Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Mũi Sa Vĩ, cực Đông miền Bắc

Vào ngày trời gió lạnh mù sương, Sa Vĩ càng trở nên ám ảnh với bãi vắng, người thưa, phi lao ngăn ngắt và những con thuyền biếng lười nằm dài trên cát trắng.
Thành phố Móng Cái nơi có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc từ lâu là điểm du lịch nổi tiếng ở Quảng Ninh, nhất là với những người yêu thích mua sắm. Nơi đây lúc nào cũng nhộn nhịp những chuyến tàu chở hàng hóa ngược xuôi, tấp nập người mua kẻ bán với đủ mặt hàng, nào vải vóc, quần áo, giày dép, nào đồ điện tử, đồ gia dụng.
Nhưng chỉ cần ra khỏi thành phố chưa đầy 10 cây số, du khách đã có thể cảm nhận một không gian hoàn toàn khác biệt của Trà Cổ yên bình. Đây là nơi mà ai cũng muốn đến khi đã đặt chân tới thành phố vùng biên. Người ta tìm đến đây để tắm, để vùng vẫy trong làn nước mát lành và thỏa lòng mình với cơn gió lộng từ biển thổi về. Nhưng hơn cả là được chiêm ngưỡng những “mái đình, làng biển” và nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ tổ quốc - mũi Sa Vĩ.
dulichvietnam-8976-1387526784.jpg
Biển Trà Cổ cong hình lưỡi liềm. Ảnh: dulichvietnam
Muốn đến được mũi Sa Vĩ, phải qua Trà Cổ, và đây thật sự là cung đường thú vị ngay cả lúc trời đông lạnh gió. Theo con đường trải nhựa thẳng tắp, hai bên là bãi sú mênh mông, khi thì lộ rễ lúc lại lặn chìm theo con nước lên xuống của thủy triều. Rẽ trái là đường đến Trà Cổ, con đường một bên là ngôi làng biển cổ kính, một bên là rừng dương xõa tóc với bãi biển và đường bao quanh vùng biên cương tổ quốc.
Dừng chân ghé lại ngôi làng cổ, bạn sẽ thấy những ngôi nhà nhỏ, thấp với tường gạch rêu phong. Nằm ngay cửa biển chịu biết bao bão tố mưa dông, nhưng những ngôi nhà ở đây chưa hề khuất phục mà vẫn kiên trì bám trụ. Qua năm tháng, vị mặn mòi biển cả và dấu tích thời gian như đã in hằn lên từng mái ngói, bậc thềm. Nổi bật trong đó là đình Trà Cổ hơn 500 năm tuổi.
Nằm sát biên giới Việt – Trung, nơi tưởng chừng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của văn hóa Trung Hoa, nhưng ngôi đình khá đồ sộ ở địa đầu đất nước này hoàn toàn mang dấu ấn của nền văn hoá Việt với kiểu chữ công, 5 gian, 2 chái. Dưới mái đình cong vút lợp ngói mũi đã ngả màu, bạn sẽ thấy bóng dáng thân quen của những ngôi đình ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ.
tracohotel-3843-1387526784.jpg
Vẻ đẹp thách thức thời gian của đình Trà Cổ. Ảnh: tracohotel
Bên cạnh những kiến trúc thuần Việt, Trà Cổ cũng có công trình theo kiểu phương Tây, nổi tiếng là nhà thờ Trà Cổ. Được xây dựng từ thế kỷ 19 và trùng tu vào năm 1995, nhà thờ gây ấn tượng với du khách nhờ kiến trúc cổ kính, đồ sộ cùng hàng trăm bức phù điêu và một quả chuông gần trăm tuổi.
Đi qua vị mặn mòi của biển, vẻ cổ kính của đình làng và nhà thờ Trà Cổ là con đường dẫn thẳng đến mũi Sa Vĩ. Chào đón bạn là hoa sim, hoa mua tím ngắt trong chiều biên giới. Tấm biển vành đai biên giới nằm ngay cuối con đường, nơi nhô ra phía biển, như ngón tay chỉ về đại dương xa ngút mắt.
Điểm đánh dấu địa đầu Đông Bắc là bức phù điêu hình 3 ngọn thông vươn thẳng lên trời, trên ghi câu thơ “Từ Trà Cổ rừng dương. Đến Cà Mau rừng đước” của nhà thơ Tố Hữu. Bình dị vậy thôi nhưng đủ khiến những con người nhỏ bé giữa mênh mông đất trời và biển cả vùng biên giới cảm thấy khoảng cách giữa miền Đông Bắc và cực Nam tổ quốc như ngắn lại, trách nhiệm với đất nước, chủ quyền như lớn lao hơn.
wiki-JPG-5359-1387526785.jpg
Hai câu thơ của Tố Hữu trên bức phù điêu ở Trà Cổ. Ảnh: wiki
Đứng ở mũi Sa Vĩ phóng tầm mắt ra xa có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hình lưỡi liềm của bờ biển Trà Cổ dài 17 km. Tuy cực Đông của Việt Nam ở tận mũi Điện (Phú Yên), nhưng mũi Sa Vĩ ở Trà Cổ là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở miền Bắc. Bởi vậy, khoảnh khắc bình minh ở Sa Vĩ luôn được đón chờ và mang đến cảm xúc dâng trào cho những người dân đất Việt.
Cùng với Lũng Cú – địa đầu cực Bắc, A Pa Chải ở phía cực Tây, mũi Cà Mau - địa đầu cực Nam và mũi Điện ở cực Đông, đặt chân đến mũi Sa Vĩ cũng là đích đến của nhiều người đam mê chinh phục.
Vy An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét