Trong đời sống hàng ngày cà kheo giúp
người làng Quần Vinh (Nam Định) lội biển mưu sinh và đồng bào làng Jun
(Gia Lai) đi lại trong mùa lũ.
Làng Quần Vinh (Nam Định)
Cà kheo là công cụ người ngư dân miền biển dùng để lội nước đánh bắt
thủy hải sản. Nhưng sau này khi các loại ghe, thuyền ra đời, những cặp
cà kheo đã dần rơi vào quên lãng, và chỉ được tái hiện trong một số lễ
hội dân gian truyền thống. Tuy nhiên, ở Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng, huyện
Nghĩa Hưng, Nam Định, việc đi lại cà kheo vẫn được duy trì và ngày càng
phổ biến.
Đi cà kheo lội biển cào ngao thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Ảnh: namdinh.edu.vn
|
Bước đến Quần Vinh, du khách không khỏi ngỡ ngàng như lạc vào vùng đất
lạ với những con người cao lênh khênh. Những đôi chân được nối dài bằng
cà kheo được già, trẻ, gái, trai trong làng điều khiển thuần thục. Dùn
khi lội biển nên những đôi chân “ngắn” nhất cũng dài chừng 1,5 m và có
thể cao tới 3-4 m.
Những đôi “chân dài” ở Quần Vinh tuy lội biển, lội bùn nhưng chiếc nào
chiếc nấy thẳng, đều và rất dẻo dai, chịu lực. Để có được “đôi chân” đạt
chuẩn, người Quần Vinh thường chọn những thân tre được trồng ở đất
thịt, có đường kính từ non nửa gang tay, đem ủ bùn ngâm ao cả năm trời
và treo gác bếp cho bồ hóng bám vào đến khi có màu vàng nâu mới đóng làm
cà kheo.
Nhìn người Quần Vinh đi lại bằng cà kheo thoăn thoắt nhiều người sẽ
nghĩ rằng đơn giản, nhưng thật ra họ phải tập luyện một thời gian dài
mới có thể đi lại như trên chính đôi chân của mình. “Đôi chân” ấy trước
là để lội nước bắt tôm, cua, cá, sau như một trò chơi nhằm lưu giữ nét
đẹp văn hóa của quê hương.
Cà kheo là môn biểu diễn trong nhiều lễ hội. Ảnh: SGTT
|
Họ có thể biểu diễn đánh cầu lông, đánh đu, đấu kiếm, hát quan họ, đá
bóng, chơi xà đơn, xà kép, đấu vật... trên chính đôi chân dài hàng mét
ấy. Giữ thăng bằng đã khó, thi đấu, biểu diễn trên cà kheo lại càng khó
hơn. Nhìn những bước chân di chuyển linh hoạt trên sân bãi, họ chẳng
khác nào những nghệ sĩ chân dài đích thực.
Làng Jun (Gia Lai)
Trái ngược với ngư dân miền biển, cà kheo được đồng bào dân tộc Tây
Nguyên sử dụng chủ yếu để tránh bị dính đất cát vào người làm bẩn nhà
vào những ngày mưa lũ, hoặc bước lên nhà sàn thay vì phải sử dụng cầu
thang. Ngày nay, khi những con đường lầy lội bùn đất đã dần được thay
thế bởi những con đường bê tông sạch sẽ thì những chiếc cà kheo cũng
biến mất dần.
Trẻ em làng Jun thành thạo đi lại với cà kheo. Ảnh: vntimes
|
Tuy nhiên, làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, Gia Lai là một ngoại
lệ. Cà kheo giống như đôi chân thứ hai của dân làng Jun khi lội qua vũng
lầy lội trên đường, nhảy xoang trong các lễ hội. Không ít người phải
“mắt tròn, mắt dẹt” khi thấy dân làng đi cà kheo phơi quần áo, thậm chí
thi chạy đua, đá bóng bằng cà kheo.
Ngôi làng nhỏ với mái nhà sàn xinh xắn nằm nép mình dưới bóng cổ thụ
cao vút, xanh rì lúc nào cũng có những lứa nhỏ tập bước cà kheo. Ngã
lên, ngã xuống là thế nhưng tiếng nói cười rộn rã, lũ nhỏ vẫn kiên trì
bước chậm từng bước. Theo thời gian, những bước chân nhanh hơn rồi xoay,
sang trái, sang phải một cách thuần thục. Ban đầu là đi, rồi sau đó là
chạy, là kết hợp biểu diễn trò vui với cà kheo.
Tuy cà kheo ở làng Jun không cao như ở Quần Vinh (Nam Định) nhưng khó
đi hơn dưới nước vì nền đất cứng, độ nguy hiểm cao hơn. Nhưng không phải
vì thế mà những đôi chân cà kheo mất đi sự duyên dáng, uyển chuyển của
mình. Cũng như cà kheo làng biển, những đôi chân dài ở làng Jun đã bước
đi tới những vùng miền xa xôi của đất nước như Ninh Thuận, Phú Yên,
Quảng Nam, Bình Phước.
Vy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét