Thời vàng son đã qua, có bao nhiêu nghề
mới sinh ra và nghề cũ bị mai một dần, trong đó có nghề làm dao kéo,
may áo dài, cắt tóc dạo.
Nghề làm dao kéo
Sinh Từ vốn là tên cũ của phố Nguyễn Khuyến ngày nay và lúc đầu chỉ có
duy nhất cửa hiệu Sinh Tài của một người dân làng Hòe Thị (còn gọi là
làng Canh) có nghề rèn truyền thống mở ra vào cuối thế kỷ 19.
Dao kéo Sinh Từ có nhiều loại, từ con dao xén giấy, dao phay, dao bài
đến các loại kéo, dụng cụ nạo gọt, cuốc, thuổng, mai… Dao để cắt da làm
giầy lưỡi phải mỏng, cứng và sắc. Dao cạo râu lưỡi sắc, sống dao phải
dày. Kéo cắt vải cho thợ may lưỡi phải sắc ngọt.
Dao kéo Sinh Từ tuy không đẹp bằng dao Thái, kéo Mỹ nhưng vẫn là vật
dụng không thể thay thế đối với số đông thợ may, thợ cắt tóc hay đầu bếp
nhà hàng, khách sạn và những người “sành” nội trợ.
Đi trên phố Nguyễn Khuyến ngày nay, vẫn còn dăm ba cửa hiệu theo nghề cũ, bày bán đủ các chủng loại dao kéo.
|
Nghề may áo dài
Nghề may áo dài của Hà Nội gắn liền với những thợ may giỏi người làng Trạch Xá (nay thuộc xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Được đào tạo và truyền nghề từ năm 10-12 tuổi, trai làng Trạch Xá khi thạo nghề đã rời làng lên Hà Nội mở hiệu may áo dài ở phố Khâm Thiên, Cầu Gỗ, Hàng Bông và tập trung nhiều nhất là ở phố Lương Văn Can.
Nghề may áo dài của Hà Nội gắn liền với những thợ may giỏi người làng Trạch Xá (nay thuộc xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Được đào tạo và truyền nghề từ năm 10-12 tuổi, trai làng Trạch Xá khi thạo nghề đã rời làng lên Hà Nội mở hiệu may áo dài ở phố Khâm Thiên, Cầu Gỗ, Hàng Bông và tập trung nhiều nhất là ở phố Lương Văn Can.
Nghề may áo dài đã có thời hoàng kim với hơn 20 hiệu may trên phố Lương
Văn Can dài chưa đầy một km, người đến may áo dài nườm nượp, thợ may
làm không hết việc. Vào khoảng những năm 80 của thế kỷ 20, áo dài bị
thời trang phương Tây áp đảo, nghề may áo dài rơi vào cảnh đìu hiu,
nhiều hiệu may chuyển nghề.
Ngày nay, không chỉ có người Việt Nam mà người nước ngoài cũng yêu thích nét đẹp của áo dài.
Một số cửa hàng như Đông Trạch, Hưng Trạch, Tân Trạch… trên phố
Lương Văn Can giờ là địa chỉ nổi tiếng chuyên may áo dài cho khách du
lịch nước ngoài.
|
Nghề cắt tóc dạo
Nghề cắt tóc thịnh hành ở Hà Nội từ thời Pháp thuộc. Thợ cắt tóc ngày
ấy chủ yếu là người làng Kim Liên (Hà Nội) vốn là một làng có nghề
truyền thống cắt tóc.
Một người thợ cắt tóc phải mất 1 đến 3 năm học mới ra hành nghề được.
Đa phần bác phó cạo của Hà Nội xưa là những tay hóm hỉnh, luôn sẵn sàng
làm người khác bật cười vì những câu chuyện dí dỏm bởi họ không chỉ học
cắt tóc mà còn học cách ăn nói với khách.
Trên phố Quang Trung, Tạ Hiện, Yec-xanh ngày nay vẫn dễ dàng bắt gặp
một bác phó cạo với chiếc gương và cái ghế nhỏ dựng sát bên tường hay
dưới gốc cây tán lá xòe rộng, “lách cách” nhịp kéo theo từng đường cắt
và nụ cười hóm hỉnh chuyện trò.
Công việc cắt tóc được tiến hành tỉ mỉ và chỉn chu từng bước. Khi
cắt tóc xong phải đảm bảo không có sợi tóc nào dính trên áo khách mới
được coi là đạt kỹ thuật.
|
Nghề khắc dấu gỗ
Những cửa hàng khắc dấu gỗ ở Hà Nội không nhiều với diện tích rất nhỏ
trên cùng con phố. Mỗi cửa hàng có khoảng 100 mẫu dấu đủ hình dáng
vuông, tròn, chữ nhật, e-lip, lục lăng… với hình phong phú: từ con dấu
tủ sách gia đình, dấu tên người, tên phố phường, 12 con giáp… Bên cạnh
đó, khách hàng cũng có thể yêu cầu thợ khắc theo mẫu riêng của mình.
Những người mê thư pháp dùng dấu triện ấn lên bức thư pháp thay cho chữ
ký.
Cửa hàng rất nhỏ, biển hiệu cũ kỹ dùng cả tiếng Anh và tiếng Hán, nhiều
người sẽ dễ dàng lướt qua cửa hàng khắc dấu gỗ. Dù vậy, những nghệ nhân
khắc dấu gỗ vẫn hàng ngày tỉ mỉ với từng nét khắc để thông qua con dấu
nhỏ góp phần giới thiệu văn hóa Việt Nam đến với bạn bè năm châu.
Một vài cửa hàng nhỏ ở đầu phố Hàng Quạt, lác đác trên phố Hàng Bông và phố Tạ Hiện.
|
Bài và ảnh: Yutaka
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét