Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Vẻ đẹp Mường Khương Sapa

Người già ở đây bảo: Mường Khương là tên gọi tiếng Việt mới có từ thời Pháp thuộc. Thực tế, nhân dân địa phương gọi là Mưng Khangw (tức Mường Gang) bởi theo truyền thuyết dân gian: "Ngày xưa, có một thầy địa lý mang theo túi mật ngựa đi chọn đất đai để sinh cơ lập nghiệp. Đến nơi đây, ông bỗng nhìn thấy dưới lớp đất là một biển nước mênh mông, có hai cột sắt ở giữa và bốn cột gang phía ngoài chống đỡ 4 góc làm cho mảnh đất này tồn tại vững chắc. Nên mới đặt tên Mưng Khangw.
Đến với Mường Khương, khách không chỉ được đắm mình với không khí trong lành của miền núi mà còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên của những dãy núi đá vôi. Nhìn từ xa, các thôn, bản ở huyện Mường Khương thấp thoáng xen lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng trùng điệp. Hòa lẫn trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đó là những nếp nhà sàn, nhà trệt xinh xắn; Những cánh đồng lúa Tùng Lâu - Na Bủ rộng mênh mông bát ngát. Nổi bật lên là quần thể hang động Hàm Rồng - một điểm du lịch nổi tiếng đã được xếp hạng di tích Quốc gia, cách trung tâm huyện chỉ 1,5km. Cửa chính vào động là nơi bắt nguồn của dòng suối "Tùng Lâu" tạo thành dòng thác "Pao Tủng". Chính nơi này đã phát hiện một trống đồng Pha Long có niên đại cách đây 4.000 năm. Cùng với động Hàm Rồng, còn có hang "Nấm Ọc" (xã Nấm Lư), hang "Mười Ngựa" (xã Tả Ngải Chồ) là những hang còn lưu giữ khá nhiều dấu tích người xưa. Đây cũng là tụ điểm hoạt động của bọn phỉ Châu Quang Lồ khét tiếng, đã bị các đơn vị bộ đội tiêu diệt năm 1952. Đối diện với động Hàm Rồng là núi "Cô Tiên" có vẻ đẹp kỳ vĩ. Chuyện kể rằng: Từ xa xưa, các nàng Tiên xuống hạ giới du xuân, thấy núi non hùng vĩ, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình nên không đành lòng về trời. Trên đỉnh núi được tạo hóa, tạc nên phiến đá rộng chừng 1m, hình chiếc bàn, một ghế đá to hình Cô Tiên ngồi, xung quanh là 4 ghế nhỏ, 4 chàng trai tựa hình 4 con rồng chầu quanh phóng tầm nhìn bảo vệ cả một vùng thung lũng, biên giới Mường Khương.

 Thác Văng Leng
 
Đến với Mường Khương, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp hàng động mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều ngọn thác như thác Hàm Rồng, Văng Leng, Tà Lâm… Trong đó Thác Tà Lâm nằm giữa hai ngọn núi như hai con rồng đang vươn xuống, mình và đuôi rồng vắt lên dãy núi con voi sừng sững cõng trên mình rừng xanh bát ngát. Từ xa, du khách đã thấy rõ ba tầng thác trắng xóa. Tầng một từ đỉnh thác dựng thành một cột nước dài hơn 100m rồi tỏa dưới những khe, những hầm đá ngoằn ngoèo, nước tuôn tràn cả qua những gốc cây cổ thụ, tán giao nhau làm ta không nhìn thấy thác. Qua khoảng rừng này, nước mới cùng nhau ùa ra khoảng rừng thưa tràn trắng xóa nối nhau qua những tầng đá ào ào tuôn xuống dưới chân thác, dưới cằm bờm của hai con rồng lớn, làm thành một cái ao tròn như cái giếng làng khổng lồ.
 
Đến Mường Khương, du khách còn được thưởng thức hương vị các loại đặc sản nổi tiếng như: Rượu Cốc Ngù của người Pa Dí nấu bằng ngô có mùi thơm đặc trưng, uống êm dịu, sảng khoái; cơm gạo Séng Cù thơm, dẻo chẳng kém gạo tám xoan mấy tý. Đặc biệt món thịt lạp, lạp xườn "treo gác bếp" được chế biến từ thịt lợn ỷ của người Mông, người Nùng Dín chế biến công phu cầu kỳ với nhiều loại gia vị rừng núi cay nóng là hạt giổi, thảo quả… đã nổi tiếng khắp tỉnh Lào Cai. Ăn miếng thịt, lạp xườn phơi gác bếp khổng chỉ thấy béo bùi, mỡ ngấm đủ muối và gia vị nóng thơm của hạt dổi và thảo quả mà còn cảm nhận được cả hơi lửa và mùi của khói củi phảng phất đâu đó. Ăn lạp xườn, thịt lạp với xôi ngũ sắc hoặc bánh chưng ai ăn một lần cũng nhớ mãi.
DLSa pa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét