Ông được gọi là Võ vương, người đưa xã hội Đàng Trong phát triển đến đỉnh cao nhưng cũng mở đầu cho sự suy thoái của chính quyền họ Nguyễn.
Lăng mộ của Võ vương ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Thạnh
Năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Chú qua đời. Nguyễn Phúc Khoát, con trai trưởng của Nguyễn Phúc Chú, khi ấy 25 tuổi, lên ngôi, trở thành chúa thứ tám của chính quyền Đàng Trong, được mọi người gọi là Chúa Võ hay Võ Vương.
Theo Đại Nam thực lục tiền biên, năm 1744, quần thần dâng biểu tôn chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương. Sau hai ba lần bầy tôi nài xin, chúa đồng ý rồi cho đúc ấn quốc vương. Tháng 4 năm ấy, chúa lên ngôi vương ở phủ chính Phú Xuân, xuống chiếu đại xá. Phú Xuân được gọi là chính dinh, nay chúa lên ngôi vương nên đổi làm đô thành. Chúa còn cho đổi y phục, thay phong tục, châm chước chế độ các đời, định triều phục võ văn. Đây là chúa Nguyễn đầu tiên tự xưng vương.
Trước đó, chúa Tiên Nguyễn Hoàng từng mang tước Đoan Quốc công. Người kế vị là chúa Nguyễn Phúc Nguyên đổi tên dinh thành phủ, sử dụng cách gọi thường dành cho các vị vương. Sau khi ông mất, con kế vị là Nguyễn Phúc Lan dâng thụy hiệu là Thụy Dương Vương, đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát truy tôn là Hiếu Văn Vương, nhưng lúc sinh thời ông không có ý định tự xưng vương. Năm đời chúa tiếp theo cũng không làm việc này mặc dù vấn đề xưng vương từng được đặt ra.
Năm 1739, vua Chân Lạp là Nặc Bồn mang quân sang xâm phạm Hà Tiên nhưng bị đánh bại bởi Mạc Thiên Tứ phía nhà Nguyễn. Đến năm 1755, dưới thời vua Nặc Nguyên, nước Chân Lạp suy yếu. Theo Lịch sử Việt Nam, trong lúc có chiến sự, Nặc Nguyên chạy về Hà Tiên, nương nhờ Mạc Thiên Tứ đang trấn giữ xứ đó. Năm sau, Nặc Nguyên xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp (Tân An và Gò Công cũ) cho Đại Việt và được chúa Nguyễn đồng ý.
Một năm sau, Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận tạm coi việc nước. Nhưng rồi nội tình Chân Lạp lại xảy ra lục đục tranh ngôi đoạt quyền, chém giết lẫn nhau. Nặc Hinh, con rể của Nặc Nhuận giết cha vợ để cướp ngôi nhưng rồi cũng bị giết. Con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn sợ phải chạy sang Hà Tiên nương nhờ Mạc Thiên Tứ và xin làm con nuôi của Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ đã tâu lên chúa Nguyễn và chúa Nguyễn đã phong Nặc Tôn làm vua Chân Lạp.
Theo Đại Nam thực lục tiền biên, ngay sau đó Nặc Tôn đã dâng đất Tầm Phong Long rồi lại cắt năm phủ Hương Úc, Cần Vọt, Chân Sum, Sài Mạt và Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ dâng năm phủ ấy cho triều đình và chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho lệ năm phủ ấy vào Hà Tiên.
Sau, Thiên Tứ còn xin đặt Giá Khê (Rạch Giá) thành đạo Kiên Giang và Cà Mau thành đạo Long Xuyên - vùng đất mà cha ông đã có công mở mang từ trước. Tại đây, Thiên Tứ cho đặt quan lại, chiêu tập dân cư, lập thôn ấp, làm cho địa giới Hà Tiên ngày càng mở rộng.
Như vậy, đến giữa thế kỷ 18 (năm 1757), sau khi chúa Nguyễn được vua Nặc Tôn của Chân Lạp dâng nốt phần đất còn lại ở phía tây Thủy Chân Lạp thì toàn bộ vùng đất Thủy Chân Lạp, tương đương với ranh giới của Nam bộ ngày nay, trên thực tế đã hoàn toàn thuộc quyền cai quản của chính quyền chúa Nguyễn, tức hoàn toàn thuộc về chủ quyền Đại Việt lúc bấy giờ.
Từ đây, vùng đất thuộc chủ quyền của chúa Nguyễn suốt từ nam dải Hoành Sơn đến mũi Cà Mau được các chúa Nguyễn sắp đặt đơn vị hành chính, cắt đặt quan chức, kê khai hộ khẩu hộ tịch, định thuế lệ, dần dần ổn định và thành vùng đất phong phú, nhiều nhân tài, vật lực.
Ngay sau khi xưng vương, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho xây dựng rất nhiều lâu đài cung điện. Theo Lịch sử Việt Nam, trong những lâu đài dinh thự đó, chúa Nguyễn cùng tộc thuộc và quan lại sống rất xa hoa. Có tài liệu khác cũng chép sau khi hoàn thành công cuộc Nam tiến, trong những năm cuối đời, mãi sống trong cảnh thanh bình, xa hoa, Võ vương đâm ra say mê tửu sắc, không thiết tha việc nước, xa rời nhiệm vụ của bậc đế vương.
Ngày 7/7/1765, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát qua đời, thọ 51 tuổi. Ông được táng tại lăng Trường Thái ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
Sau khi Nguyễn Phúc Khoát mất, Nguyễn Phúc Thuần (sinh năm 1754), con thứ 16 của chúa được lên thay, trở thành vị chúa thứ chín của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Trải qua tám đời, đến cuối đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, vương triều các chúa Nguyễn lại bị nạn quyền thần lộng hành. Năm 1765, Nguyễn Phúc Khoát mất. Con cả của chúa cũng không còn. Theo lẽ thường, ngôi chúa phải được trao cho hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương hoặc hoàng tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Khi còn sống, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã có ý lập Phúc Luân nên sai một thầy nổi tiếng là Trương Văn Hạnh dạy dỗ chu đáo. Đến khi ông mất, tình hình thay đổi. Quyền thần Trương Phúc Loan âm mưu với một số triều thần bỏ di mệnh, phế Phúc Dương, lập người con thứ của Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi chúa. Nguyễn Phúc Luân không được lập mà còn bị bắt giam rồi lo buồn mà chết khi mới 33 tuổi. Nội hữu Trương Văn Hạnh, thầy dạy của Phúc Luân bị Phúc Loan ám hại.
Nhà Nguyễn đến thời kỳ suy vong do bị nạn quyền thần lấn lướt, Phúc Thuần nhỏ tuổi, lại bị bất ngờ đưa lên ngôi, trở nên bỡ ngỡ trên ngai vàng. Mọi quyền hành đều do Trương Phúc Loan thao túng.
Từ khi đưa được Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi, Trương Phúc Loan tự xưng là Quốc phó, một mình chuyên quyền quyết định mọi việc. Những kẻ thân cận của Trương Phúc Loan nắm giữ mọi chức vụ trong triều. Hai con trai của ông đều lấy công chúa họ Nguyễn và giữ các chức vụ quan trọng. Số quan lại tăng lên không ngừng nhằm đốc thúc thuế khóa, vơ vét của cải của dân.
Không chỉ thao túng về chính trị, Trương Phúc Loan còn nắm giữ nguồn tài chính của cả xứ Đàng Trong. Quyền thần này một mình thu thuế của năm nguồn lớn nhưng chỉ nộp lại cho nhà nước khoảng 1/5, còn lại đút vào túi riêng. Loan còn làm nhiều việc khác để đem lại thu nhập.
Theo Lịch sử Việt Nam, vàng bạc, châu báu, vật báu, gấm vóc, vườn ruộng, nhà cửa, tôi tớ, trâu ngựa của Trương Phúc Loan không biết bao nhiêu mà kể. Nhiều thương nhân nước ngoài bị Loan quỵt tiền. Trương Phúc Loan “ngày càng kêu rông, tham lận tàn nhẫn, làm bậy không sợ ai, người đời bấy giờ gọi Loan là Trương Tần Cối” (theo Đại Nam liệt truyện, Tiền biên).
Trước tình hình chính trị xã hội đời chúa Nguyễn cuối cùng, nghĩa quân Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cầm đầu đã đứng lên khởi nghĩa. Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy trốn nhiều lần. Tháng 9/1777, chúa bị nạn và mất khi mới 24 tuổi.
Nhà Nguyễn sau này truy tôn Nguyễn Phúc Thuần là Duệ Tông. Chúa được táng tại lăng Trường Thiệu ở thôn La Khê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế, nằm gần lăng Trường Cơ của chúa Nguyễn Hoàng.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét