Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Nữ quan đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Bà sống ở thế kỷ 15, là vợ của một khai quốc công thần nhà Lê Sơ và bị vu tội giết vua trong vụ án Lệ Chi viên.

Tượng đài chân dung nữ quan đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam. 
Tượng đài chân dung nữ quan đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam. 
Theo Những người thầy trong sử Việt, Nguyễn Thị Lộ là nữ quan đầu tiên trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam.
Bà sống ở thế kỷ 15, quê làng Hới, nay thuộc xã Tân Lễ (Hưng Hà, Thái Bình), là con gái duy nhất của ông đồ Nguyễn Mỗ vừa làm nghề dạy học, vừa bốc thuốc.
"Thấy con có tư chất, ông không nề hà cô là phận gái, cho học chung với bọn học trò. Còn bà mẹ dạy cô nữ công gia chánh. Nhờ thế mà cô Lộ sớm biết làm thơ Nôm, sức học hơn đứt bọn con trai...", sách Những người thầy trong sử Việtviết.
Năm 1433, vua Lê Thái Tông vì mến mộ tài năng của Nguyễn Thị Lộ đã mời bà vào cung làm chức quan Lễ nghi học sĩ, dạy lễ nghĩa cho cung tần. Trước đó, bà dạy chữ Nho cho con các tướng trong triều. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhắc việc Nguyễn Thị Lộ được giao chức quan: "Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ".
Nguyễn Thị Lộ dành nhiều tâm huyết dạy "học ăn, học nói, học gói, học mở" cho cung nữ. Ở những vương triều trước, việc này thường được giao cho các thái giám. Song, do khác biệt về giới tính và tâm lý nên không hiệu quả.
"Bà Nguyễn Thị Lộ trước hết lo cho họ học chữ, đủ để đọc tên các cung, các biển báo, biết chữ húy để tránh, danh xưng để biết đường xưng hô. Rồi bà dạy cho họ các ngón nữ công gia chánh, câu ca, điệu múa vì họ rất cần biết phục vụ vua cho khéo, làm vui vua khi cần..", sách Những người thầy trong sử Việt viết.
Nguyễn Thị Lộ rất sáng tạo trong cách dạy học. Kiến thức Nho học được bà phần lớn giảng giải bằng những bài chữ Nôm dễ hiểu, dễ thuộc nên cung nữ rất thích. "Cách dạy của Lễ nghi nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ còn được đời sau áp dụng và chức vụ của bà cũng được đưa vào hệ thống quan lại trong triều", sách viết
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Thị Lộ là vợ của Nguyễn Trãi, vị công thần khai quốc nổi tiếng triều Lê Sơ. Giai thoại kể rằng, bà và Nguyễn Trãi tình cờ gặp nhau trên đường phố ở Thăng Long, khi Nguyễn Thị Lộ đang mang chiếu ra chợ bán (bà và mẹ phải lưu lạc lên kinh thành mưu sinh sau khi người cha bị giặc Minh bắt). Nguyễn Trãi vì thấy người con gái mình va vào quá xinh đẹp đã "nổi hứng nam nhi", làm thơ trêu ghẹo rằng:
Ả ở đâu ta bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, hoặc mấy con?
Nguyễn Thị Lộ đã lém lỉnh đáp lại rằng: 
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vừa đúng trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, nói chi con.
Mối lương duyên giữa người con gái tài sắc quê Thái Bình và danh nhân nổi tiếng đất Thăng Long bắt đầu từ đó. Thời kỳ Nguyễn Trãi làm quan dưới chướng của vua Lê Lợi, Nguyễn Thị Lộ là "trợ thủ" đắc lực cho ông trong nhiều công việc như: sao chép văn thư, thảo một số công văn, thư từ... Vua Lê Thái Tông rất yêu quý, phong bà là Lễ nghi học sĩ cũng vì thế.
Vụ án giết vua của Nguyễn Thị Lộ được sử sách ghi lại, gọi là vụ án Lệ Chi viên.
Đại Việt sử ký toàn thư viết, năm 1442, vua Lê Thái Tông khi tuần miền đông đã qua thăm gia đình Nguyễn Trãi (lúc này đã từ quan về ở ẩn) ở vườn vải thuộc xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức. "Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà, các quan bí mật đưa về... Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua... Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ", Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Vụ án Lệ Chi viên sau 22 năm được vua Lê Thánh Tông xác định là án oan, phục hồi danh dự cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước hiệu Tán Trù bá. Lệnh truy sát gia quyến của ông được bãi bỏ, thơ văn của ông được sưu tầm lại. Vua Lê Thánh Tông cũng lệnh bổ dụng con cháu Nguyễn Trãi. 
Theo nhiều nhà nghiên cứu, chủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi viên là hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vốn rất ghen ghét Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Vợ chồng ông trước đây giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao khi đang mang thai hoàng tử Lê Tư Thành (sau này là vua Lê Thánh Tông) thoát khỏi âm mưu sát hại của Nguyễn Thị Anh. Sâu xa hơn, đó còn là sự ghen ghét, đố kỵ của một số quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng và tính tình cương trực của Nguyễn Trãi.
Không con phố nào được đặt theo tên Nguyễn Thị Lộ, nhưng Lễ nghi học sĩ này đã được người dân Hà Nội lập đền thờ ở ven đê sông Hồng. Hàng năm, vào ngày 16/8 âm lịch, dân làng đều tổ chức lễ giỗ trọng thể.
Người dân Thái Bình và Hải Dương cũng thờ bà chung với Nguyễn Trãi

Quỳnh Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét