Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Huyền thoại rừng miếu Nghi Sơn

Rừng miếu - Rừng cấm miếu là tên gọi của một miếu thờ ở khu rừng làng Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách thị trấn Hương An khoảng 15km về phía Tây. Miếu có từ thời cha ông dựng ấp lập làng, đơn thuần chỉ để thờ thần rừng và đã được tiền nhân nơi đây tạo dựng.
Lịch sử đền làng Nghi Sơn
Theo các bô lão trong làng thì tiền nhân của những người có công dựng ấp, lập làng nơi đây có gốc gác từ Thanh Hóa. Họ là những chiến binh theo vua Lê vào Nam đánh giặc rồi ở lại, lấy chốn này làm quê hương thứ hai, dựng nên làng xóm từ thế kỷ XV.
Những tiền nhân có công khai phá đầu tiên ở chốn này là những dòng tộc: Âu, Dương, Phùng, tiếp đến là Lê Đình. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà các tiền nhân của dòng tộc: Âu, Dương, Phùng không còn hiện hữu trên mảnh đất này. Hiện nay chỉ còn lại dòng tộc Lê và 12 dòng tộc phái hậu hiền. Điều này được thể hiện trước ngày lễ hội khai sơn, dân làng đến viếng 02 ngôi mộ của tộc họ Lê.


Bức tượng Phật Quan Âm trong miếu.
Cũng theo các bô lão, làng Nghi Sơn khởi thủy từ Khe Môn xứ, đời nhà Nguyễn lập làng Khe Môn, đến năm 1938 hình thành làng Nghi Sơn, có thể là đến khi lập làng với tên gọi Nghi Sơn thì ngôi chùa ở đây được dân làng chung góp tôn tạo khang trang hơn, tấm bia lập vào mùa thu năm Tân Tỵ vẫn được dân làng lưu giữ tại đình tiền hiền làng.
Cũng như những cư dân ở các nơi khác, những tiền nhân nơi đây, sau khi vào định canh định cư, đời sống ổn định, họ cùng nhau lập nên ngôi đình nhỏ để tưởng nhớ các vị khai canh khai cơ, những thành hoàng đất đai. Đình làng Nghi Sơn cũng ra đời trong khung cảnh đó. Lúc đầu là tranh tre, nứa lá, dần dần tôn tạo nên thành một ngôi đình khang trang, bề thế.
Từ lễ hội khai sơn…
Khai sơn - lễ cúng thần núi hàng năm, trước khi đi vào làm nghề săn bắt, hái lượm... của những cư dân vùng Trung du và miền núi, nơi có những cánh rừng, những ngọn núi bạt ngàn cây cối tốt tươi.
Ở Nghi Sơn, ngay từ buổi đầu khai canh khai cơ, các tiền nhân nơi đây đã biết cách ứng xử với rừng núi bằng lễ hội cúng tế ngay từ đầu xuân về. Ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm là ngày lễ hội khai sơn và cũng là ngày giỗ tổ đình tiền hiền.


Phiến đá cũ ở miếu rừng.
Những người được dân làng tin tưởng và tôn kính cử vào trong ban tế lễ ở lễ hội khai sơn và giỗ tổ đình làng gồm: 01 chánh bái, 01 xướng, 01 văn, 02 người chiêng trống, 02 tiếp phẩm (rượu, trà...). Những người này, phải ăn chay trước ba tháng (tính đến ngày lễ hội), không vướng điều trần tục, nếu phạm phải thì báo để cử người thay thế. Ngày nay những quy định đó giảm xuống còn 10 ngày. Những người trong ban tế lễ đều mặc áo dài đen, đội khăn đóng, riêng chủ bái mặc áo dài màu xanh.
Trước khi đi vào lễ và hội, dân làng tề tựu về rừng miếu để làm lễ rước vong, lễ này được chuẩn bị khá công phu và trang nghiêm, có lọng, kiệu, cờ xí, chiêng trống vang lên. Ngày nay vì điều kiện kinh tế, lễ rước vong này được quy định lại ba năm một lần.
Bàn tế lễ được đặt trước sân đình. Bàn cúng thành hoàng thì có hoa quả, heo, gà... riêng bàn cúng khai sơn đạm bạc hơn gồm: hoa quả, bánh, đường bát thay cho chè. Cúng ngoài sân xong mới vào lễ cúng tiền nhân bên trong đình. Lễ cúng được già, trẻ, gái, trai sống trong làng và những người xa quê có điều kiện cũng về lễ hội.
Đây là dịp ôn lại công đức của tiền nhân, đồng thời cũng là dịp dân làng hội ngộ, kể cho nhau nghe về chuyện làm ăn, con cái thành đạt, tình làng, nghĩa xóm thắm đượm keo sơn. Sau phần lễ là phần hội, có hát bội, hò khoan đối đáp, các trò chơi dân gian.
… Đến huyền thoại rừng miếu
Làng Nghi Sơn có những quy định và dần dần trở thành hương ước của làng đó là: không một ai được vào làng đốn củi, đốt than, sẽ bị thần núi quở phạt, đau ốm, riêng với làng nếu nhẹ sẽ cảnh cáo, nặng thì đánh đòn roi, nghiêm trọng thì đuổi khỏi làng. Hình thức ấy tuy không tồn tại trong đời sống hiện tại, nhưng cũng xuất phát từ đó mà làng có những quy định bảo vệ rừng theo luật pháp hiện hành và đã được người dân nơi đây chấp hành nghiêm chỉnh.
Khi chưa làm lễ khai sơn, xin thần núi thì mọi người dân không được vào rừng, nếu không sẽ bị thần linh quở trách, bị tai nạn hoặc đau ốm.
Chuyện kể rằng, trong một lần bày biện lễ nghi cúng khai sơn và tiền hiền làng, một con bướm trắng to bay đậu vào mâm lễ, mọi người có mặt run sợ, ông chủ bái, thắp ba nén hương, miệng thầm thì vái xin, con bướm liền bay lên và lượn vài vòng rồi bay về miếu thần.
Lễ hội khai sơn và giỗ tiền hiền làng Nghi Sơn mỗi năm tổ chức một lần, nhưng rước vong thì 3 năm diễn ra một lần, nhưng những huyền thoại về khu rừng cấm miếu và lai lịch về cội nguồn của những tiền nhân có công lập ấp giữ làng đang được một người giáo làng Đinh Hữu Năm sưu tầm, với hoài bão là sẽ cho ra đời một cuốn sử làng để truyền lại cho con cháu về những đức tính cao đẹp của tiền nhân trong việc bảo vệ rừng.
Huyền thoại về rừng miếu tuy mang yếu tố tâm linh, nhưng chứa đựng yếu tố tích cực, nhằm giúp người dân nơi đây ý thức được việc chăm sóc và bảo vệ rừng như là giữ được cái hồn của tiền nhân. Nên chăng tại mảnh đất khu miếu thờ, nơi còn có những phiến sa thạch, dân làng phục dựng lại miếu thờ để thêm phần tôn kính tiền nhân và nhắc nhở con cháu trong việc gìn giữ của cải mà tiền nhân giao lại cho thế hệ trẻ hôm nay, làm hành trang tiếp bước trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương, trước tiên là bảo vệ khu rừng xanh bạt ngàn, bảo vệ nguồn nước cho làng.

Phạm Văn Bính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét