Vào một ngày mưa của Sài Gòn, dù là người sang hay hèn, thì nồi bún riêu đang sôi sùng sục với những cuộn khói thơm nồng sẽ giúp bạn có thêm một món ăn để trọn vẹn nhớ thương hương vị ẩm thực bình dân Sài Gòn.
Món ăn Bắc kỳ di cưRiêng thị xã miền Nam nơi tôi sống thời thơ ấu, tôi không tìm thấy món bún riêu. Khi lên Sài Gòn học, tôi được ăn bún riêu và mới biết đó là món của người Bắc di cư mang vô.
Tô bún riêu đầu tiên tôi được ăn là của một bà già người Bắc di cư chít khăn đen, răng cười đen bóng ở khu Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Tô bún riêu của bà không có huyết heo chỉ có đậu hũ.
Kiểu bún riêu có thêm mấy cục huyết heo là của người Hoa, sau này có những tô bún riêu người ta còn cho thêm chả lụa cây hoặc chả lụa miếng.
Nhưng dù có thêm gì đi nữa thì cũng chỉ là thực phẩm phụ ăn kèm, phần chính là riêu cua biển, cua đồng hoặc riêu cấy, cà chua, mắm tôm và rau muống bào. Không hiểu sao người sành ăn bún riêu nào cũng khoái nêm mắm tôm đen cả tô bún rồi lại thêm rau muống, bắp chuối bào sống.
Không món ăn nào dễ nấu bằng món bún riêu nhưng cũng không món ăn nào khó nấu cho ngon bằng món này. Ở một góc nhìn khác cũng có thể nói thêm là không món ăn nào dễ ăn bằng món bún riêu, cũng như không món bún riêu nào dù nấu dở mà không ra mùi đậm đà bún riêu.
Một người có cả đời “chuyên nghiệp” bán hàng rong nói: “Nhà nào cũng biết nấu bún riêu hết á, ra đường gặp hôm nào mưa dầm, hửi được mùi khói bún riêu là sôi bụng, chảy nước miếng muốn ăn, muốn húp xì xụp.”
Bún riêu không hẳn nấu từ cua
Ngày nay khó tìm thấy ở Sài Gòn một nơi nào đó nấu bún riêu bằng cua biển hay cua đồng, bún được nấu chủ yếu bằng con cấy (còn gọi là con còng ). Riêng ở một con hẻm đường Nguyễn Kim, gánh hàng bún riêu nổi tiếng có từ trước năm 1975 của một gia đình người Bắc di cư trước sau vẫn nấu bún riêu chỉ với tôm khô và cà chua.
Hàng bún riêu này bán từ đầu giờ trưa đến xế chiều là hết. Tô bún riêu ở đây nước lèo trong veo thơm ngon lạ lùng. Bà cụ bán bún riêu ngày xưa đã mất, những người con gái của bà người thì đi xa, người ở lại đều đã già nhưng hương vị hàng bún riêu tôm khô và phong cách bán hàng vẫn không hề thay đổi.
Tôi mỗi dịp trở lại đây ăn bún riêu, lần nào cũng hỏi thăm bà cụ. Tôi làm như không hay không biết cụ bà đã mất, lần nào tôi cũng khoe với cô con gái của bà cụ, nay sắp thành bà già rằng: Em biết hông, hồi nhỏ tôi được ghé vô ăn bún ở chỗ em là mừng húm...
Hương vị bình dân
Một người ghiền ăn bún riêu triết lý với tôi. “Món này thoạt nhìn có gì đâu. Nhưng nhờ vậy mà họ không nâng nó lên hàng đậm đà bản sắc dân tộc, đỡ nhức đầu. Này nhá, nước lèo với chút rong rêu phơ phất giống như rong rêu của một cái giếng, con mương quê nghèo nào đó, màu vàng điểm đỏ của cà chua, dầu hột điều, gạch cua trông như ánh sáng lúc mặt trời lên còn đọng lại. Mùi của mắm tôm, rau kinh giới, rau muống bào bình thường là thứ mùi khó ngửi, nhưng khi quyện lại ra thứ hương vị món ngon bếp quê nhà không lẫn vào đâu được.”
Nói chung, về món bún riêu người ta có thể tìm thấy khắp mọi vỉa hè hẻm cụt của cái đô thị lớn nhất nước này. Bún riêu nếu ăn vào buổi sáng được xếp ngang hàng với món xôi, bánh mì, nếu ăn vào buổi chiều thì ngang với cháo huyết, hủ tiếu gõ. Số phận của món ăn này phải chăng được “thiên định” tặng riêng cho người nghèo, người thất cơ lỡ vận cần đến với nhau, nương tựa giúp nhau ấm bụng và mưu sinh.
Vào một ngày mưa của Sài Gòn, dù là người sang hay hèn, chỉ cần bạn là người không cố chấp, không nghi kỵ dơ sạch, thì nồi bún riêu đang sôi sùng sục với những cuộn khói thơm nồng sẽ giúp bạn có thêm một món ăn để trọn vẹn nhớ và thương hương vị ẩm thực bình dân Sài Gòn.
Trần Tiến DũngẢnh: Giang Vũ
Đầu hẻm 209 Nguyễn Kim, phường 07, quận 10
Mở cửa: từ 11h trưa đến 4-5h chiều
Giá: Bún riêu kèm chả (22.000đ/tô), bún riêu (17.000đ/tô)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét