ Thiêm kể lại. Thời gian này tôi là phóng viên tập sư,̣ thường lang thang qua bến phà Thủ Thiêm trò chuyện với mấy anh công nhân ở Nhà máy đóng tàu Caric. Theo lời các cụ kể thì từ trước khi Pháp chiếm Sài Gòn, vùng này đã có trạm thu thuế đường sông. Ông thủ ngự, tức trưởng trạm thu thuế tên Thiêm (không biết họ) là người nhân hậu, có khi thấy người bán buôn thua lỗ hay không lời, ông đã giảm hay miễn thuế cho họ. Bà con rất cảm kích nên sau khi ông mất, họ gọi vùng đất quanh trạm thuế sông này là bến Thủ Thiêm. Sau này cả chợ và phà đều mang tên Thủ Thiêm… Nhưng vùng đất nhỏ hẹp này cũng có những thăng trầm của nó.
Năm 1965, quận Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định có 15 xã, Thủ Thiêm thuộc xã An Khánh. Đến năm 1966, chính quyền cắt xã An Khánh sáp nhập vào đô thành Sài Gòn, tách thành hai phường: Phường An Khánh và phường Thủ Thiêm, thuộc quận 1. Đầu năm 1967, phường An Khánh và phường Thủ Thiêm được nâng cấp trở thành quận 9, thuộc đô thành Sài Gòn. Tại An Khánh, người ta xây dựng khu nhà công nhân cả mấy trăm căn, chủ yếu dành cho công nhân hãng Caric. Khu nhà công nhân này tồn tại mãi đến gần đây mới được giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới.
Sau ngày thống nhất, ngày 20.5.1976 chính quyền cách mạng giải thể quận 9, phường An Khánh và phường Thủ Thiêm trở thành hai xã thuộc huyện Thủ Đức. Ngày 6.1.1997 giải thể huyện Thủ Đức để thành lập thành ba quận mới. Từ 1.4.1997 các quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9 chính thức hoạt động, Thủ Thiêm lại trở thành một phường thuộc quận 2. Đó là “những bước thăng trầm” của Thủ Thiêm. Vùng đất trũng này đang chuyển mình, vươn vai thành khu Đông TP, giàu có và sang trọng.
Làng Đại học thành làng... nhậu
Rất may sau năm 1975, những tên đường ở làng Đại học Thủ Đức vẫn được giữ nguyên trong khi nhiều đường cùng tên ở trung tâm TP đã bị thay đổi! Chỉ có điều đáng quan ngại là khoảng vài chục năm nay, từ khi quận Thủ Đức mới được thành lập thì làng Đại học dần dần trở thành “làng nhậu”, “phố cà phê” với hàng trăm quán nhậu, quán cà phê. Hầu hết những căn biệt thự đẹp sang trọng đã được cải tạo, sửa sang thành nhà hàng, quán cà phê đã phá vỡ cảnh quan và nét văn hóa vốn có.
|
Theo Plo.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét