Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Mùa cá mòi biển đã về

(Dân trí) - Những ngày đầu đông là mùa của cá Mòi tại các vùng cửa biển. Vào thời điểm này, cá Mòi biển kéo về từng đàn kiếm ăn đông đảo, béo tròn... Với ngư dân, đây cũng chính là thời điểm ra khơi quăng lưới đón mùa cá Mòi bội thu.

Theo ngư dân, cá Mòi mùa này mình dày, nhiều thịt, xương nhỏ nhưng có nhiều xương răm, đầu rất nhỏ, vảy bạc li ti. Thịt cá Mòi ngọt thơm đặc biệt vào mùa cá Mòi những tháng cuối năm hoặc dịp đầu năm.
Mùa cá mòi biển đã về
                                                                                                   Để có một bữa cá mòi khó quên thì chế biến cũng khá công phu Dân gian kể rằng, cá mòi là do chim ngói hoá thành, khi mùa thu chim ngói bay từ rừng ra biển và hoá thành cá mòi. Đến mùa xuân năm sau thì cá mòi mới bơi ngược về rừng để biến thành chim ngói. Truyền thuyết này lý giải cho việc vì sao khi mổ cá lại thấy cá có cái “mề” như mề của loài chim ngói.
Đó là truyền thuyết, còn theo các nhà khoa học thì cá mòi có một đồng hồ sinh học đặc biệt, khá giống với loài cá hồi của phương Tây. Chúng được cá bố, mẹ sinh ra ở sông nhưng lại bơi ra biển để kiếm ăn, sinh sống. Cá mòi sống thành bầy, bơi khắp trên các vùng biển – đây cũng là một phương pháp tự vệ rất hữu hiệu, vì bầy cá không thể bị cá lớn ăn thịt đến tuyệt giống. Biển Việt Nam thường có cá mòi chấm và cá mòi cờ.
Nếu ai đến các vùng ven biển vào mùa này và có dịp đi cùng ngư dân đánh cá và nếm thử một bữa cá Mòi thì chắc hẳn không thể quên. Thịt cá mòi ngọt và thơm, trứng cá lại càng ngon hơn. Những người đã một lần được nếm thử thì không thể quên, thậm chí, nhiều người đâm “nghiện” loài cá bé nhỏ này. Vào mùa này ở các chợ cá, thực khách có thể dễ dàng tìm được những con cá mòi tươi ngon ở khắp mẹt hàng.
Cá mòi sau khi đưa lên mặt nước sẽ chết ngay chứ không giữ lâu được như các loại cá khác. Tuy nhiên khi chọn mua cũng chỉ cần để ý mắt cá có trong không, thân cá có chắc không là được, bởi cá mòi rất đắt hàng, hiếm khi nào lại có cá ế.
Quăng lưới...
Quăng lưới...
Bắt cá...
Bắt cá...
Để có một bữa cá mòi khó quên thì chế biến cũng khá công phu. Làm cá mòi không mổ dọc bụng như các loại cá khác, sau khi đánh sạch vảy cá chỉ cần cắt ngang một lát vừa tầm ở phía dưới mang rồi moi mật, ruột ra, dùng tay móc mang cá, và tiện dao khía những đường nhỏ quanh sườn cá. Con cá không to nhưng phải làm nhiều công đoạn và phải rất khéo léo để mật không vỡ, trứng còn nguyên, mình cá sạch vảy. Bởi vậy các cụ ta ngày xưa thường quan sát người con gái làm cá mòi để xem người con gái ấy có cẩn thận không, khéo tay không. Chế biến cá mòi có nhiều cách: có người thích rán, có người thích nướng, có người lại ưa món cá mòi băm chả. Nhưng có một cách chế biến khá cầu kỳ nhưng lại rất ngon như sau: Sau khi ướp cá nửa giờ, dùng que tre tươi cặp ngang thân cá và đem nướng trên bếp than hoa. Cá đã nướng thơm thì gỡ khỏi que tre và cho ngay vào chảo mỡ nóng, rán nổi trên mỡ. Mỡ rán cá phải là mỡ lợn chứ không phải dầu thực vật, khi rán phải tập trung để khi cá chuyển màu vàng nâu là vớt ngay. Mùi thơm của cá khiến ai thoáng cảm nhận đã thấy hấp dẫn. Cá rán xong phải ăn nóng mới giữ nguyên được hương vị, kèm theo đĩa rau thơm và chén nước mắm chanh ớt.
Trong bữa cơm gia đình đầm ấm, đông đủ giữa tiết đông se lạnh, đĩa cá mòi đầu mùa nóng hổi mẹ vừa mang lên, cả nhà gỡ những buồng trứng vàng ruộm mời ông bà và cho trẻ nhỏ, người ta không chỉ cảm nhận được mùi thơm ngọt của cá, của gừng mà còn cảm nhận được cả vị mặn mòi của biển cả.
Bởi vậy, cá mòi không chỉ là món ngon được nhiều người ưa thích mà còn là món ăn đậm đà hương vị của quê hương, khiến ai xa quê khi đến mùa cá Mòi lại mong muốn tìm về.
Song An - Minh Phan
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét