Xế xế chiều, má tôi về. Xế chiều là thời khắc rộn ràng lắm, ghe lưới về, xóm chài râm ran thanh âm hoan hỉ lan từ nhà này sang nhà nọ. Má tôi về rồi. Chân bước khệnh khạng trên con đường cát ướt, má tôi đau đầu gối, chân khó gập lại, sinh ra cái tướng đi oai vệ riêng biệt.
Trên tay má một giỏ nặng, đủ các loại cá, tôm, ghẹ... Mỗi thứ một ít nhưng là những thứ hiếm nhất, những con tươi ngon nhất. Má tôi làm rỗi bán cá cho ghe của các cậu mà, sức mấy mà ăn cá dở chớ!
Như mớ cá liệt bữa nay, thân còn óng ánh xanh tươi roi rói, mắt trong văn vắt, mình múp rụp. Mớ tôm càng bự bằng cổ tay, nằm ngất nghểu trên cùng cái giỏ mà còn khoe ngoe càng khều khào dài thườn thượt. Mớ cá mối thân tròn ú nu, tôi sẽ xẻ đôi con cá rồi lấy bản dao đập te tét cho nó mềm dẹp xuống, ướp thật nhiều sả, hành hương, ớt và nước mắm ngon, gập đôi lại. Chiên lên. Chao ôi khói bốc thơm lựng cả cái bếp, loang ra ngoài sân. Hàng xóm đi ngang cũng phải gióng giả tắc lưỡi chặc chặc, chu cha bữa nay nhà cô Ba chiên cá mối thơm dữ bây.
Gầy một lò than, bắc lẹ xoong cơm lên bếp. Mớ tôm càng sắp vòng quanh trên bếp để hưởng lửa than hồng. Cơm vừa sôi lục bục lũ tôm cũng sém vàng, đôi chỗ cháy đen trên vỏ. Món khai vị của má dành riêng cho tôi đó. Út mà!
Xoong cơm vừa cạn, má gắp mấy cục than qua bếp khác, bắc qua. Ít cục than lên mặt cho chín đều.
Rồi tới món canh ngót cá liệt trứ danh. Món này phải đích thân má tôi nấu. Ba tôi ưa món này, má tôi ưa vì ba tôi ưa. Nên má phải tự tay nấu.
Con cá liệt dân dã đã đi vào ca dao:
“Cá liệt mà nấu canh chua.Anh thương em đấy, quê mùa vẫn thương”
Hay:
“Nước mắm ngon dầm con lá liệt,Em có chồng rồi nói thiệt anh hay”.
Má tôi bắc xoong nước lên lò than hừng hực. Nhúm chút muối bỏ vô. Nước mau chóng sôi bùng. Má bỏ mớ cá vô, rồi chờ nó sôi lại, bỏ thêm mấy trái ớt hiểm, ít miếng cà chua xắt múi cau, mấy lát thơm xắt mỏng. Thứ khóm của đất Bình Định màu gần như trắng, đặc và nhỏ trái, chỉ dùng nấu canh cá, chua nhiều hơn ngọt nhưng mà thanh thơm đặc biệt. Rồi lẹ tay bỏ vô mớ hành lá xắt khúc. Xong.
Và tất nhiên trong khi má tôi nấu canh thì tôi đã mau chóng dọn xong mâm cơm rồi. Xoong canh cá phải nhắc từ trên bếp ra ngay mâm cơm, không được phút nào sai trật. Canh cá nấu xong mà chưa ăn ngay nước sẽ đục và bớt thơm. Còn nếu ăn liền tay thì nó là một thứ mỹ vị đơn sơ mà ngon lành bậc nhất.
Nước canh trong veo, nhưng mà cầm muỗng lên húp thử miếng xem. Nó nóng bỏng, vừa thoảng chút tanh tao đã mất biến bởi vị cá ngọt ngất, quyện vị chua thanh thao của thơm, phảng phất cay nồng của hành và ớt, khiến người ăn vừa e sợ đã lại bị quyến rũ, nên cứ phải húp thêm miếng nữa coi sao.
Vì, như tôi đã nói, dân biển quê tôi không có ăn cá dở. Xoong canh ngót cá liệt của má tôi, nói chút ngoa lên là cá phải nhiều hơn nước, cá chỉ dùng để nấu lấy nước mà thôi. Mớ cá nấu xong bỏ đi chứ hổng mấy ai ăn. Do đó món canh cá thực chất là một thứ "xúp" Việt, tinh tế, táo bạo và mạnh rực.
Một muỗng, hai muỗng, ba muỗng, húp tới đâu biết tới đó. Chất sống nóng ran ngấm sâu đến từng mạch máu. Bốn muỗng, năm muỗng... úi chao mọi cơ bắp và mút dây thần kinh đồng thanh reo lên rồi giãn ra trong cái êm ái hân hoan tê lặng cả người. Không còn mệt mỏi, không còn căng thẳng chi chi nữa, cái miệng người ta chỉ muốn mở ra để cười, cái mắt thả ra thỏa sức bay tuốt lên ngắm mải mê màu trời chiều thanh thanh tươi đẹp quá đi.
Rồi thấy mình quây quần bên nhau trong bữa cơm nhà mình như vầy đây, sao mà yên ả dữ trời, và cuộc đời không còn cái chi làm mình sợ cả.
Hoàng Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét