Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Đặc sắc nghệ thuật gốm làng Ngòi - Bắc Giang

Nguồn: TTXVN

Cách Hà Nội 70km, gốm làng Ngòi, xã Tư Mại, Yên Dũng, Bắc Giang được mọi người biết đến bởi nét mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo ở họa tiết trang trí và cách thể hiện trên mỗi sản phẩm.
Một góc xưởng gốm làng Ngòi. Ảnh: Việt HưngChính nét nghệ thuật riêng và có phần khác biệt này đã làm cho thương hiệu gốm làng Ngòi không bị mờ nhạt trong đại gia đình gốm Việt Nam.
Người có công đưa nghề gốm thủ công truyền thống về làng là họa sĩ, nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến. Có lẽ ngay từ cái tên của thương hiệu “Gốm làng Ngòi”, ai cũng ngỡ rằng cả làng Ngòi có truyền thống làm gốm, nhưng thực tế cả trước đây và bây giờ ở làng Ngòi chỉ có nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến làm gốm. Với tình yêu quê hương, yêu mảnh đất và văn hóa tự ngàn đời nơi đây anh đã dùng tên đất, tên làng nơi anh sinh ra làm thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình. So với các loại gốm có tiếng của Việt Nam như gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng hay gốm Thổ Hà thì gốm làng Ngòi vừa có nét chung lại vừa mang những nét riêng độc đáo, nét riêng ấy thể hiện ở chính chất nghệ thuật của gốm làng Ngòi.

Ấn tượng đầu tiên mà bất cứ ai cũng dễ nhận ra khi xem các sản phẩm của gốm làng Ngòi đó là hồn văn hóa dân gian của người Việt được kết tinh ở đó. Chất dân gian ấy thể hiện qua những hình tượng con sông, bến nước, sân đình, đến hình tượng thằng bờm phú ông, lão nông chi điền, thôn nữ mò cua bắt cá và cả những hình tượng bước ra từ trang sách như Chí Phèo, Thị Nở, Lão mù xem bói, chú Tễu... Các hình tượng, các họa tiết được vợ chồng nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến chắt lọc từ chất liệu đậm màu dân gian, rồi tự tay thiết kế, gọt đẽo tạo khuôn trên thạch cao để tạo ra sản phẩm và đắp nổi các họa tiết hoa văn lên bề mặt sản phẩm. Nói về chất dân gian đó, nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến tâm sự: “cái vốn lớn nhất mà làng Ngòi cho tôi là vốn của người nông dân dân dã đã được tôi thể hiện vào những sản phẩm gốm của mình. Cho nên bất cứ sản phẩm nào của gốm làng Ngòi cũng phải có một chút ngộ nghĩnh hàm chứa trong đó, như thế mới thực là nét văn hóa dân gian vốn có của dân tộc Việt”. Điều đó đã làm nên sự khác biệt của gốm làng Ngòi, của Lưu Xuân Khuyến với bất cứ nghệ nhân và thương hiệu gốm nào.

Gốm làng Ngòi thuộc dòng gốm nghệ thuật trang trí truyền thống với hai màu đặc trưng là men nước dưa và xương đất. Nếu như trước đây, gốm làng Ngòi tập trung vào dòng sản phẩm bình, lọ và tượng thì những năm gần đây, dòng sản phẩm tranh tường khổ lớn đắp nổi lại là sản phẩm được tạo hình nhiều và được ưa chuộng hơn cả. Dòng sản phẩm này vừa mang tính nghệ thuật cao lại vừa được ứng dụng trong nhiều không gian khác nhau. Với những đề tài phong phú như “Tứ Quý”, “Tam Ngưu Ngũ Tử”, “Ngũ Hổ Quần Cư”, “Ngư tiều canh mục” hay “Mã đáo thành công”, đòi hỏi nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến phải có một sự tạo hình vừa mới mẻ lại vừa tinh tế, phù hợp. Nghệ nhân Khuyến chia sẻ: Cái khó nhất đối với nghệ nhân chính là ý tưởng phác đồ, sao cho vừa logic vừa đảm bảo tính lịch sử lại vừa có tính thẩm mỹ cao. Để có được những bản phác thảo hoàn chỉnh là cả sự cố gắng về thời gian, trí tuệ đặc biệt là trí tưởng tượng của tác giả.

Nhắc đến yếu tố nghệ thuật của gốm làng Ngòi không thể không nhắc tới quan điểm cũng như tôn chỉ nghệ thuật xuyên suốt của người nghệ nhân tạo ra sản phẩm. Theo nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến, sản phẩm gốm làng Ngòi nói riêng và bất cứ sản phẩm nào khác thì cũng phải có tính ứng dụng cao, tính khái quát, và trước khi tạo ra sản phẩm người nghệ nhân phải xác định rõ sức sống, sự ảnh hưởng của sản phẩm tác động đến đời sống xung quanh như thế nào. Chính lập trường ấy, nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến đã thổi hồn dân gian xuyên suốt các sản phẩm, và hầu như dòng sản phẩm nào của gốm làng Ngòi cũng được anh đề cao cái duyên, cái thần thái và nhân văn toát lên từ sản phẩm ấy. Làm sao để có một hình tượng vừa gợi cảm, vừa nhân văn, vừa chứa được kịch tính đồng thời vẫn mở ra sự lạc quan cho số phận của hình tượng luôn là vấn đề anh trăn trở. Đạt được tính nhân văn, từ đó tác động đến tư tưởng lạc quan cho người xem, đó mới là sức sống trường tồn của mỗi sản phẩm, là lý tưởng, là cái nghệ thuật cao cả mà nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến đã và đang tạo dựng trong gốm làng Ngòi.

Chính chất văn hóa dân gian mang đậm tính cổ truyền, chất xù xì cùng với chất ngô nghê vừa lạ vừa độc đáo, gốm làng Ngòi giờ đây không chỉ được mọi người biết đến mà đã trở thành một thương hiệu gốm có tiếng của làng gốm Việt. Điều đó cũng dễ hiểu bởi gốm làng Ngòi được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, bền đẹp, chắc khỏe, phong phú về kiểu dáng, kích cỡ, chủng loại làm vừa lòng các đối tượng khách hàng kể cả khách hàng khó tính và sành điệu nhất.

Ghi nhận tài năng của anh, Nhà nước đã tặng bằng chứng nhận “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” trẻ nhất, Bằng chứng nhận “Giải thưởng Lương Định Của” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng và hàng chục bằng khen của các ngành, các cấp. Điều đó đã góp phần khẳng định thương hiệu “gốm làng Ngòi” trên thị trường trong nước và quốc tế./.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét