Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Nhớ chè hạt me mùa gió chướng

TTO - Hình ảnh “con đường có lá me bay” đầy lãng mạn xưa nay là đề tài gợi hứng cho biết bao văn nghệ sĩ; còn trái me lại gắn chặt ký ức tuổi thơ nhiều cư dân Nam bộ với các món ăn nhớ đời, trong đó có chè hạt me.
Màu vàng ươm của đậu xanh và đường thốt nốt khiến chén chè đậu xanh càng thêm hấp dẫn - Ảnh: Thanh Tâm
Me là loại trái bình dị và đa dụng từ lúc trái non cho đến trái chín. Trái me non và cả đọt me là thứ gia vị đặc biệt không thể thiếu trong món canh chua của miền Nam; trái me già (me sống) muối cam thảo hay làm mứt trong những ngày tết; cơm me chín ngào đường làm thức uống giải khát và dùng pha chế nước chấm đặc sắc không thể thiếu cho các món khô nướng (cá khoai, cá đuối, cá lóc… ).
Hàng năm, cứ độ tháng 10-11 âm lịch, khi cơn gió chướng lao xao thổi trên những ngọn cây là báo hiệu mùa me lại về. Mỗi khi đi ngang qua cổng trường hoặc bắt gặp người bán me trong chợ lòng tôi lại bồi hồi nhớ về những mùa me chín.
Theo y học dân gian, me có vị chua, tính mát, thanh nhiệt, giải khát, tăng cường hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể… Với các nhà khoa học, trong 100g cơm trái me có khoảng 10% acid hữu cơ, 12,50% đường, kali và một số hoạt chất khác giúp kích thích vị giác, cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể…; trong hạt me còn có glucozan, xylan, chất béo, sáp, muối vô cơ…
(Theo GS.TS  Đỗ Tất Lợi - Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)
Lúc bấy giờ, tôi đang học cấp 1 trường làng. Nhà cách trường bởi một khoảng vườn cây cối um tùm vắng vẻ, nơi góc vườn có một cây me cổ thụ. Những buổi trưa đi học sớm, bọn trẻ chúng tôi thường “bí mật” rủ nhau vào vườn hái trộm me. Mải mê hái trái, mất cảnh giác nên thường bị chủ vườn rượt chạy “vắt giò lên cổ”, rách cả áo, trầy cả chân, nhưng “chứng nào, tật nấy” vẫn không chừa...
Cầm trái me dốt (me chưa chín hẳn), dùng tay bóp dập lớp vỏ khô giòn bên ngoài, lộ ra phần cơm me mềm, vàng nhạt ở bên trong thong thả chấm vào bịch muối ớt đưa lên miệng nhai một cách ngon lành. Vị chua, hậu ngọt thanh của me thấm vào vị giác, khiến cả bọn phải uống nhiều nước nên ê răng, căng bụng... tan học về nhà “ngẩn ngơ” bỏ buổi cơm chiều.
Sau khi ăn xong, cả bọn còn lượm những hạt me chơi trò đánh búng. Khi đã chán mới gom hạt lại... nhờ má tôi nấu chè. Chè hạt me nấu với nếp, đậu xanh nước cốt dừa là món ăn dân dã, không “chê” vào đâu được.
Chỉ là món chè của con nhà nghèo ở thôn quê, nhưng chế biến món chè này cũng tốn nhiều công sức lắm. Trước hết, má sai bọn chúng tôi lựa từng hạt me già, cứng, vỏ có màu nâu đen, hông hạt no tròn không bị lép để khi nấu cho dẻo, bùi, rửa sạch, để ráo.
Hạt lựa xong cho hạt me vào chảo, bắc lên bếp rang vàng với ngọn lửa nhỏ. Cảm nhận bằng mắt khi thấy vỏ hạt hơi cháy xém, bốc mùi thơm, nhắc xuống. Đợi hạt nguội, cho vào bọc vải, dùng chày đập lớp vỏ bên ngoài tróc ra, và cho hạt đã rang vào rổ thưa sàng tách lấy nhân cho vào thau ngâm với nước lạnh một ngày một đêm, xả sach để ráo.
Hạt me rang chưa tách vỏ - Ảnh: Thanh tâm
Tiếp theo, má đổ hạt vào nồi ninh cho thật mềm, vớt ra xả nước lạnh cho sạch để ráo. Còn nếp rặt, đậu xanh đãi vỏ (hai phần nếp, một phần đậu) cho vào nồi vo sạch, đổ nước lạnh vào nấu nở mềm, cho đường thốt nốt, nước cốt dừa vào. Cuối cùng, mới đổ hạt me vào trộn đều, tắt lửa, nhắc xuống ngay.
Má luôn cẩn thận dặn bọn tôi, tắt lửa là phải nhớ nhắc xuống múc ra chén, không để lâu trên bếp nóng vì hạt me sẽ cứng, mất ngon.
Còn gì thú vị bằng trong những đêm trăng thanh gió mát, cả đám ngồi quây quần trên chiếc chõng tre trước sân nhà thưởng thức chén chè hạt me tỏa hương thơm ngát do chính tay má làm.
Vị béo, thơm của nếp; deo dẻo, bùi bùi của hạt me; hòa lẫn vị ngọt của đường cát, béo của nước cốt dừa thấm vào vòm miệng, len xuống tận cổ, tạo thành một “hợp khúc” chân quê ngon khó tả...
Me là loài cây nhiệt đới, có nguồn gốc ở châu Phi, tên khoa học là Tamarindus indica, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Là loại cây hoang dã, mọc nhiều ở các tỉnh phía Nam, giáp biên giới Campuchia như Châu Đốc, Tây Ninh... Vào thời Pháp thuộc, me được trồng ven đường ở các TP lớn để lấy bóng mát, và hiện vẫn còn ở những con đường Đồng Khởi - Pasteur (TP. HCM), Hùng Vương (TP. Mỹ Tho), cũng như một số thành phố khác như một chứng tích của thời kỳ thuộc địa.
THANH TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét