Ông đã lưu dấu ấn với nhiều sáng tác mang đậm cảm hứng lịch sử, từ truyện thiếu nhi tới kịch, tiểu thuyết.
Tranh vẽ minh họa một cuốn truyện lịch sử dành cho thiếu nhi.
|
Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) được xem là một trong các nhà văn lớn có vai trò quan trọng cho việc xây dựng nền văn học mới ở Việt Nam, trước và sau Cách mạng tháng tám 1945.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
|
Trước năm 1945, ông là tác giả tiêu biểu về đề tài lịch sử, qua các tiểu thuyếtĐêm hội Long Trì (1942), An Tư (1943) và kịch Vũ Như Tô (1943). Sau 1945, ông tạo được sự gắn bó mật thiết giữa cảm hứng thời sự và cảm hứng lịch sử qua kịch Bắc Sơn (1946), Những người ở lại (1948)… đến tiểu thuyết Bốn năm sau (1959), Sống mãi với thủ đô (1961).
Theo GS Phong Lê, là người đam mê đề tài lịch sử và trong tư chất một nhà văn hóa chuyên tâm, Nguyễn Huy Tưởng dành nhiều thời gian và tâm huyết cho lịch sử vương triều Trần.
Khởi đầu là chuyện về An Tư, một liệt nữ trong tiểu thuyết cùng tên (An Tư, 1943); và khép lại là chuyện về Trần Quốc Toản, người anh hùng nhỏ tuổi trong truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960). Một phụ nữ và một thiếu nhi - đó là hai chân dung được chọn đưa vào cận cảnh, trong bối cảnh một cuộc chiến chống ngoại xâm vào loại dữ dội và khó khăn bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Huy Tưởng được đánh giá là người sớm có ý thức đưa lịch sử dân tộc vào văn học để giữ lấy cái gốc của văn học nghệ thuật. Năm hai mươi tuổi, ông ghi trong nhật ký: "Người không biết lịch sử nước mình là con trâu đi cày ruộng; cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được".
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-2012), nhiều học giả, nhà nghiên cứu và phê bình văn học đã chung nhận định ông là người sống trong lịch sử và viết về lịch sử.
"Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn đàn Việt Nam hiện đại sẽ ra sao? Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn đàn hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử - truyền thống sẽ vơi đi sự bề thế, vẻ kỳ vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng", một nhà nghiên cứu nhận định.
Nguyễn Huy Tưởng là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng. Trong một bộ sách mới xuất bản Nhà văn của em, sách viết về nhà văn này mang tên Nguyễn Huy Tưởng - Người viết sử bằng văn chương.
Lá cờ thêu sáu chữ vàng là tác phẩm dành cho thiếu nhi, xuất bản lần đầu tiên năm 1960. Truyện kể về người anh hùng 16 tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, gặp buổi rợ Mông Nguyên sang cướp nước Nam, đã chiêu mộ sáu trăm người, kết làm anh em, đánh giặc.
Phạm vi miêu tả của truyện là cuộc chiến diễn ra lần thứ hai (1285) thời Trần Nhân Tông, khi nhà Trần phải chịu thất thủ Thăng Long, Trần Quốc Tuấn lui quân về Thanh Hóa.
Đây cũng là thời gian diễn ra hai sự kiện lịch sử lớn là Hội nghị Bình Than (cuối năm 1282) và Hội nghị Diên Hồng (đầu năm 1285), thể hiện tập trung ý chí và trí tuệ của toàn dân trong một quyết tâm Sát Thát.
Bìa sách "Lá cờ thêu sáu chữ vàng".
|
Theo GS Phong Lê, tác phẩm hội đủ những gương mặt tiêu biểu, tượng trưng cho khí phách của vương triều như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng… xung quanh Trần Nhân Tông. Truyện còn được bổ sung gương mặt Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, người thiếu niên chưa đến tuổi để được dự bàn việc nước, đã tự chiêu binh mãi mã đi đánh giặc.
Về phía địch - đó là một loạt nhân vật từ sứ thần Sài Thung, thái tử Thoát Hoan đến viên dũng tướng Toa Đô. Truyện với quy mô nhỏ nhưng bao chứa lượng nhân vật khá lớn - trên cả hai phía.
Nguyễn Huy Tưởng đã đưa nhân vật trung tâm Trần Quốc Toản cùng với lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng "Phá cường địch báo hoàng ân" vào hai địa bàn chiến trận. Một cuộc chiến diễn ra ở miền núi, với sự sát cánh cùng anh em Thế Lộc ở trại Ma Lục và cuộc chiến diễn ra trên sông cùng với đại quân nhà Trần do Trần Nhật Duật chỉ huy, với Toa Đô.
Trước tình thế giặc Nguyên ở phương Bắc cho sứ thần sang giả vờ mượn đường để xâm chiếm Đại Việt, vua Trần mở hội nghị Bình Than để bàn kế đối phó.
Trần Quốc Toản dù mới 16 tuổi đã đứng trước thuyền rồng, xin gặp để nói hai tiếng "xin đánh". Đợi mãi không được, chàng liều chết, xô mấy người lính ngã chúi, rồi xăm xăm xuống bến.
Quốc Toản bị quân lính vây kín, cậu giận quá, tuốt gươm quát lớn: "Ta xuống xin bệ kiến vua, không kẻ nào được giữ ta lại".
Tranh minh họa Quốc Toản xin gặp vua để nói hai tiếng "xin đánh".
|
Đúng lúc ấy, cuộc họp dưới thuyền rồng tạm nghỉ, vua cùng các vương hầu ra ngoài mui thuyền hóng mát. Quốc Toản chạy đến trước mặt vua, quỳ xuống tâu: "Cho giặc mượn đường là mất nước. Xin bệ hạ cho đánh", rồi tự đặt thanh gươm lên gáy xin chịu tội.
Vua truyền cho Quốc Toản đứng dậy rồi ôn tồn nói: "Quốc Toản làm trái phép nước, lẽ ra phải trị tội. Nhưng xét thấy em ta còn trẻ mà đã biết lo việc nước, ta có lời khen". Nói rồi vua ban cho Quốc Toản một quả cam.
Quốc Toản tạ ơn vua, rồi lẳng lặng bước lên bờ mà trong lòng còn ấm ức, bởi vua ban cho cam quý nhưng vẫn xem chàng như trẻ con, không cho dự bàn việc nước.
Nghĩ đến quân giặc đang lăm le xâm chiếm Đại Việt cậu nghiến răng, hai bàn tay bóp chặt. Quả cam cũng đã nát ra tự bao giờ không biết.
Trích đoạn trên được đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông, mang tên "Bóp nát quả cam", trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh.
Vũ Như Tô là vở kịch năm hồi, viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516-1517 dưới triều Lê Tương Dực. Vũ Như Tô là kiến trúc sư có tài, bị Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi.
Vốn là người chân chính, gắn bó với nhân dân cho nên mặc dù bị Lê Tương Dực dọa giết, Vũ Như Tô vẫn ngang nhiên chửi mắng tên hôn quân và từ chối xây dựng Cửu Trùng Đài.
Đan Thiềm - một cung nữ đã thuyết phục Vũ Như Tô chấp nhận yêu cầu của Lê Tương Dực, lợi dụng tiền bạc và quyền thế của hắn, trổ hết tài năng để xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vững bền cho nhân dân nghìn năm sau còn hãnh diện.
Theo lời khuyên, Vũ Như Tô đã thay đổi thái độ, chấp nhận xây dựng Cửu Trùng Đài. Ông đã vô tình gây nhiều tai họa cho nhân dân để xây dựng công trình này khi triều đình lệnh tăng thêm sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, hành hạ những người chống đối.
Việc xây dựng gần hoàn thành thì mâu thuẫn giữa tập đoàn thống trị với tầng lớp nhân dân, giữa Vũ Như Tô với những thợ lành nghề và người lao động ngày càng gay gắt.
Lợi dùng tình hình rối ren, Quận công Trịnh Duy Sản - kẻ cầm đầu phe đối lập trong triều đình - đã dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ làm phản, giết chết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm. Cửu Trùng Đài bị chính những người thợ đập phá, thiêu hủy.
Vũ Như Tô được chép trong sách sử với những lời không được đẹp đẽ, ông bị kết tội gian thần làm hại nước. Vở kịch Vũ Như Tô phần nào phân trần cho ông vì làm theo lệnh vua, phần nào tiếc nuối cho một tài hoa và một công trình vĩ đại.
Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912 tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Đông Anh, Hà Nội). Lên bảy thì cha mất, mẹ gửi ông ra Hải Phòng ở với gia đình người chị, học tiểu học ở trường Bonnal.
Năm 20 tuổi, ông đỗ bằng Thành chung, bắt đầu học chữ Hán. Sau ba năm vất vả tìm việc, đến năm 1935 ông thi đậu vào ngạch thư ký nhà đoan.
Song song với đời sống công chức nhà đoan, Nguyễn Huy Tưởng chăm đọc sách, chịu khó tìm ý tưởng, hàng ngày viết nhật ký. Năm 1938, Nguyễn Huy Tưởng hoạt động cho hội truyền bá quốc ngữ. Cuối năm 1944, ông bắt đầu tham dự các buổi họp bí mật của hội Văn hoá cứu quốc.
Tháng 4/1944, ông chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội công tác và được gặp các trí thức Hà thành như Nguyễn Xuân Huy, Như Phong, Nguyên Hồng, Nam Cao, Trần Huyền Trân...
Tháng 6/1945, Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên Phong của hội Văn hóa cứu quốc. Ông còn là đại biểu Văn hóa cứu quốc, giúp biên tập các tờ báo Cờ giải phóng, Tiên Phong và giữ chức vụ Tổng thư ký Ban Trung ương Vận động đời sống mới.
Sau Cách mạng tháng tám, Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của hội Văn hóa cứu quốc.
Ông mất ngày 25/7/1960 tại Hà Nội. Tên của ông được đặt cho tên đường phố ở nhiều đô thị lớn.
Mạnh Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét