Tên tôm (tép) bạc nghe có vẻ vong ân bội nghĩa song luôn dâng hiến nhiều món ngon chân quê! Cũng như tôm đất, tôm bần..., tôm bạc ưa giật lùi nhưng giỏi bươn chải nơi đáy rạch, mé kênh. Từ tháng Mười âm lịch đến ra Giêng, là mùa tôm trưởng thành.
Hai năm nay, bông so đũa Thái hiện diện ở nhiều vùng quê Nam bộ, cho bông gần như quanh năm, khiến so đũa ta đôi khi lỡ hẹn.
Tuy nhiên, dân sành ăn vẫn chuộng tô canh chua tép bác nấu canh chua bông so đũa ta hơn. Bởi nó thật giòn ngọt. Điểm thêm ít đậu rồng non mượt, ngò gai mướt xanh và mấy lát ớt sừng trâu đỏ thắm. Giầm lấy bột trái me xanh gần già đang nóng hổi, tạo nước chua thanh... Tất cả hòa quyện, quấn quýt nên hương vị thơm lừng, ngọt ngất, khiến chén muối ớt đi cùng cũng động lòng - ướt át.
Tội cho anh bạn thổ địa ở Sóc Trăng, tất bật đi tìm mua trái chúc (một loại chanh rừng cho nhiều nước và mùi rất thơm) về nấu món bún gỏi và đãi khách Sài thành. Một món ngon cộng cư của ba dân tộc: Việt (tép bạc) Hoa (thịt heo quay) và Khmer (trái chúc). Từng con tép đỏ son, cọng rau xà lách non lặt lìa... đều chan chứa ân tình.
Cũng có kiểu tép bạc chửi thề mà ngon... rụng rốn. Tép được luộc vừa chín tới, trong hỗn hợp nước dừa Xiêm với giấm nuôi, vài củ hành tây xắt mỏng và ớt hiểm giã. Cuốn bánh tráng dẻo với nhiều rau mùi, chấm ngập nước mắm chua ngọt. Chị chủ quán Ngọc Hiệp, gần cảng Bình Đại, tỉnh Bến Tre vừa cuốn vừa giải thích: "Tép tươi rói, tui lựa từng con từ ghe cào quen. Dân biết ăn là không cầu kỳ “son phấn!”
Tôm ngon gật gù! Nhưng đôi khi thực khách lại nhăn mặt - đổi màu, vì đường tài vận không như mong đợi, theo dự đoán của bếp trưởng Trần Minh, ở nhà hàng Duyên Hải, Cần Giờ, TP.HCM.
Tuy vậy, đáng suy ngẫm vẫn là chia sẻ của chị Ngọc Hiệp: “Ngẫm lại nhiều người còn tệ bạc hơn... tôm tép. Họ cứ phun, xả thuốc trừ sâu, diệt cỏ thẳng tay xuống mặt nước đồng ruộng, kênh mương. Còn dưới sông, người ta lén lút cào điện ngày tối. Đến nỗi, trứng cá tôm cũng rên rỉ!”
Tạ Tri (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét