Lâu nay nhiều người vẫn luôn
nhận định Fansipan hay Mẫu Sơn là vương quốc của hoa đỗ quyên. Nhưng mấy
ai biết trên đỉnh núi cao thứ hai Việt Nam là Pu Ta Leng mới là nơi
tuyệt vời nhất để ngắm loài hoa quý phái này.
Chinh phục “nóc nhà thứ hai của Đông Dương”
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn thuộc xã Tả
Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Pu Ta Leng theo tiếng H’Mông gọi
là Pú Tả Lèng, với chữ “Pú” nghĩa là núi. Với chiều cao 3.049m so với
mặt nước biển, chỉ đứng sau đỉnh Fansipan (3.413m), Pu Ta Leng còn được
mệnh danh là “nóc nhà thứ hai của Đông Dương”, cũng gọi 'nóc nhà thứ hai
của Việt Nam'.
Chúng tôi có 2 tuần chuẩn bị cho lịch
trình trekking 5 đêm 4 ngày với 2 đêm ngủ ôtô từ Hà Nội – Hồ Thầu và
ngược lại, 2 đêm ngủ trong rừng. Số thành viên đăng ký đi là 10 người và
rồi còn lại 5 khi chốt đoàn. Chúng tôi vẫn hăng hái lên đường sau khi
đã có nhiều đoàn đi trước không thực hiện thành công, nhưng hai đoàn sau
đó đã trở về với vinh dự cắm cờ đỏ sao vàng trên đỉnh càng khiến chúng
tôi thêm quyết tâm chinh phục.
Xuất phát lúc 8h tối tại bến xe Mỹ Đình
trên xe giường nằm Hà Nội - Hồ Thầu (Lai Châu); giấc ngủ chẳng mấy êm
xuôi vì đoạn đường thuộc địa phận tỉnh Lai Châu nhiều đoạn dốc, cua tay
áo uốn lượn. 6h sáng hôm sau, cả đoàn đã đến địa phận xã Giang Ma, sau
đó hai porter (người dẫn đường kiêm thồ hàng) là Páo và Đức người Dao
đen đã phải phóng xe máy để đón chúng tôi về lại Hồ Thầu và bắt đầu
chinh phục đỉnh núi.
Vì là chuyến đi tương đối dài và phải
ngủ lại trong rừng nên chúng tôi đã phải chuẩn bị lều bạt, quần áo tư
trang, đồ ăn, xoong nồi, dụng cụ đi rừng, leo núi… đầy đủ. Ngoài ra còn
nhờ sự trợ giúp của hai porter là những trợ thủ đắc lực giúp chúng tôi
mang vác đồ dùng cùng thức ăn. Riêng nước uống thì luôn sẵn tại những
con suối nơi chúng tôi đi qua, vì vậy đỡ được bước “cõng” thêm hàng lít
nước trên vai. Trung bình mỗi người chúng tôi mang trên lưng gần 10kg đồ
dùng và thức ăn, trong khi Páo và Đức giúp mang khoảng 20kg gồm xoong
nồi, lều bạt, gạo và thực phẩm khác. Dù mang khá nặng như vậy, nhưng hầu
như 5 người chúng tôi luôn tụt lại so với hai thanh niên người Dao đã
quen đường thuộc lối ở địa hình rừng núi nơi đây.
Ngày đầu tiên chúng tôi chỉ chinh phục
được độ cao 1.982m do một thành viên trong đoàn bị say xe và mất sức khi
leo núi. Mặc dù theo lịch trình dự kiến thì ngày đầu chúng tôi phải đến
được điểm 2.422m để ngày hôm sau chinh phục đỉnh 3.045m. Sức khỏe của
thành viên đoàn là trên hết, chúng tôi nghỉ chân tại độ cao 1.982m trong
một vách đá được người dân địa phương nơi đây dựng sẵn một lán nhỏ trú
đêm khi đi hái thảo quả (người Dao ở Hồ Thầu và Tả Lèng canh tác khá
nhiều thảo quả ở khu vực này).
Điều ấn tượng của chúng tôi khi bắt đầu
đặt chân lên cung đường trekking Pu Ta Leng là một khu rừng nguyên sinh
rậm rạp và xanh mát mắt. Những thân cây gỗ lớn nhiều người ôm phủ địa y
xanh rì đến gần 10cm, dây leo chằng chịt cũng mọc đầy địa y, thậm chí
nhiều đoạn có những thân cây khổng lồ gãy chắn ngang lối đi phủ rêu dày
đặc khiến khung cảnh không khác trong một câu chuyện cổ tích. Dọc đường
đi xuất hiện những cây dương xỉ khổng lồ y như trong những khu rừng từ
thời kỳ xuất hiện loài khủng long.
Đường đi cũng không phải là chuyện đơn
giản, rất nhiều đoạn dốc đứng và để leo lên chúng tôi phải bám vào những
bụi cây hai bên. Có đoạn lội qua suối với những tảng đá lớn chắn ngang.
Nhiều đoạn chúng tôi chỉ tiến được vài bước chân là phải dừng lại thở
lấy hơi, mặc dù để chuẩn bị cho chuyến đi, mọi thành viên đều đã tập
chạy bộ nhiều ngày cho quen với địa hình leo núi ở đây.
Bù lại, khung cảnh trong rừng quá đẹp,
đặc biệt là sự xuất hiện của những bông đỗ quyên màu tím, màu hồng phấn
và trắng dọc đường đi cũng phần nào làm vơi bớt mệt mỏi. Càng lên cao,
những trảng hoa đỗ quyên càng nhiều; dưới chân hoa rải kín trên những
tán lá, tảng đá. Nhìn ra xa bị choáng ngợp trước những cây đỗ quyên mọc
san sát, hoa nở bung như mời gọi chúng tôi đến với đỉnh Pu Ta Leng.
Càng lên cao, những trảng hoa đỗ quyên càng nhiều; dưới chân hoa rải kín trên những tán lá, tảng đá. Nhìn ra xa bị choáng ngợp trước những cây đỗ quyên mọc san sát, hoa nở bung như mời gọi chúng tôi đến với đỉnh Pu Ta Leng.
Buổi tối đầu tiên ở trong rừng, chúng
tôi nấu nướng và ăn tối trong chiếc lán làm dựa vào vách đá của người
dân địa phương. Ánh lửa từ củi bếp do Đức và Páo kiếm về cộng hưởng với
ánh sáng từ đèn pin chúng tôi mang theo cũng đủ làm cho cơn mệt mỏi ngày
đầu được xoa dịu sau bữa tối với thịt gà mua từ bản, rau củ mang từ
dưới Hà Nội lên.
Lặng người trước rừng đỗ quyên
Sáng ngày thứ hai, cả 5 thành viên đoàn
chúng tôi cũng đã hồi phục sau giấc ngủ ngon lành tối hôm trước. Cả
đoàn lại tiếp tục cuộc hành trình chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, và mục
đích thứ hai là được tận tay cầm những chùm đỗ quyên nở rộ mà theo lời
của hai porter Páo và Đức là trên đỉnh mọc rất nhiều đỗ quyên.
Chặng đường lúc lên dốc dựng đứng, lúc
lại dốc xuống và băng qua những con suối nhỏ. Đặc biệt là điểm có độ
cao 2.422m là nơi đoàn chúng tôi và hai đoàn trước chọn làm nơi quẳng
bớt đồ đạc lại và leo lên đỉnh cho nhẹ người, chỉ mang theo một ít đồ ăn
cho buổi trưa trên đỉnh. Vì đến tối sau khi chinh phục đỉnh 3.045m, cả
đoàn sẽ quay về đây nghỉ ngơi và ăn tối.
Bỏ bớt được một gánh nặng trên vai, thức ăn thì do Páo và Đức mang giùm. Tuy nhiên, vì chặng đường chinh phục đỉnh không hề dễ đi nên cảm giác mệt mỏi, thở dốc vẫn không hề giảm. Nhiều đoạn, chúng tôi vẫn phải dùng cả hai chân hai tay mà chúng tôi nói vui là dùng tứ chi để “lết”.
Gần 12h, chúng tôi đã gần chạm đến đỉnh ở
độ cao 2.922m đồng thời là nơi đoàn dừng chân và nghỉ ăn trưa. Từ độ
cao này, những cây gỗ và dương xỉ đã nhường chỗ cho vạt rừng trúc mọc
ngập đầu người. Những cây trúc có thân to bằng 2 - 3 đầu ngón tay người
lớn chụm lại, mọc kín mít lối đi trông rất đẹp mắt, cảm giác như chúng
tôi đang đứng trong khung cảnh bộ phim Thập diện mai phục.
Thấp thoáng trong vạt rừng trúc vẫn bắt gặp một vài cây đỗ quyên nở hoa tím sặc sỡ. Những đoàn đi trước đã phạt lối đi nhỏ giữa rừng trúc, tuy nhiên những đoạn trúc bị phạt bằng rao dựa đi rừng vẫn cao đều ống đồng hoặc đầu gối chân, đầu phạt cắt vát nhọn hoắt thi thoảng đâm vào chân đau nhói, buốt lên tận óc. Nếu chẳng may bị ngã cũng phải ứa nước mắt vì đau do gốc trúc đâm vào, dù có mặc quần rằn ri dày và đai nịt gọn gàng đến mấy. Gió trên độ cao gần 3.000m càng thổi mạnh, trên đầu vẫn hửng nắng vàng rực, cái lạnh vẫn chiếm ưu thế nếu có ai không khoác thêm một chiếc áo gió hoặc quấn khăn trên đầu trước cái gió lộng óc trên núi.
Ở điểm dừng chân 2.922m, chúng tôi dùng
bữa cơm trưa với cơm nguội từ tối hôm trước chấm với muối vừng, ăn kèm
với thịt heo rang và dưa chuột chấm muối gia vị. Trên đầu là những chùm
hoa đỗ quyên che bớt cái nắng gay gắt trên đỉnh núi cao.
Từ độ cao này, chúng tôi đã có thể nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Pu Ta Leng cách đó không xa đang tung bay phần phật trước gió. Mọi người tính ngồi nghỉ ngơi thì một thành viên trong đoàn reo toáng lên khi chứng kiến cảnh cả vạt núi phủ kín hoa đỗ quyên. Cả bọn không ai bảo ai, chúng tôi nhất loạt đứng bật dậy và nhanh chóng trèo lên một cây đỗ quyên cạnh đó, để rồi bị choáng ngợp trước cảnh tượng trước mắt mình, một tấm thảm đỗ quyên màu hồng phấn và tím đẹp đến nao lòng. Ai nấy đều háo hức trèo lên thật cao để nhìn được xa hơn và thu vào tầm mắt nhiều hơn những mảng sườn núi được dát bởi hoa đỗ quyên.
Chúng tôi như choáng ngợp trước cảnh tượng trước mắt mình, một tấm thảm đỗ quyên màu hồng phấn và tím đẹp đến nao lòng.
Như được tiếp thêm năng lượng và quyết
tâm để chinh phục nốt chặng đường ngắn còn lại, chỉ chưa đầy hai tiếng
đồng hồ sau, lúc 14h15 phút chúng tôi đã chạm đỉnh 3.045m và sung sướng
ôm hôn lá cờ đỏ sao vàng mà hai đoàn trước đã mang lên. Đoàn chúng tôi
cũng đã chuẩn bị sẵn một lá cờ khác và buộc vào một ngọn cây trên đỉnh
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” với niềm tự hào và dâng lên tình yêu Tổ
quốc vô bờ. Từ trên đỉnh Pu Ta Leng, hướng mắt nhìn xuống độ cao 2.922m
chúng tôi mới nghỉ chân ăn trưa, màu tím của những vạt hoa đỗ quyên trở
nên nhỏ bé và gần như lẫn vào với màu xanh thẳm của cây rừng xung quanh.
Trước mắt chúng tôi cũng có thể nhìn thấy ngọn Bạch Mộc Lương Tử (cao 2.998m), cùng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn với Fansipan, Pu Ta Leng hay Phu Song Sung. Nhưng có lẽ chúng tôi phải hẹn Bạch Mộc Lương Tử trong một dịp khác bởi vẫn còn đang quá ngây ngất với những gì mà Pu Ta Leng mang lại lúc này.
Lối về là rừng cổ tích
Trên đường xuống, chúng tôi quay trở lại
điểm dừng chân ở độ cao 2.422m lúc 17h10, dựng trại, nhóm củi và say mê
bên dòng suối đẹp như mơ chảy cạnh đó. Ngắm nhìn khung cảnh quá đỗi
lung linh ở đây, dù đã hơn 5 giờ chiều nhưng vẫn còn những vạt nắng
vương rớt lại tạo cho cảnh vật càng thêm kỳ ảo. Nước ở dòng suối này
cũng giống như bất kỳ con suối nào trong khu vực mà chúng tôi đã đi qua,
lạnh buốt và ngọt lừ.
Chúng tôi thoát khỏi cơn khát cũng nhờ nước từ những con suối như thế. Tuy vậy, không thành viên nào trong đoàn dám tắm vì nước quá lạnh và buốt, dù nhiệt độ ngoài trời có nóng đến mấy. Tối hôm đó chúng tôi còn được thưởng thức trăng rừng đúng nghĩa. Trời càng về khuya, ló đầu ra khỏi trại thấy cánh rừng sáng bàng bạc, ngước lên thì thấy trăng sao vằng vặc cả bầu trời.
Sáng hôm sau, 8h chúng tôi khởi hành
xuống núi theo hướng Tả Lèng chứ không quay lại điểm xuất phát là Hồ
Thầu. Theo lời porter và hai đoàn trước, đường xuống theo lối Tả Lèng
không nhiều dốc lên xuống như lối Hồ Thầu mà chỉ có dốc xuống, đường dài
và phải mất một ngày đi bộ mới xuống đến nơi. Bù lại, cảnh rừng già
nguyên sinh độc đáo và đẹp mắt chính là điều hấp dẫn chúng tôi chọn lối
về theo hướng này, thêm vào đó là việc chúng tôi cũng sợ cảnh phải trèo
lên những điểm dốc như hai ngày đầu.
Quả thực, đường xuống theo hướng Tả Lèng đã chiêu đãi chúng tôi bằng cảnh vật đẹp quá sức tưởng tượng. Cây cối rậm rạp xanh mát, rêu và địa y phủ dày trên thân cây, trên các tảng đá trên lối đi hoặc bên bờ suối. Ở đây đã có sẵn đường mòn và thoai thoải, cây cối mọc theo lối thảm rừng thưa ôn đới ở châu Âu vô cùng đẹp mắt và thoáng đãng. Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp những vạt rừng trồng thảo quả của đồng bào người Dao và Mông ở đây. Lá thảo quả xanh mướt màu cốm mà nhiều người sẽ dễ nhầm là cây dong riềng hoặc cây lá dong gói bánh chưng. Bên cạnh những vạt rừng thảo quả luôn có sẵn chiếc lán nhỏ dùng làm lò sấy thảo quả sau khi thu hoạch về.
Trên đường về chúng tôi vẫn thi thoảng
bắt gặp những cánh hoa đỗ quyên màu vàng rơi rụng trước mặt. Khác với đỗ
quyên hồng, trắng hay tím thường mọc thành những cây gỗ nhỏ và thấp
khoảng 2m, đỗ quyên màu vàng thường lại là những cây gỗ cổ thụ cao hàng
chục mét, rất khó để có thể nhìn thấy một chùm hoa đỗ quyên ở trên cao
vì màu sắc của hoa dễ lẫn với ánh sáng của nắng.
Gần 5h chiều, chúng tôi cũng đã “lết” được đến đường quốc lộ ở địa phận xã Tả Lèng để bắt xe khách trở lại Hà Nội. Tạm biệt hai anh chàng porter thật thà chân chất và tốt tính, chúng tôi mỗi người ai nấy lại trở về với công việc công sở thường nhật của mình ở thành phố, nhưng ai cũng đều mãn nguyện sau chuyến chinh phục thành công ngọn núi cao thứ hai của Việt Nam.
Và một điều đặc biệt khác, đó là chúng
tôi đã đi đúng dịp hoa đỗ quyên nở rộ ngút tầm mắt mà có lẽ sẽ hiếm có
dịp nào được như trong hành trình chinh phục Pu Ta Leng lần này.
Thông tin thêm:
+ Cung đường khám phá: Hà Nội – Hồ Thầu – Pu Ta Leng – Tả Lèng – Hà Nội.
Để đến Pu Ta Leng, có một cách duy nhất là bắt xe đi Lai Châu ở Hà Nội tại bến xe Mỹ Đình. Thường có nhiều chuyến vào lúc 8h tối hàng ngày, xe khách giường nằm Hải Âu được nhiều người chọn vì giá cả phải chăng (300.000 đồng/người). Dọc đường xe dừng cho khách ăn đêm lúc 23 – 24h.
+ Đến địa phận xã Hồ Thầu của Lai Châu,
bạn sẽ cùng porter địa phương ở bản Pô bắt đầu chinh phục đỉnh Pu Ta
Leng. Ngày đầu cố gắng leo được đến điểm 2.422m để quẳng lại bớt đồ đạc
không cần thiết và là nơi nghỉ chân qua đêm. Ngày hôm sau chinh phục nốt
đỉnh 3.045m và trở lại nghỉ đêm ở điểm cũ 2.422m.
+ Ngày thứ 3 khởi hành xuống núi theo hướng Tả Lèng (cũng có thể trở về theo lối xuất phát ở Hồ Thầu) để về Hà Nội.
+ Đồ đạc, vật dụng thiết yếu nên mang theo gồm thức ăn cho 3 ngày trong rừng, mang rau củ chứa nhiều nước như su hào, cà rốt, củ đậu, dưa chuột. Hạn chế mang rau vì dễ bị dập nát trong quá trình mang vác khi leo núi. Không nên mang thức ăn đồ hộp vì không thiêu hủy được, dẫn đến việc vứt lại gây ô nhiễm.
Bát đũa, đồ đựng bằng nhựa dùng xong sẽ
được thiêu hủy. Mang theo chai không để đựng nước vì có nhiều suối trên
đường leo núi. Lều bạt, áo mưa và trang phục chuyên dụng đi rừng, leo
núi. Củi do porter kiếm sẵn có ở trong rừng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét