Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

5 địa danh nổi tiếng trên đồng polymer Việt Nam

Đã có lúc nào bạn để ý đến mặt sau của những tờ tiền để biết về những địa chỉ văn hóa đặc biệt được in trên đó.
Chùa Cầu Hội An trên tờ 20.000 đồng
2_1386301782.jpg
Chùa Cầu Hội An với nét giao thoa văn hóa Việt Nam - Nhật Bản và Trung Quốc.
Di sản văn hóa thế giới Hội An với hình ảnh biểu tượng là chùa Cầu đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Cây cầu cổ ở Hội An ra đời vào thời kỳ nào cho đến nay còn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, trong thư tịch cổ của Việt Nam, tên gọi của cây cầu cổ đó là Nhật Bản kiều được tìm thấy vào năm 1617, có nghĩa cầu có thể ra đời trước năm đó.
Theo truyền thuyết, ở ngoài đại dương có một loài thuỷ quái mà người Nhật gọi là Mamazu, đầu của nó ở Nhật Bản, đuôi của nó ở Ấn Độ và lưng vắt qua khe ở Hội An mà cầu Nhật Bản bắc qua. Mỗi khi thuỷ quái quẫy mình, nước Nhật bị động đất và Hội An không được yên ổn. Để khống chế con Mamazu, người Nhật đã thờ các thần Khỉ và các thần Chó trên hai đầu cầu “yểm” thuỷ quái. Người Minh Hương lập ngôi chùa nhỏ nằm sát cây cầu cổ để thờ Bắc Đế Chân Võ cũng với mục đích khống chế động đất.
Vì thế chùa Cầu được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật Mamazu, khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất được nữa. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là chùa Cầu. 
Nghênh Lương Đình, Phu Văn Lâu trên tờ 50.000 đồng
3-4520-1386302447.jpg
Di sản văn hóa thế giới kinh thành Huế.
Nằm bên bờ sông Hương thơ mộng của xứ Huế, Nghinh Lương Ðình (hay Nghinh Lương Tạ) là nơi dùng để các vua hóng gió, ngắm cảnh. Nghênh Lương Tạ có kết cấu kiến trúc kiểu phương đình 1 gian 4 chái, phía trước và phía sau đều có nhà vỏ cua nối dài ra. Bộ khung gỗ ở phần trên, nhất là các vì vỏ cua cùng hệ thống liên ba được chạm trổ công phu. Mái nhà chính lợp ngói ống lưu ly vàng, hai nhà vỏ cua lợp ngói liệt men vàng. Phía bờ sông có 13 bậc cấp dẫn xuống một hành lang xây sát mặt nước sông Hương. Cảnh quan xung quanh nhà tạ thoáng đãng và rất trữ tình.
Cách đó không xa, Phu Văn Lâu được xây dựng vào năm 1819 dưới thời vua Gia Long, dùng làm nơi niêm yết những chỉ dụ quan trọng của nhà vua và triều đình, hoặc kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức. Phu Văn Lâu là ngôi nhà hai tầng, quay mặt về hướng nam. Dưới thời vua Minh Mạng, triều đình cho dựng ở hai bên hai tấm bia đá khắc 4 chữ "khuynh cái hạ mã", nghĩa là ai đi qua đều phải cởi mũ và xuống ngựa. Vua Thiệu Trị xem sông Hương và lầu Phu Văn là một trong 20 cảnh đẹp ở chốn Thần Kinh.
Khuê Văn Các trên tờ 100.000 đồng
a-2420-1386302447.jpg
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm đến quan trọng nhất tại Hà Nội.
Hình ảnh biểu trưng cho toàn khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các là một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước, được xây vào năm 1805. Để bước lên được nền vuông này phài đi qua ba bậc thang đá. Kiểu dáng kiến trúc Khuê Văn Các rất hài hòa và độc đáo. Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ đều có chạm trổ hoa văn rất tinh vi và sắc sảo. Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc với chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Vịnh Hạ Long trên tờ 200.000 đồng
5-9728-1386302447.jpg
Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới nổi bật.
Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh được UNESCO nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới với hàng nghìn hòn đảo được làm nên bởi tạo hoá kỳ vĩ và sống động. Vịnh Hạ Long có phong cảnh tuyệt đẹp nên nơi đây là điểm du lịch rất hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo bởi địa danh này chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ. Vịnh đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá, với nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa huyền bí.
Bên cạnh đó, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình cùng với hàng nghìn loài động thực vật phong phú. Nơi đây còn gắn liền với những giá trị văn hóa – lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ngôi nhà tranh tại làng Sen quê Hồ Chủ tịch trên tờ 500.000 đồng
6-9378-1386302447.jpg
Ngôi nhà tranh giản dị của Hồ Chủ tịch tại Nam Đàn, Nghệ An.
Bất cứ ai cũng nhận ra hình ảnh ngôi nhà giản dị thời thơ ấu của Chủ tịch nước Hồ Chí Minh. Ngôi nhà ở làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Từ thành phố Vinh đi theo quốc lộ 46 khoảng 15 km là tới.
Toàn bộ khu di tích bao gồm 4 cụm chính: khu quê ngoại (làng Hoàng Trù hay còn gọi là làng Chùa), khu quê nội (làng Sen), núi Chung (xã Kim Liên) và khu mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Hồ Chủ tịch) thuộc xã Nam Giang.
Yutaka
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét