Khám phá bí mật của ngàn xanh "Trên
đỉnh Non Tản", bạn mới thấy Nguyễn Tuân viết về cuộc sống chốn thần tiên
"ngày tháng thì dài, mà không thấy sốt ruột" là có thật.
Nằm trong khuôn viên của vườn quốc gia Ba Vì, cách Hà Nội 65 km về phía
tây, đỉnh non Tản thuộc dãy núi Ba Vì là điểm đến lý tưởng cho những ai
yêu thích khám phá. Ngày đông, đến ngọn núi Tản Viên, nơi ngự trị muôn
đời của Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong Tứ bất tử của
tín ngưỡng dân gian Việt Nam, du khách không chỉ được trở về với huyền
tích xa xưa, mà còn đắm chìm trong khung cảnh kỳ bí và thơ mộng của ngọn
núi linh xứ Đoài. Nơi đây được ví như đỉnh Olympus trong thần thoại Hy
Lạp – nơi ngự trị của thần Zeus.
Trên hành trình đến với đền Thượng, du khách có thể nhìn thấy tháp Báo Thiên, nơi có đền thờ Hồ Chủ tịch.
|
Núi Tản Viên cao 1.281 m, hay còn gọi là Tản Sơn, Ngọc Tản… Sở dĩ có
tên gọi như vậy vì đỉnh núi tròn như cái tán, rộng rãi bao la, hiên
ngang hùng vĩ làm trấn sơn cho cả một vùng. Khu di tích lịch sử đền thờ
Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ.
Trong đó đền Thượng là ngôi đền chính, gắn liền với rất nhiều truyền
thuyết dân gian liên quan đến tín ngưỡng tâm linh của người Việt.
Hành trình từ chân núi lên đến đền Thượng phải trải qua 12 km đường
rừng núi. Nếu đi xe máy phải mất độ 30 phút, đi bộ mất khoảng nửa ngày
mới lên đến cốt 1.000 m, nhưng không phải ai cũng có sức khỏe để đi bộ
lên được.
Vượt qua những con đường núi vòng vèo uốn lượn, với nhiều khúc cua hiểm
trở và cái lạnh quanh năm của núi rừng, người cầm lái phải rất cẩn
trọng và kết hợp nhuần nhị mọi động tác phanh cua, về số, tăng ga để
vững vàng đối phó với sự ngoặt ngoèo bất ngờ của đường trường.
Cảnh sắc thiên nhiên trên đường đi.
|
Trên những cung đường vòng vèo lưng núi, bạn sẽ thấy một bên là cây
rừng rậm rạp ngút ngàn với hệ sinh thái đa dạng, một bên là khoảng không
bao la với màu trắng xóa của mây trời không phân định và bạn chỉ có thể
nhìn thấy tầng dưới rừng cây ở tầm nhìn gần.
Đôi khi có một đám mây trôi qua trước mặt, người lữ khách thích thú
dừng chân để thỏa sức ngắm nhìn, cảm nhận rõ rệt cái lạnh xuyên thấu của
những giọt nước mây tích tụ đang từ từ bay qua.
Đến cốt 1.000 m, bạn sẽ bắt gặp cổng đền. Từ đây, chỉ có một con đường
bộ duy nhất men theo triền núi, đi qua 225 bậc thang nhỏ, rất dốc và
hẹp, phải dừng chân nghỉ ở nhiều chặng bạn mới mới có thể lên đến nơi.
Cổng đền Thượng giữa rừng già.
|
Đền Thượng là ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo, tựa lưng vào núi tạo
thế vững chãi. Hậu cung chính là vách đá Thắt Cổ Bồng linh thiêng có từ
ngàn đời xưa, nơi có cây bách xanh cổ hàng trăm năm tuổi. Cành lá nhuốm
màu rêu phong của thời gian vươn mình che chắn cho ngôi đền giữa chốn
non cao, tựa như cột chống trời trong cõi mơ thực. Ngôi đền tuy không
rộng, nhưng huyền bí, có độ sâu thẳm về tâm linh.
Nguyễn Tuân từng viết: "Đứng ở mái nam Đền Thượng mà nhìn xuống thấy
được cả khói từ Hoàng Thành Thăng Long, và biết được dải Đà Giang là có
thế hiểm". Theo lời của những người trông giữ đền thì vào những hôm trời
nắng đẹp, quang mây quả nhiên có thể thấy được.
Nhưng không phải ai cũng có cái may mắn ấy, bởi vào mùa này, phóng tầm
mắt ra xa du khách chỉ thấy độc một màu trắng xóa. Thảng hoặc có đám mây
gặp gió lướt qua vội vã, để lộ ra quang cảnh núi non hùng vĩ bên dưới,
khoảnh khắc ấy như một thước phim quay chậm mà chỉ những vị có duyên mới
chớp mắt ghi hình được.
Tận hưởng cuộc sống chốn non cao, ngược dòng lịch sử đắm mình trong thế
giới tâm linh và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên này, con người ta
thấy được tĩnh tại, thanh nhàn đến lạ.
Ngày nay không ít người khi du lịch đến đây phần nào còn tưởng tượng
quanh cảnh "Trên đỉnh non Tản" vẫn đầy bí ẩn, huyền hoặc như trong
truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân thuở ấy.
Bài: Lê Thương
Ảnh: Phạm Văn Thượng
Ảnh: Phạm Văn Thượng
Vẻ đẹp thời gian trên kiến trúc Pháp ở Ba Vì
Chìm trong không gian trầm lắng là những dấu tích Pháp còn sót lại ở Ba Vì như dinh thự đại tá, nhà thờ đổ và nhà tù chính trị.
Nằm trên độ cao 1.100 m so với mực nước biển, khí hậu ở Ba Vì (Hà Nội)
trong lành, mát mẻ quanh năm. Thêm vào đó, chỉ cách Hà Nội gần 70 km nên
ngay từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, Ba Vì đã được
người Pháp chọn làm nơi xây dựng khu nghỉ dưỡng và quân sự cấp cao dành
cho binh sĩ.
Ngày nay, chỉ với hơn một giờ di chuyển bằng các loại phương tiện như
xe máy, xe buýt, Ba Vì trở thành điểm hẹn hấp dẫn mỗi dịp cuối tuần cho
những du khách tìm chốn thanh bình, mát dịu.
Với những bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh, những kiến trúc Pháp mang đậm dấu
ấn thời gian còn sót lại ở Ba Vì trở thành nguồn cảm hứng đầy sáng tạo.
Những ngôi biệt thự Pháp ở Ba Vì giờ chỉ còn là phế tích. Ảnh: skycrapercity
|
Có nhiều đường dẫn đến Ba Vì nhưng nếu xuất phát từ Hà Nội, quốc lộ 32
qua thị xã Sơn Tây là con đường nhanh nhất. Qua cột số 0 thuộc trạm soát
vé của Vườn quốc gia Ba Vì, bạn sẽ bắt đầu hành trình qua những cung
đường uốn lượn rợp bóng cây, những đoạn dốc cao và khúc cua tay áo lảnh
lót tiếng chim mời gọi.
Cũng như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, người Pháp xây dựng ở Ba Vì nhiều biệt
thự nghỉ dưỡng ở cốt 400, 600 và 1.000. Chỉ khác là chúng đã bị tàn phá
theo thăng trầm thời gian cùng thời cuộc. Bởi thế, du khách sẽ ngỡ
ngàng trước những nền móng kiến trúc từ hàng trăm năm trước khi đi sâu
vào trong rừng. Những khu nghỉ dưỡng, những bếp lò, những bức tường, tất
cả đều được bao phủ bởi cây rừng và sương núi.
Ở cốt 600, khu dinh đại tá là một công trình tiêu biểu của Pháp tại Ba
Vì, hiện vẫn còn khá nguyên vẹn. Nơi đây có hàng rào dây thép gai, tường
đá bao quanh, cao hơn 2 m, dày 0,5 m và một số ụ súng trung đại liên.
Đi lên chút nữa là khu trại hè dành cho con em người Pháp và các quan
lại chính quyền thuộc địa, gồm 4 khu nhà cấp 4 được xây dựng kiên cố
bằng đá. Nằm giữa khu rừng tự nhiên với nhiều loài cây gỗ lớn như sồi,
dẻ, cà lồ, kháo..., trên có phong lan treo bám tạo nên khung cảnh nên
thơ, kỳ ảo, thu hút khách du lịch tới tham quan và chụp ảnh.
Nhà thờ đổ Ba Vì là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ. Ảnh: skycrapercity
|
Nhà thờ đổ nằm ở độ cao 800 m, giữa tán rừng già cổ thụ. Bị bỏ hoang đã
nhiều năm, phần mái của nhà thờ không còn nữa, trơ trọi giáo đường âm u
giữa cây lá um tùm. Trên bức vách, dấu thập tự phủ một màu hoài cổ, hắt
tia nắng chiều bàng bạc qua ô cửa sổ. Ở đây, sương lúc nào cũng lẩn
khuất, thỉnh thoảng sà xuống bao trùm lấy ngôi thánh đường. Màu xanh của
rêu, màu xám của nấm mốc, màu bạc của sương mù tạo nên một không gian
huyền ảo.
Tuy chỉ còn lại bộ khung là những bức tường rêu phong, cây cỏ bám đầy,
nhưng với những gì còn lại, người ta vẫn có thể hình dung được vẻ đẹp
hoang sơ giữa rừng thông xanh mướt của ngôi nhà thờ thuở hoàng kim. Ngày
nay, nhờ vẻ đẹp đổ nát mà nhà thờ đổ Ba Vì trở thành điểm chụp ảnh yêu
thích của nhiều bạn trẻ.
Ở cốt 800, người Pháp còn xây dựng khu cô nhi viện với những ô cửa, mái
vòm với kiến trúc rất đặc trưng. Chính vẻ phế tích hoang tàn để lại
cùng với lớp địa y bao trùm trên từng vách đá, kẽ tường càng làm tăng
thêm sự rêu phong cổ kính cho những công trình nơi đây.
Dấu tích của khu nhà tù trên núi Ba Vì. Ảnh: thanhnienviet
|
Đặc biệt, ở độ cao 1.000-1.100 m tại sườn Tây đỉnh Tản Viên là hệ thống
nhà tù chính trị bí mật được xây dựng kiên cố nhằm giam cầm các chiến
sĩ cách mạng. Nhà tù được bố trí thành 3 khu: khu 1 là nơi ở cho cai tù;
khu 2, khu 3 là nơi giam giữ phạm nhân. Với tổng thể gần 1.000 m2, hệ
thống nhà tù ở Ba Vì có thể giam giữ 100-200 phạm nhân.
Dù vẻ ngoài phủ đầy lá bụi nhưng những công trình Pháp ở Ba Vì luôn có
sức quyến rũ riêng, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Vy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét