Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Mãn nguyện món "trăm năm vẫn lâm sung"

Nhiều người đeo giấc mộng trăm năm mà sức vẫn "lâm sung" đã tìm đến những món ăn cổ truyền nhưng được cải biên, đặt tên rất "bạo lực", và ghi hẳn trong thực đơn các nhà hàng là: món súng đạn.

"Đạn" nằm bãi cỏ...

Anh Huỳnh Phong, một nhà thầu xây dựng ở ấp Sa Bình, xã Long Đức, TP. Trà Vinh vừa sưu tầm và phối chế thành công hai món, có thể làm phái mạnh rạo rực, dù mới nghe tên. Đó là đạn nằm bãi cỏ và súng trùm mền.
Phong quyết giữ bí mật đến phút 89. Khi món ăn được dọn ra, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước khả năng sáng tạo cũng như trí tưởng tượng dễ thương của những đầu bếp ẩn danh miệt vườn.
Món pín trâu nghé ở Đức Hòa, Long An rất tươi. - Ảnh: T.Tới

"Món đạn gì mà thơm nức mũi vậy?", anh bạn đi cùng hỏi. "Đạn bò tơ." "Chà! "cỏ" này ăn nhiều thêm ấm thận, người khác trong bàn bình phẩm. Ngọc hành bò tươi, được thui vàng rồi cạo, rửa sạch. Xắt miếng vừa gắp. Khử tanh bằng ít rượu mạnh và 5 - 10 lát gừng giã giập (củ gừng trước đó được nướng sơ) ngay trên chảo nóng. Rưới thêm vài muỗng cà phê dầu mè, xào qua lửa nhỏ, gia vị vừa miệng với muối, đường, bột ngọt.
Năm phút sau, cho vào 2 - 5 muỗng canh nước cốt dừa. Ba phút kế, thêm vào ít củ hành tây, hành tím xắt dày và nhiều cọng hành hương. Nêm lại. Rắc nửa nắm đậu phọng rang giã ba.
Món ngon không quá cầu kỳ, thời gian thực hiện không đầy 15 phút, nhưng có thể tạo nguồn cảm hứng tràn trề.
"Cỏ" xanh mướt, hăng nồng - thơm ngọt đan xen chút béo bùi, dai dai của miếng ngọc… bò vừa chín tới. Sẽ trơ trọi nếu thiếu bạn hiền và vài ba ly rượu thuốc!
Mặt khác, nhóm cỏ... hành còn lợi hại về khoản trợ tiêu, hãm độ béo ngấy cũng như gây ợ hơi của nước cốt dừa.
Dứt vòng, Phong lý luận: "Vạn vật đều kết đôi đi cặp mới nẩy nở được. Đạn không theo súng khác nào chim quyên lẻ bạn. Đúng không?" "Thưởng anh một ly!", người bạn đi cùng tán đồng.
Súng nào mới là súng?
Món sau thơm bội phần món trước. Nhờ có nhiều xác củ: hành tây, tím, gừng tươi xắt sợi đồng hành, bao che cho pín dưới tấm màn (mền) trắng tinh của lượng nước cốt dừa và nước dừa xiêm vừa phải. Thỉnh thoảng, lớp màn này còn kêu lụp bụp nho nhỏ, trên lửa riu riu khoảng 20 phút.
Nêm thêm tí muối ớt hiểm mới giã, nhúng vào mớ đọt lá cách với cải bẹ xanh non càng đúng bài.
Vừa thổi vừa ăn miếng pín giòn ngọt sừn sựt, nghe kể chuyện tiếu lâm thì vui không kể xiết.
Ngọc hành trâu ngọt bùi, dai dai không khác bò. - Ảnh: T. Tớ

Được biết, không chỉ đám bạn "đực rựa" anh Phong mê các món này, mà còn không ít các bà vấn vương. "Lần đầu, mấy bả ăn khí thế luôn! Sau đó, tôi hỏi biết thịt con gì hôn. Nghe ra, có bà đỏ mặt chửi rủa. Vậy mà, vài bữa sau lại đốc tui nấu tiếp", anh Phong cười khà khà kể.
Thế nhưng, về phía huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, pín và ngọc bò lại rớt giá so với hàng của trâu. Đơn giản, bởi nhiều người dân ở đây tin rằng, thịt trâu ăn mát và không nhức mình.
Cho nên dọc tỉnh lộ 8, từ Củ Chi đi Long An, đoạn qua xã Đức Lập Hạ, có gần chục quán cơm trâu. Trong đó, nổi trội nhất vẫn là món lẩu "Như ý". Nguyên liệu gồm ngọc và pín trâu nghé, kèm dĩa rau xanh mướt, chấm nước mắm y với nhiều củ sả bào giầm ớt hiểm.
Tươi nhất, có thể kể quán ăn Trâu Trâu Lò Mổ. Tuy nhiên, khẩu vị chung vùng này thường hảo ngọt. Do vậy, có dịp ghé lại đây, bạn nhớ nhắc nhân viên một câu vô cùng quan trọng: không nêm đường!
Thật ra, nếu người bán cố tình đánh tráo "súng" bò thành trâu hoặc ngược lại thì trong một vạn người ăn, có thể có một thực khách phát hiện ra. Vì vị đó, hẳn từng làm chủ lò mổ trâu hay bò ít nhất hai năm.
Qua quận 12, TP.HCM vài người bạn thân lại rủ đi ăn pín "rồng", ở nhà hàng Cá Sấu Hoa Cà, gần trường cao đẳng Điện Lực TP.HCM. "Của quý" đám hà bá này rất giòn, nhai hoài không biết ngán. Thường được đầu bếp xào với ớt Đà Lạt, nấm đông cô, dầu hào, điểm xuyết ít mè rang và mấy cọng ngò rí thơm dịu, trông khá thơ mộng.
Tuy vậy, nhiều lão ngư vùng Cần Giờ và Gò Công còn nổi da gà, khi nhớ lại cảnh mấy "ông năm chèo" lớn hơn chiếc xuồng tam bản đánh lộn giành cái hằng tháng trời, nghe đùng đùng tựa như giông bão, máu chảy đỏ một khúc sông Lò Rèn, thuộc xã Lý Nhơn, trước năm 1975.
Pín sấu tuy nhỏ nhưng rất giòn - Ảnh: T.Tới Còn ông Nguyễn Ngọc Thành, chủ nhiệm HTX nông nghiệp Xuân Lộc, Phường Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM, cho biết nhiều thông tin đáng kinh ngạc về loài thủy quái từng gieo rắc kinh hoàng cho cha ông ta thời mở cõi.
"Người Trung quốc gọi nó là "sư tử giang". Họ rất thích ăn dạng nguyên con, cỡ từ 10 - 15kg/con. Họ tin rằng thịt nó là thuốc chữa bệnh suy dinh dưỡng, tăng sinh lực, chống lão hóa... rất diệu kỳ. Nó là bạn lâu đời với khủng long, cách nay trên 150 triệu năm. Mặc dù vậy, con đực nặng 3 tạ nhưng "kiếm"của nó chỉ lớn hơn ngón tay cái một chút thôi." Hiện HTX Xuân Lộc nuôi khoảng 100 con sấu bố mẹ và trên 1.000 con sấu thịt, nặng từ 5 - 30kg/con.
Theo ông Thành, pín loài cá mau nước mắt này được xếp gọn hình chữ z. Lúc cần, nó "bật ra cái bặt, mạnh như con đội xe container 40 feet đang no hàng". Mùa giao phối của chúng kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 - 5 năm sau. Mỗi lần "xiết nhau" dài cỡ 5 - 7 phút.
Tuy nhiên ông Thành thừa nhận, đến nay ở Việt Nam, chưa ai nghiên cứu món này bổ dương tới đâu.
Lương y Đinh Công Bảy từng phân trần: "Các món bổ hình hay bổ ngửa trong dân gian, chủ yếu để "thượng đế" vững tin mình sẽ oai phong lẫm liệt hơn. Chuyện phòng the, yếu tố tâm lý cực kỳ quan trọng. Nếu lỡ "khóc ngoài quan ải" hoặc "giương cờ trắng quy hàng", bạn cứ lạc quan ca bài "Có còn hơn không!" Và đừng quên, đi khám bác sĩ chuyên khoa."
Trở lại vấn đề cốt lõi: ăn gì có bổ nấy không? Nếu có, người khỏe mạnh cần thiết ăn nhiều món tráng dương? - Dược sĩ Bùi Kim Tùng lý giải: "Dương vật có gân, sụn và da cho nên có khẩu vị đặc biệt. Theo nguyên tắc dĩ hình bổ hình, ăn dương vật làm cho dương vật con người khỏe hơn, cương cứng lâu hơn. Gia tăng ngọc hành để có thêm nội tiết tố nam. Thêm gân để làm mạnh tông gân. Kết hợp ba bộ phận này rất là hợp lý.

Tuy nhiên sức mạnh nhất thời này sẽ làm cho con người suy nhược không dung nạp, gây hiện tượng hoạt tinh để rồi mệt mỏi sau đó... Dùng nhiều thuốc tráng dương có thể gây tổn âm. Cho nên việc bồi bổ phải uyển chuyển, tùy thuộc cơ địa của người bệnh.
(Nguồn: "Ngẩu pín và cẩu pín" trang 120- 122, sách Món Ăn Bài Thuốc, tập 2).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét