Những đêm trăng đầy, đám cua ghẹ trốn biệt trong hang cựa mình lột xác, còn “nam thanh nữ tú” nhà rạm dìu dắt nhau lả lơi tình tự.
Có một thời, những đôi trai gái Bạc Liêu chèo ghe ra sông ca vọng cổ, ướm tình nhau, rồi thề thốt mạnh bạo - có ông trăng già làm chứng. Trên mỗi ghe đều có một bếp than rực đỏ (mẻ un) để đuổi muỗi và nướng rạm tươi nạp năng lượng. Mải mê! Vỏ rạm cháy xém thơm dậy làng. Gạch đầy mai, ánh vàng màu trăng Mười Sáu, béo ngọt đắm đuối.
Thời gian thoi đưa, chợt một ngày chàng trai râu cá chốt trong xóm nhà lá ấy bỏ cuộc chơi, tập tành làm văn sĩ. Như rạm, anh cũng muốn bò ra sông lớn cho thỏa chí. Anh hối hả “nhảy” xe đò về TP.HCM, giao lưu cùng lớp văn sĩ thành danh.
Vốn xem anh là đặc sản, nên họ tha thiết đãi món “hót” nhất đương thời: Rạm gạch son rim, chấm muối hải sản. Nhóp nhép thưởng thức, có người “rên”: Trời sinh chi giống vật ngon lạ!
Thế nhưng ra đến Ô Loan, đầm nước lợ trời phú, ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nó được trọng vọng hơn. Giá thương lái thu mua tại chỗ: 60.000 - 70.000 đồng/kg. Ông Ngô Tài, 3 đời sống nhờ cái đầm rộng lượng này, ở thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết: “Xuất ngược ra Huế, họ nấu bún riêu. Có bao nhiêu rạm, lái cũng thu hết.”
So với con cua đồng cùng trọng lượng, thịt rạm nhiều gần gấp đôi, vị ngọt lại không tanh, nên dân đất “Thần Kinh” đem giã nấu bún riêu mới thật sành điệu. Thử tưởng tượng, trong tiết đông rét buốt, có tô bún riêu rạm hồng tươi phả khói. Nước bún ngọt đậm, cay hít hà - rủ rê!
Anh nhà văn vừa kể, nay đã thành cây trung... thụ Nam bộ, bao món ngon vật lạ nếm đến mòn răng. Vậy mà, anh vẫn thòm thèm bữa rạm gạch muối, trộn: khế hườm, chuối chát... vắt chanh, rồi bốc ăn ngon lành với cơm nguội.
Có khi, anh buồn hiu tơ tưởng mùa rẹm hội - xa vắng!
Tạ Tri (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét