Nguồn: website hungyentourism
|
Cách
trung tâm Thành phố Hưng Yên khoảng 20km về phía đông. Đã từ lâu vùng
đất này không chỉ được biết đến bởi bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa
mà còn là quê hương của Lưỡng quốc trạng nguyên Tống Trân. Cụm di tích
nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị tiêu biểu là hệ
thống di tích lịch sử, văn hóa như: Chùa Trà Dương, đền Tống Trân, đền
Lê Xá, đền Phượng Hoàng, đền Đậu An.
1. Đền Tống Trân:
Dọc theo triền đê từ thành phố Hưng Yên xuôi về phía đông, qua những
lũy tre xanh, đầm sen thơm ngát, bãi ngô, bãi dâu xanh biếc. Từ xa, du
khách dễ dàng nhận ra giữa cánh đồng mênh mông lúa, một vùng cây cối
xanh mát bao quanh lấy ngôi đền – đó là nơi thờ “Thượng đẳng tối linh
phụ quốc Tống Trân đại vương”.Trải qua bao năm tháng của bom lửa chiến
tranh tàn phá, ngôi đền ngày nay được xây dựng lại tại thôn An Cầu, xã
Tống Trân, huyện Phù Cừ. Đền gồm 5 gian tiền tế, ba gian trung từ và một
gian hậu cung, và các bộ được kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường. Hiện
nay, di tích còn lưu giữ được 11 sắc phong, 1 thần phả, 1 thần tích và
nhiều đồ tế tự. Các câu đối ca ngợi vị Lưỡng quốc Trạng nguyên và mảnh
đất địa linh đã sinh ra nhân kiệt cho quên hương, đất nước. Hàng năm, lễ
hội đền Tống Trân được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 4 (âm
lịch). Du khách sẽ được hòa mình vào những sinh hoạt văn hóa phong phú:
hát trống quân, hát chèo, tuồng... và những trò chơi dân gian như cờ
người, múa lân, múa rồng, chọi gà....
Ngược
dòng lịch sử, về với di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tống Trân, du
khách dường như được tách biệt ra khỏi trần tục của đời thường để đắm
mình vào truyền thuyết về mối tình nàng Cúc Hoa và chàng thư sinh nghèo
Tống Trân, cũng như được tìm hiểu về cuộc đời của vị Lưỡng quốc Trạng
nguyên. Câu chuyện sẽ còn được lưu truyền muôn đời về ân tình, nhân
nghĩa của người Hưng Yên nói riêng và người Việt Nam nói chung.
2. Đền Phượng Hoàng: Truyện
nôm khuyết danh “Tống Trân, Cúc Hoa” kể về cậu học trò nghèo cùng mẹ
già đi ăn xin sau này trở thành Lưỡng quốc trạng nguyên (trạng nguyên của hai nước)
và nàng Cúc Hoa – một người con gái tài sắc vẹn toàn, vượt qua những
định kiến khắt khe của xã hội phong kiến, từ bỏ vinh hoa phú quý, để
nhận lấy cuộc đời gian truân, dân dã đã trở nên quen thuộc với mỗi người
dân đất Việt. Đền tọa lạc tại thôn Phù Oanh, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ
còn có tên gọi khác là đền Cúc Hoa. Nơi đây thờ bà Cúc Hoa, một người
con gái có nhan sắc, con nhà giàu nhưng biết trọng lẽ phải và thương
người nghèo khó; một người phụ nữ hiền thục đoan trinh, đảm đang việc
nhà nuôi chồng ăn học, dùi mài kinh sử. Mảnh đất hiện nay đền tọa lạc là
khu gò mộ của bà Cúc Hoa. Đền được xây dựng với lối kiến trúc hình chữ
tam, kiểu chồng giường đấu xen. Trong đền có hai câu đối ca ngợi công
đức của Cúc Hoa. Một khám thờ lớn đặt tượng bà Cúc Hoa được tạo tác với
khuôn mặt phúc hậu và thuần việt....Về với đền Cúc Hoa, du khách được
tham quan và tìm hiểu di tích có giá trị văn hóa tiêu biểu của Hưng Yên.
Tìm hiểu về cuộc đời nàng Cúc Hoa – người con gái mang đầy đủ những đức
tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt và cảm nhận giá trị nhân văn sâu sắc
của mối tính Tống Trân – Cúc Hoa. Trải qua bao bao thăng trầm của lịch
sử, ngôi đền cũng như đức hạnh của bà Cúc Hoa vẫn mãi là niềm tự hào sâu
sắc của người dân nơi đây mỗi khi nhắc đến. Những giá trị nhân văn cũng
như kiến trúc của đền đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử quốc
gia năm 1991.
3. Chùa Trà Dương: Với
tên chữ “Long Khánh tự”, chùa Trà Dương tọa lạc tại thôn Trà Dương, xã
Tống Trân, huyện Phù Cừ. Chùa được xây dựng từ thời Trần, nhưng trải qua
những biến cố của lịch sử, ngày nay các kiến trúc nghệ thuật của chùa
mang phong cách nghệ thuật Nguyễn. Cảnh quan, kiến trúc, tượng thờ, đồ
tế tự của chùa Trà Dương thu hút du khách đến tham quan. Đặc biệt Du
khách tham quan chùa Trà Dương không chỉ được tham quan, mà còn được
chiêm ngưỡng bệ đá hoa sen có niên đại hơn 600 năm – được tạo tác năm
Quang Thái 7(1394). Với đề tài trang trí đa dạng như: cánh sen, hình
rồng, hình sư tử, chim thần Garuđa, hoa leo tay mướp, uốn lượn hình
sin.... Bệ đá hoa sen được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là tiêu biểu
cho dòng nghệ thuật dân gian làng xã; góp phần làm phong phú thêm cho
dòng điêu khắc cuối thời Trần. Đồng thời cũng là một minh chứng cho sự
quần tụ đông đúc của dân cư vùng sông Luộc; là điểm quy chiếu giúp các
nhà nghiên cứu xác định niên đại chính xác cho các tác phẩm điêu khắc
cùng thời. Vì thế có thể thấy rằng đây là một tác phẩm không những có
giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị lịch sử./.
|
Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013
Đến Hưng Yên tham quan cụm di tích Tống Trân và Tiên Lữ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét