Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Lễ hỏa táng khô của người Chăm Ahier

Vị chủ lễ sẽ dùng rựa lấy phần hộp sọ của người chết trong đám lửa để dùi mài thành 9 mảnh xương nhỏ bằng đồng xu, để dùng trong lễ nhập Kut, kết thúc một vòng đời nơi trần thế.
Người Chăm có 3 tôn giáo là Chăm Ahier, Chăm Awal và Chăm Islam, nhưng chỉ có Chăm Ahier là thực hiện nghi lễ hỏa táng cho người quá cố. Lễ hỏa táng được xem là nghi lễ quan trọng trong quan niệm vòng đời của người Chăm.
Lễ hỏa táng thể hiện ý nghĩa nhân sinh quan về đạo đức lối sống của người sống với người đã khuất, được xem là sự báo hiếu của con cháu với cha mẹ, ông bà, của người vợ thể hiện sự tôn kính, trân trọng với người chồng. Do đó dù giàu hay nghèo người Chăm vẫn phải làm cho được một nghi lễ hỏa táng đủ những tục lệ bắt buộc theo nghi thức tôn giáo.
1-JPG-3627-1387269180.jpg
Chức sắc chủ lễ và người thân trong gia đình khiêng hài cốt ra khu vực hỏa táng.
Lễ hỏa táng được phân làm 2 loại hỏa táng, khô và tươi. Hỏa táng tươi (hỏa táng sau khi qua đời) chỉ dành cho các vị chức sắc đứng đầu trong tôn giáo là vị cả sư Po Adhia và phó cả sư Po Bac. Tùy theo ngày mất của vị cả sư là tốt, xấu hay rơi vào những dịp kiêng kỵ mà ngày lễ hỏa táng có thể kéo dài 7 ngày hay 14 ngày theo nghi thức.
Hỏa táng khô là hỏa táng dành cho người dân bình thường nhưng trong lễ hỏa táng lại có sự phân cấp bậc. Với người lao động nghèo họ chỉ được thực hiện với 2 thầy Basaih làm chủ lễ, với dòng họ quý tộc họ được 4 thầy Basaih làm chủ lễ. Sự phân cấp bậc ấy được du nhập từ văn hóa Ấn giáo nhưng được người Chăm cải biên để phù hợp với văn hóa truyền thống bản địa.
2-JPG-3388-1387269180.jpg
Nghi thức trước khi thực hiện hỏa táng.
Người Chăm quan niệm khi chết đi phải làm lễ hỏa táng như thế linh hồn người chết mới được siêu thoát và về với ông bà tổ tiên, ngược lại nếu người chết không được làm lễ hỏa táng, linh hồn người chết sẽ lang thang ở trần gian và luôn tìm cách phá hoại người sống, có khi bắt oan những người sống trong dòng tộc.
Để làm lễ hỏa táng người chết phải đủ từ 16 tuổi trở lên. Sau khi chôn hơn một năm thì hài cốt được bốc lên để làm lễ hỏa táng. Lễ diễn ra trong 4 ngày 3 đêm với những nghi thức bắt buộc được truyền lại từ xưa đến nay.
Vào lúc sáng sớm đoàn người thân trong gia đình cùng với một vị chức sắc dân gian là Gru Urang đến nơi chôn người chết tiến hành những nghi lễ bốc hài cốt để đem về làm lễ hỏa táng. Lễ vật là khay đựng trầu rượu và một chén lửa.
Ngày này nằm trong ngày đầu tiên của lễ gọi là “ngày cho ăn”. Cùng với thời gian này một nhóm người khác trong làng sẽ tiến hành làm nhà lễ Kajang để sau khi bốc hài cốt về thì được đem thẳng vào nhà lễ với đầu quay về hướng nam, chân quay về hướng bắc. Sau khi mọi việc xong xuôi thầy Basaih bắt đầu nghi thức cho người chết ăn.
5-1-JPG-5031-1387270424.jpg
Với các gia đình giàu có họ có thể đem cả xe hơi cho người thân quá cố bằng cách chạy chiếc xe 3 vòng quanh nhà táng trong lúc hỏa táng. 
Ngày thứ hai được gọi là ngày nghỉ (harei doak thoak), trong ngày này những nghi thức tang lễ được dừng lại, bà con hàng xóm đến phụ giúp gói bánh và trò chuyện để chuẩn bị cho ngày lễ chém cây. Ngày này ban nhạc tang lễ thực hiện hát nhạc lễ với đàn Kanhi kể lại quá trình của một con người từ lúc sinh ra đến lúc mất đi.
Lễ chém cây là ngày thứ ba, các vị chức sắc Basaih cầu xin thần mộc tiến hành làm nghi lễ chém cây tượng trưng với những bó cây đã được chặt về, đục đẽo cho gọn. Với nghi lễ này, cây được dùng làm đòn khiêng hài cốt người chết và nghi lễ cuối cùng là hỏa táng.
Trong ngày thứ ba này người dân trong làng cùng đến phúng viếng, ngồi lại quay quần gói bánh và làm những món ăn truyền thống để đãi quan khách và các chức sắc chủ lễ. Buổi tối những đám trẻ trong làng sẽ được ăn thỏa thích các loại chè như trôi nước, đậu xanh, đậu ván… Sự góp mặt đông đủ của người dân trong làng cũng như lũ trẻ trong buổi tối ăn chè thể hiện mối quan hệ cộng đồng tốt đẹp của gia chủ với người dân trong làng.
Ngày cuối cùng là ngày hỏa táng, mọi người trong gia đình tất bật chuẩn bị những vật dụng để đem theo cho người chết ở thế giới bên kia. Vật dụng này được hỏa táng theo hài cốt. Khoảng 9h, hài cốt của người chết được đem vào nhà táng, đưa tới khu hỏa táng cách làng 2 km. Sau khi các vị chủ lễ thực hiện những nghi lễ thì nhà táng được châm lửa trên những đống củi đã dựng sẵn.
Trong lúc lửa đang cháy vị chủ lễ ông Basaih sẽ dùng rựa lấy phần hộp sọ của người chết trong đám lửa để dùi mài thành 9 mảnh xương nhỏ bằng đồng xu, 9 mảnh xương này được dùng để làm trong lễ nhập Kut, kết thúc vòng đời của một con người nơi trần thế để về với thế giới vĩnh hằng.
Bài và ảnh: Putra Jatrai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét