Nằm
ở xóm Đông, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, đình Kiền Bái là công trình
kiến trúc - điêu khắc cổ kính và nổi tiếng của Hải Phòng. Di tích này
có từ thế kỷ XVII - thế kỷ phát triển rực rỡ của nghệ thuật dân gian.
Đình
Kiền Bái có quy mô vừa phải nhưng được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, có
cấu trúc hình chữ “đinh” quen thuộc và là ngôi đình duy nhất ở Hải Phòng
còn giữ được hệ thống ván sàn thời khởi dựng.
Đình
ngoài hay còn gọi là tiền đường gồm ba gian, gian giữa là nơi tiến hành
các nghi lễ tế tự. Đình trong (hậu cung) gồm ba gian chuôi vồ là nơi an
tọa của Đức Thành Hoàng bản thổ.
Đình
Kiền Bái có sức hấp dẫn du khách thập phương, các nhà nghiên cứu không
chỉ ở giá trị lịch sử mà còn do nghệ thuật trang trí kiến trúc tài hoa
và phóng khoáng của người xưa. Cả công trình này là một bộ sưu tập tranh
điêu khắc gỗ quý giá được tạo tác trên nền của một kiến trúc cổ kính và
tao nhã.
Nghệ
thuật trang trí ở đình Kiền Bái chủ yếu được tập trung thể hiện trên
các vị trí có điều kiệu phô diễn được vẻ đẹp của mình. Rồng là đề tài
phổ biến và có mật độ khá dày đặc trong các hoạt cảnh trang trí.
Ở
mỗi mảng chạm khắc dù là chạm nổi hay chạm lộng hay chạm bong kênh,
bong hình thì giữa trung tâm bao giờ cũng là một rồng lớn (rồng mẹ) có
thân mập, ngắn lượn từ dưới lên, đầu ngóc cao, mặt quay ra ngoài.
Rồng
có đầu to, trán dô, miệng há rộng, mũi sư tử và tóc là các cụm đao lửa
hình mũi mác bay về sau tạo cảm giác động trong không gian tĩnh.
Thân
rồng tròn lẳn phủ một lớp vảy rắn nổi, chân có bốn móng sắc nhọn như
cựa gà chọi. Chung quanh rồng mẹ dù đang vuốt râu hay hí thủy, có rất
nhiều rồng con trong một tổng số lẻ như: 5, 7, 9, 11 và 13.
Đi
kèm với rồng là những con vật trong hàng tứ linh như phượng, lân.
Phượng thường được thể hiện trong tư thế trình diễn nghệ thuật “gia
truyền” với những động tác múa uyển chuyển và kiêu sa.
Con
rồng không chỉ được thể hiện cùng đồng loại hay các bậc tứ linh mà nó
còn hòa mình với các con thú khác không phải là con vật “linh” ở trên
các vì cốn hay mặt ngoài các ván bưng. Đó là những con thú “tầm thường”
nhưng rất đỗi thân quen với làng quê và con người Việt Nam, như lợn,
chó, dê, nai, mèo, cá... nhiều nhất vẫn là lợn.
Lợn
có thân hình mập mạp như trong tranh Đông Hồ nhưng lại nghịch ngợm như
các chú lợn rừng hoang dã. Lợn ngồi trên lưng nắm râu, cầm tóc và còn cả
gan gặm chặt lấy đuôi rồng.
Du
khách đã quen với các cảnh “lưỡng long chầu nguyệt”, “lưỡng long tranh
châu”... nhưng “lưỡng long chầu lợn” và “rồng chầu người” chắc chỉ ở
đình Kiền Bái mới có. Ngoài ra, đình còn có những tiểu cảnh đậm vẻ làng
quê yên bình như lợn ăn lá dáy, mèo ngủ ngày, người cưỡi voi, ngựa voi
âu yếm, voi chiến đua tài...
Lễ hội một thời vang bóng
Thời
xưa, đình Kiền Bái cũng được biết đến là nơi có nhiều lễ hội lớn. Trong
đó, lễ hội cướp bông được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm là
lễ hội “vui nhất, hoành tráng nhất, quyết liệt nhất” theo lời của các cụ
cao niên.
Để
chuẩn bị cho lễ hội cướp bông, làng cần hai cây tre to, cao nhất. Nhà
nào có tre được chọn thì nhà đó phải đem bánh chưng, bánh dày ra tế. Sau
khi hạ tre, các cụ chọn mười thanh niên chưa vợ tuổi từ 18 tuổi lên
chặt hai khúc tre để vót hai cây bông hình hoa ở đầu.
Trước
lễ cướp chính thức có lễ cướp cờ, cụ chủ trì lễ vừa tung cây bông lên
trời, lập tức mười thanh niên trong trang phục quần đỏ, áo đỏ, thắt lưng
xanh, chít khăn điều xông vào cướp trong tiếng hò reo, cổ vũ của dân
làng. Đây mới chỉ là lễ cướp thử nên không có giải, lễ cướp mang tính
tượng trưng ước lệ trước cửa sân đình.
Khác
với lễ cướp thử, cướp giải thật thu hút rất đông người từ già tới trẻ,
không kể là trai hay gái, thậm chí đàn bà có con mọn cũng được tham gia.
Cuộc thi này rất đông vui, kéo dài đến sáng hôm sau.
Đồng
thời với lễ hội cướp bông, thì tại đình cũng diễn ra nhiều hội thi khác
thu hút đông người như hát đúm, thi làm làm cỗ bánh... Ai được giải
trong cuộc thi cướp bông thì làng ưu tiên mời ăn bánh của người đạt giải
nhất cuộc thi làm cỗ bánh. Hai người đoạt giải nhất của hai cuộc thi
nêu trên nếu chưa vợ, chưa chồng, thì dân làng vun vén cho thành vợ,
thành chồng.
Người
được giải cướp bông còn được dân làng tôn vinh vì họ đã được diễm phúc
của thần ban tặng. Lễ cướp bông được cho là bắt nguồn từ thời xa xưa, từ
tục thờ sinh thực khí của nam giới được cải tiến và phát triển lên mà
thành. Ai cướp được cây bông thì cả nhà khỏe mạnh, con cháu đông vui,
làm ăn khấm khá suốt cả năm./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét