(iHay) Tôi đứng trên đỉnh đèn biển Vĩnh Thực với một cảm giác thích thú khó tả, tựa như một người thám hiểm vừa hoàn thành hành trình khám phá của mình. Từ hòn đảo ngoài khơi biển Đông này, phóng tầm mắt nhìn về phía đất liền chính là điểm bắt đầu hình chữ S Việt Nam.
Hải đăng Vĩnh Thực nhìn từ phía một vực biển |
Và cũng đã từng ấy lần, tôi đứng trên bờ cát trắng của bãi biển Trà Cổ nhìn về phía đảo Vĩnh Thực nơi chân trời, tự hỏi rằng nếu đứng ở đỉnh ngọn hải đăng nơi tận cùng hòn đảo ấy mà nhìn ra biển Đông thì sẽ thấy những gì, liệu có giống cảm giác được đứng trên mũi thuyền tiến ra khơi xa hay không.
Vĩnh Thực là hòn đảo ngoài khơi thuộc TP.Móng Cái, chỉ cách đất liền hơn 10 km đường biển, nhưng lại có vị trí chiến lược, án ngữ nơi ranh giới biển với nước láng giềng Trung Quốc, mở đường ra ngư trường giàu có vùng Đông Bắc. Nhờ đó, ngọn hải đăng trên đảo cũng trở thành ngọn đèn biển đầu tiên trên bản đồ hàng hải Việt Nam.
Chọn một ngày cuối thu để lên đường ra đảo, tôi tự cảm thấy mình thiếu may mắn khi chỉ mới hôm qua thôi, trời còn xanh và trong lắm. Vậy mà sáng nay thức dậy, sương đã giăng khắp mặt biển, phủ lên một màu xám lãng đãng khiến cho hành trình bỗng mang màu sắc huyền ảo và kì bí hơn.
Xuồng máy là phương tiện duy nhất chở khách từ đất liền ra đảo |
Khác hẳn với khung cảnh trập trùng đảo đá như Vịnh Hạ Long, ở nơi đây, mặt biển mênh mông không nhìn thấy chân trời, chỉ có lưới điện quốc gia nối nhau chạy trên sóng như một đường chỉ dài khuất dần trong sương.
Từ bến tàu, tôi chạy xe máy giữa con đường độc đạo xuyên qua đảo quanh co và vắng vẻ. Hai bên đường, đồng ruộng trải dài hút tầm mắt, nóc nhà dân thưa thớt dần. Còn 10 km nữa mới tới ngọn hải đăng, chỉ còn núi đồi nối tiếp nhau, rồi đến phi lao chen chân trên cát trắng. Tôi hít căng lồng ngực mùi gió biển giữa núi rừng xanh miên man.
Con đường độc đạo nối từ bến tàu đến cuối hòn đảo Có rất nhiều bãi biển như thế này rải rác dọc đường bờ biển |
Háo hức như thể là người đầu tiên đặt chân đến đây, tôi phải kiềm chế lắm mới ngăn mình lội xuống biển trong tiết trời lạnh giá này. Bãi biển bị ngăn cách bởi vách núi khiến cho nơi này giống như một thế giới tách biệt chỉ tạo nên bởi cát và đá.
Những phiến đá lớn màu nâu đen trầm mặc bị cắt xẻ theo nước triều lên xuống, vẽ lên hàng triệu đường ngoằn nghoèo như những bức tranh không chủ đề. Còng biển, ốc, cua, dã tràng,... vẫn vô tư phơi mình trên mặt đá như không hề có sự có mặt của con người. Đứng trên một tảng đá nhô ra trên mặt nước và nghe tiếng sóng vỗ, tôi tưởng như mình đang ở trong một câu chuyện thần thoại nào đó.
Vẻ đẹp hoang sơ của những bãi đá tự nhiên |
Ghềnh đá nối tiếp nhau tràn ra phía biển |
Từ mũi đất này nhìn về phía mũi Sa Vĩ, tôi bỗng có cảm giác như đang ở một nơi xa xôi lắm hướng về phía mảnh đất thân quen của mình.
Đèn biển Vĩnh Thực hoạt động từ năm 1962, trên độ cao 86 m so với mực nước biển |
Tháp đèn màu vàng nổi bật với kiến trúc kiểu cổ Cầu thang xoắn ốc bằng gỗ trong lòng tháp đèn Từ đỉnh tháp nhìn ra xa là mặt biển Đông mênh mông |
Đường dẫn lên ngọn hải đăng ở tận cùng của đảo Bên trái mũi đảo nhìn về đất liền là mũi Sa Vĩ - nơi bắt đầu hình chữ S thiêng liêng |
Phượt ký của Trường Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét