Hàng bún cá của mẹ khá đơn sơ. Chỉ vài chiếc bàn, dăm chiếc ghế, vậy mà lúc nào cũng đông đúc khách bởi nó vừa ngon, vừa rẻ. Tôi không sao quên được hình ảnh, những khi trời mưa, khách hàng rất tập trung vào “chuyên môn”: mắt nhìn chăm chăm vào tô bún cá đang nghi ngút khói, miệng thổi phù phù, tay gắp miếng cá chấm vào chén nước mắm ớt rồi xuýt xoa “ấm quá, ngon quá” và xì xụp húp nước lèo đến cạn.
Thật ra, cũng có lúc tôi ghét món bún cá, vì có những hôm tôi phải ăn bún cá do trời trút một trận mưa lớn nên ế hàng, mẹ cho cả nhà ăn bún thay cơm. Tuy nhiên, cái ghét qua rất nhanh bởi tôi rất thích cảnh cả nhà ngồi quay quần cùng ăn uống thật ấm cúng.
Mẹ hướng dẫn tôi: “Chọn cá là quan trọng nhất, phải chọn đúng loại cá lóc đồng, thịt cá ngọt và dai chứ không bị bở và tanh như cá lóc nuôi. Bún phải là sợi nhỏ, khi ăn sẽ cảm nhận rõ được vị đậm đà của món bún cá”.
Để nấu bún cá, bước đầu tiên mẹ làm sạch cá rồi thả vào nồi nước dùng để nấu. Mẹ cho vào đó ít muối để cá dai và không bị tanh. Khi cá chín, mẹ vớt ra tách riêng thịt và xương cá. Phần thịt cá ngoài tẩm gia vị thì mẹ ướp vào đó nước cốt củ nghệ tươi và củ ngải bún đã được giã nhuyễn. Sau đó mẹ cho hỗn hợp cá lên bếp phi với hành tỏi. Lúc này cá đã có màu vàng ươm và thơm lừng. Còn nước lèo thì mẹ không dùng xương nấu như nhiều người khác, mà nấu bằng các loại cá khác: cá linh, cá sặc, rô phi… vì “nước cá ngọt thanh hơn và đó mới đúng là bún cá”. Ngoài ra, để có một tô bún cá ngon thì không thể thiếu rau. Thông thường, người ta ăn chung với rau muống, giá, rau răm, nhưng bún cá của mẹ tôi thì loại rau chính là đậu đũa và bông điên điển.
Chỉ cần nhìn thoáng qua, món bún cá đã hấp dẫn người ăn với màu vàng óng của nước lèo, màu xanh của đậu đũa, điểm tô thêm màu trắng của giá. Từ lâu, bún cá đã trở thành món ăn quen thuôc của người dân An Giang quê tôi. Người đi xa về, luôn muốn được thưởng thức một tô bún cá nóng hổi ngay tại quê nhà.
Thực hiện: / Nguồn: Phụ Nữ TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét