|
|
Một lễ cúng tại sân Tiên Trưởng chùa Hiệp Minh. |
(TBKTSG Online) - Ở trung tâm thành phố Cần Thơ có những ngôi chùa cổ
ra đời hàng trăm năm trước, không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng mà còn
chữa bệnh cứu người, tế độ chúng sinh. Hãy cùng chúng tôi ghé thăm chùa
Hiệu Minh (Đàn Tiên Cái Khế) - một ngôi chùa như vậy.
Cách đây hơn trăm năm, khi đời sống cư dân vùng Phong Dinh, Cần Thơ còn
thiếu thốn trăm bề, mỗi khi đau ốm người dân chỉ biết dựa vào những
phương thuốc gia truyền, dùng cây cỏ chạy chữa. Kiến thức về y học,
phòng và chữa bệnh gần như là con số không. Gặp chứng nan y, người ta
thường hay tìm đến những sức mạnh thần bí, tâm linh để cầu sự bình an.
Sự thật thì cũng đã có rất nhiều trường hợp nhờ hiệu ứng của yếu tố tâm
lý và đức tin vào tâm linh giúp cho nhiều người khỏi bệnh.
Người xưa kể lại, đã có những cảnh tượng hãi hùng trong một đêm hoảng
loạn vì bệnh dịch tả hoành hành, người ta phải tất tả đốt đuốc chạy
ngược xuôi, đánh mõ cầu cứu liên hồi, để cầu mong tìm được thuốc thang
cứu người. Có khi mỗi buổi sáng, xóm làng thất thần nghe tin có đến hàng
chục người chết.
|
Rạch Cái Khế, quận Ninh Kiều, Cần Thơ. |
Ngay ở khu vực quanh rạch Cái Khế, Cần Thơ và các vùng phụ cận, tuy là
gần thị tứ nhưng phương tiện giao thông vô cùng trắc trở. Kênh mương
chằng chịt, đường đất thì hoang vu, thiếu ánh sáng…
Những ngôi chùa ra đời vì nhu cầu tế độ
Chùa Minh Sư (hay còn gọi là Đức Tế Phật đường) tức Nam Nhã đường hiện
nay tại làng Bình Thủy, thành phố Cần Thơ được xây dựng vào đầu thế kỷ
XX, do Lão Thái Nguyễn Giác Duyên lập nên. Vị trụ trì chùa lúc đó là
Pháp sư Kinh thường họp mặt một số thân hào nhân sĩ, trí thức giỏi chữ
tìm thú vui thanh tao như đánh cờ, uống rượu, ngâm thơ, xướng họa và
thỉnh tiên. Việc lập đàn cầu cơ thỉnh tiên chủ yếu là để dạy đạo và cho
thuốc chữa bệnh, cứu người.
Ông Phạm Ngọc Ngưu người tại Long Xuyên thường hay lui tới các nơi tổ
chức thỉnh tiên này tại Bình Thủy và tại Long Xuyên chủ yếu tìm hiểu về
đàn cơ và nhất là xin thuốc chữa bệnh nan y cho người nhà. Đàn Cơ là một
buổi lễ cầu cơ thỉnh Phật Tiên Thánh Thần giáng đàn qua hình thức cơ
bút. Ông quyết định xây dựng một ngôi chùa của riêng mình để cho bà con
dòng họ và người dân quanh vùng có nơi tu học và nhất là cầu xin thuốc
chữa bệnh.
|
Cầu Nhị Kiều trên đường Trần Hưng Đạo, bắc qua rạch Cái Khế; trước đây được gọi là “Cầu Đôi Mới”. |
Vào thời gian đó tại thị xã Cần Thơ chỉ mới có hai ngôi chùa thờ Phật
là chùa Thới Long của gia đình điền chủ trí thức Lâm Văn Phận (thầy giáo
Phận, thân phụ bà Lâm Thị Phấn, hình mẫu nhân vật chính của phim Người
đẹp Tây Đô) sáng lập ở gần cầu Đôi Mới (tức cầu Nhị Kiều hiện nay) và
chùa thứ hai là chùa Cây Bàng trong khu chợ Cả Đài.
Ban đầu, ông Phạm Ngọc Ngưu xây dựng một đàn tế để thỉnh Phật, thỉnh
Tiên. Đàn có tên là chùa Quang Xuân, được xây dựng ngay sau khu vườn nhà
của ông ở số 89/16 đường Paul Emery nay là đường Huỳnh Thúc Kháng. Đàn
được xây dựng đơn sơ bằng cây ván, lợp lá với sàn gỗ cao, có thang lên
xuống hai bên. Kiến trúc đàn tế thời kỳ đó tuy giản đơn, mộc mạc nhưng
tôn nghiêm, thanh tịnh, chủ yếu là để tổ chức đàn cơ thỉnh Phật, thỉnh
Tiên.
|
Tháp nhốt quỷ bên phải chánh điện chùa Hiệp Minh. Truyền thuyết xưa
kể rằng, trong vùng có người bị quỷ nhập, vị pháp sư dùng roi dâu để
trục quỷ ra khỏi người bệnh. Quỷ lại tìm đến nhập vào người khác cũng ở
trong vùng, vị pháp sư dùng ấn chú bắt và nhốt vào ngôi tháp trong sân
chùa để ngày ngày quỷ nghe kinh Phật mà tu niệm. |
Đàn cơ đầu tiên được tổ chức vào đêm mồng Một tháng Bảy năm Đinh Mùi (1907).
Theo năm tháng, chùa được tu bổ và tôn tạo dần vào các năm 1910 và 1930
với tường gạch, mái ngói, nền gạch bông thoáng mát rộng rãi. Chùa Quang
Xuân chính là cội nguồn của đàn Tiên ở Cần Thơ.
Trong vùng có ông Phan Thông Lý, thường gọi là ông Cả Lý, cũng sống tại
ven bờ rạch Cái Khế thuộc làng Thới Bình, Cần Thơ là người bên vợ của
ông Phạm Ngọc Ngưu. Ông Cả Lý có người con út tên là Phan Thông Sung
(Chín Sung) mắc bệnh á khẩu cứng hàm trầm trọng. Trong thời kỳ đó, bệnh
như thế này là hết phương cứu chữa cho dù gia đình đã tìm thầy, chạy
thuốc khắp nơi. Trong hoàn cảnh cùng kiệt đó, có người láng giềng đến
mách bảo với ông bà Cả Lý nên đến chùa Quang Xuân cầu đàn xin thuốc chữa
bệnh cho con. Nghe vậy, ông bà liền đến chùa Quang Xuân xin sám hối và
tâm thành khẩn cầu tổ chức đàn cơ để xin thuốc. Ơn trên đã không phụ
lòng thành của ông bà, ban thuốc chữa bệnh, ông Chín Sung dần khỏi bệnh.
Nhà ông bà Cả Lý tạ ơn trên bằng việc hiến cúng 6.000 mét vuông đất để
cất thêm một ngôi chùa mới cho chính dòng họ mình, đó là chùa Chánh
Minh. Phần đất này, mặt sau giáp ranh chùa Quang Xuân, cách con mương
chưa đầy 3 mét, nhưng phía mặt tiền đường Huỳnh Thúc Kháng thì cách nhau
đến 200 mét.
Giữa năm Tân Hợi (1911) chùa Chánh Minh được dựng đơn sơ bằng cây ván,
lợp lá, sàn gỗ cao, có thang lên xuống. Mãi đến năm 1916, chùa Chánh
Minh mới được xây dựng trên phần đất hiến của ông Cả Lý theo đơn xin
phép xây đàn và xin phép cúng đề ngày 8 tháng 8 nằm 1916 bởi quan tổng
Định Bảo và tỉnh Cần Thơ thông qua hội đồng hương chức làng Thới Bình.
|
Hậu liêu và sân sau chùa Hiệp Minh. |
Về sau, chùa Chánh Minh được đổi tên là chùa Hiệp Minh và được xây dựng
lại năm 1932 bằng vật liệu kiên cố và được tôn tạo vào các năm 1942,
2003, 2009… Chùa Hiệp Minh hay đàn tiên Cái Khế là cái nhánh sinh ra từ
chùa gốc là chùa Quang Xuân.
Bài viết này nói về chùa Hiệp Minh trong cụm chùa gọi là Đàn Tiên (gồm
chùa Quang Xuân và chùa Hiệp Minh) vì chùa Hiệp Minh là nơi duy nhất còn
lưu giữ nguyên vẹn gốc tích Tiên đàn. Chùa Hiệp Minh ở địa chỉ số 97
đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, thành phố Cần Thơ. Chùa Đàn
Tiên, vườn Thầy Cầu, chợ Tham Tướng, dinh Ông Lớn… là các địa chỉ cùng
thời với tên các con đường xưa mang tên Hàng Dừa, Hàng Dương, Hàng Bã
Đậu…
Con đường Huỳnh Thúc Kháng hay chợ An Nghiệp ngày nay, vốn xưa kia là
đường Cống Quỳnh với chợ Mít Nài. Cái tên Mít Nài được gọi đến nay do
vùng này ngày xưa có trồng rất nhiều cây mít nài. Cây mít nài cao, to
như cây sa kê. Trái thì trông giống trái mít nghệ hay mít tố nữ nhưng
bên trong không có múi mít, chỉ toàn là hột. Hột mít nài béo, ngon hơn
hột mít thường. Nhưng muốn ăn hột mít nài, người ta phải chờ cho đến khi
trái mít nài chín, nó tự rụng xuống, hột văng ra. Lúc đó hột mít nài
mới thật sự ngon. Vì vậy mà ngày xưa người vùng này trồng nhiều mít nài
và dùng hạt mít nài để nấu các món ăn như ragu, bò kho…
|
Rạch Cái Khế và dãy nhà ven bờ rạch quay mặt vào đường Cống Quỳnh xưa, nay là đường Huỳnh Thúc Kháng, nơi họp chợ Mít Nài. |
|
Chợ Mít Nài có bán nhiều loại rau vườn (rau tạp tàng), cá đồng (cá tép đánh bắt tự nhiên) và các loại cây lá thuốc trị bệnh. |
|
Trái mít nài khi chín, rụng, rơi xuống đất. Hột mít văng ra sẽ ngon
hơn khi còn trên cây và được dùng để nấu các món ăn truyền thống. |
Khám phá di tích Đàn Tiên
|
Bài: Lâm Văn Sơn - Ảnh: Kim Dung
|
|
|
|
Sân Tiên trưởng chùa Hiệp Minh. |
(TBKTSG Online) - Cái tên Đàn Tiên và chợ Mít Nài thỉnh thoảng vẫn còn
đượcnhững người sống lâu ở Cần Thơ nhắc đến để chỉ chỗ đến cho xe ôm và
xe lôi. Người địa phương đôi khi cũng thường nhầm lẫn giữa tên Đàn Tiên
và Nàng Tiên vì ít người biết đến ý nghĩa của Đàn Tiên.
.
Đến chùa Đàn Tiên (chùa Hiệp Minh số 97, đường Huỳnh Thúc Kháng, phường
An Nghiệp, TP. Cần Thơ - nơi còn lưu giữ nguyên vẹn gốc tích Tiên đàn),
trước hết du khách sẽ đi qua cổng tam quan. Tam quan vẫn còn giữ được
cánh cổng từ xưa làm bằng sắt tròn rất chắc chắn (do Sở Công Chánh thời
Pháp thiết kế) gồm hai cánh kéo vào. Cổng được tôn tạo thành tam quan
xây lại bằng gạch, vòm cong, mái đúc vào tháng 6 năm 2009. Cổng được
trang trí bằng hoa văn họa tiết theo kiến trúc Phật giáo. Mặt ngoài và
trong của cổng chính lẫn cổng phụ đều có câu đối ngụ ý tu tâm dưỡng tánh
hướng về Phập pháp và Tiên đàn.
|
Từ bên kia đường Huỳnh Thúc Kháng nhìn sang thấy cột phướn vươn cao,
cổng và lối vào chùa bị che khuất bởi dãy nhà ven bờ sông. |
Ở cổng chính bên ngoài có cẩn hai câu đối: Hiệp tánh lưu truyền tâm trí tuệ / Minh tâm gìn giữ đạo từ bi.
Và bên trong cũng có cẩn hai câu đối: Hiệp tâm học hỏi muôn lời kệ / Minh tánh trau giồi vạn ý kinh.
Bên ngoài hai bên cổng phụ có ghi bốn chữ “Trí tuệ - Từ bi” và hai câu đối:
Đàn lâm đệ tử thành tâm nguyện / Tiên đạo chúng sanh thiện ý nguyền.
Và bên trong hai cổng phụ cũng có ghi bốn chữ “Tu tâm - Dưỡng tánh” và hai câu đối:
Bồng lai tạm kiểng bền tâm giữ / Đệ tử Tiên Đàn gắng chí tu.
Đi thẳng vào trong chừng vài chục mét với hàng cây kiểng hai bên du
khách sẽ bắt gặp một cây cột phướn trước sân chùa, cao 25 mét. Cột phướn
được xây dựng vào năm 1935 do đốc công Trần Quang An hiến cúng.
|
Cột phướn cao 25 mét được xây dựng năm 1935 trước sân chùa Hiệp Minh. |
Tương truyền rằng, một hôm, xe hơi riêng của ông An đang trên đường đi
công tác bỗng dưng gặp một con kỳ đà to lớn bò ra cản đầu xe. Cùng lúc
đó, phía trước đường, nơi xe ông sắp đi tới có xe gặp tai nạn chết
người. Ông An về nhà kể cho mẹ nghe. Bà cho đây là một ‘điềm’ tốt lành,
giúp cho con bà thoát nạn. Bà dạy ông Trần Quang An về chùa sám hối và
nguyện cúng cột phướn trước sân chùa để tạ ơn cứu nạn.
Thời điểm này, với chiều cao 25 mét đứng sừng sững giữa không gian mênh
mông của vùng rạch Cái Khế, cột phướn chùa Hiệp Minh như một kỳ tích về
mặt kiến trúc và mỹ thuật. Cột được đúc bằng bê tông cốt thép hình bát
giác, vòng tròn chân cột vừa cả hai người ôm. Đỉnh cột có cán treo phướn
được kéo lên bằng dây cáp với ròng rọc thép. Lá phướn dài hơn 8 mét,
rộng gần 60cm cột vào đầu phướn bằng gỗ được chạm trỗ rất công phu. Thân
phướn bằng vải có viết cân đối dòng chữ Nho “Nam mô A Di Đà Phật - Đại
phóng hào quang - Chứng minh”.
Vào dịp tết Nguyên Đán hàng năm, người ta “thượng phướn” từ ngày 30
tháng Chạp và “hạ phướn” vào hết ngày rằm tháng Giêng năm mới. Riêng
những ngày đại lễ Vu Lan hàng năm, phướn được treo từ mồng Một đến hết
tháng Bảy. Đến năm 2009, cột phướn được tôn tạo về mỹ thuật, làm thêm mô
hình tòa sen sơn nhũ vàng ở chân cột; thân cột cao, thẳng vút được ốp
bằng cánh sen nhũ vàng suốt lên tới đỉnh. Đỉnh cột được tạo hình đầu
rồng cũng sơn nhũ vàng.
Đi thẳng vào trong chừng mười mét, du khách đến với hậu liêu. Trước hậu
liêu là tượng Phật Quan Âm lộ thiên. Hậu liêu có 3 gian rộng và thoáng.
Chính giữa là hương án thờ Phật Quan Âm bằng gỗ quý được chạm trổ công
phu và thếp vàng. Phần đỉnh mái hậu liêu có tượng rồng chầu và xa luân
tám cánh nhũ vàng. Hậu liêu là nơi thường xuyên tổ chức lễ cầu an, cầu
siêu. Đặc biệt trong lễ tạ ơn Tiên Phật và Tiền vãng vào đêm 16 tháng
Bảy (âm lịch) hàng năm có lễ dâng vật phẩm xôi, chè, bánh xếp, rượu,
trà… với các bài phụng đặc trưng của Đàn Tiên.
Sau hậu liêu là sân Tiên trưởng. Sân Tiên trưởng chùa Hiệp Minh là một
quần thể kiến trúc gồm sân kiểng và bàn Tiên trưởng. Khu sân có các cây
kiểng quý hiếm có tuổi thọ đến trăm năm như kim quít, tùng, bách, sộp,
khế, liễu… tô điểm cho vẻ thanh tao siêu thoát tựa chốn tiên bồng nên
còn được gọi là ‘Bồng lai tạm kiểng’. Bàn Tiên trưởng được bày trí ngay
trung tâm sân. Bàn Tiên trưởng gồm 1 bàn và 2 trường kỷ đúc bằng xi
măng, mặt cẩn gạch men (mua từ bên Pháp) được đặt trên một bục cao gần
mét. Bàn Tiên trưởng là nghi thờ các vị Thánh Tiên về ngọan cảnh và
chứng đàn.
Tại đây, hàng năm đều tổ chức cúng ngoài trời đọc kinh Tiên Đàn. Hiện
chùa Hiệp Minh còn giữ bản gốc kinh Tiên Đàn bằng gỗ trầm khắc chữ Hán
trên hai mặt. Ngoài ra còn rất nhiều tài liệu quý về thuốc trị bệnh cứu
người vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.
Giữa Sân Tiên trưởng và chánh điện là hòn non bộ. Chùa Hiệp Minh có hai
hòn non bộ. Một trước chánh điện và một sau lưng chánh điện. Hòn non bộ
là một kiến trúc mỹ thuật độc đáo được xây dựng kiên cố vào năm 1927.
Đá trang trí được mang về từ Nha Trang. Nhóm kỹ thuật làm hòn non bộ là
nghệ nhân từ Gò Công. Hòn non bộ cao hơn 6 mét nằm gọn trong hồ nước
được xây dựng bằng đá tảng. Hòn non bộ như một hòn núi nhỏ trên có nhiều
lối đi ngoằn ngoèo theo triền núi với những kiểng chùa thanh vắng,
những hang động và thú rừng… Hòn non bộ như một cảnh tiên thoát tục của
cõi thanh tịnh, vô vi.
|
Một lễ cúng có nghi thức kinh hành ở chùa Hiệp Minh. Các vị bậc Tam,
Tứ diệu cầm phang Phật đi vòng chung quanh bên trong chánh điện. |
Chánh điện chùa Hiệp Minh được xây trên nền gạch cao 1 mét, chiều dài
khoảng 40 mét, rộng 15 mét, theo hướng đông-tây, tường gạch mái ngói có
lợp trần; đã được tôn tạo vào các năm 2003, 2009 với nền gạch men sáng
sủa, các nghi thờ, các bức hoành phi liễn đối bằng gỗ mun chạm khắc tỉ
mỉ và được sơn son thếp vàng. trên nóc được đúc hình rồng trang trí hoa
văn, hoạ tiết và xa luân tượng trưng cho bát chánh đạo.
Chánh điện được chia làm hai phần thờ phụng. Phần phía trên chánh điện
được thiết kế các nghi thờ Phật Thích Ca, Ngọc Hoàng Thượng đế, Thập
Điện Minh vương. Phiá dưới chánh điện thờ Phật Dược Sư, Công Đồng Vương
Thiên sứ, và bàn ở giữa thờ hai vị tổ sư là Từ Đạo Hạnh (tức Việt Nam Từ
Đại Công Vương Bồ Tát) và Nguyễn Giác Hải (tức Việt Nam Nguyễn Đại Công
Vương Bồ Tát). Đây là hai vị bồ tát đã giáng đàn dạy đạo ngay từ những
ngày đàn cơ đầu tiên tại hai chùa Quang Xuân và Hiệp Minh. Các hương án
khác thờ các bậc tiền vãng Đàn Tiên (tiền vãng là những người có công
với hai chùa Quang Xuân và Hiệp Minh) và bàn thờ Sứ Giả Tịnh đàn.
Bàn Sám chủ là vị chủ lễ đặt giữa gian và đặt trước nghi thờ Phật. Phiá
đối diện sau lưng có Bửu Pháp tòa là đôn ngồi chứng minh của pháp chủ
chánh sám trong những ngày có lễ cúng quan trọng.
|
Các Phật tử mới quy y và Phật tử bậc Nhứt, Nhị diệu mặc áo tràng màu trắng. |
Phật tử của chùa Đàn Tiên đều mặc áo tràng toàn màu trắng. Bên trong
cũng là y phục màu trắng, trên đầu đội khăn màu đen có giắt hoa tươi.
Bậc tam diệu, tứ diệu cũng mặc y phục màu trắng bên trong, bên ngoài là
áo tràng màu vàng, trên đầu đội khăn màu vàng có giắt hoa tươi.
Ngoài ra còn có cấm phòng là nơi các dành cho các đệ tử của chùa nhập thất luyện đạo, trai đường, và bửu tháp…
Chùa Hiệp Minh được gọi là Đàn Tiên vì ngay lúc mới thành lập, các vị
trí thức nhân sĩ và những người sáng lập chùa thường tổ chức lập đàn cầu
cơ. Các vị Đại Tiên giáng đàn trong đó có Lý Thái Bạch, Trần Đoàn đàm
luận thi văn với các bậc túc nho đường thời.
Nhà văn Sơn Nam, trong sách 'Danh thắng Miền Nam', đã viết: “Hồi
những năm đầu của thế kỷ này (thế kỷ XX) Cần Thơ là nơi nổi danh với đạo
tu tiên, cụ thể là việc cầu cơ. Thí dụ như đình Bình Thủy thờ ông Đinh
Công Chánh, còn Đàn Tiên Cái Khế thì thỉnh mời chư Tiên về cho thi phú…”.
|
Thất trùng hàng thọ bao quanh chánh điện chùa Hiệp Minh với hoa kiểng bốn mùa xanh tươi. |
Cảnh trí của chùa Hiệp Minh là vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo
với thiên nhiên, tạo nên cảnh quan tĩnh mịch với những giai thoại tiên
thiên. Với vẻ đẹp tự nhiên vừa trầm mặc thoát tục, vừa thanh tao thi vị
Đàn Tiên một thời gắn với tuổi thanh xuân của các cựu học sinh của vùng
nhất là học sinh trường Phan Thanh Giản, trường Đoàn Thị Điểm. Đàn Tiên
Cái Khế được ghi chép trong sách ‘Cần Thơ xưa và nay’ của tác giả Huỳnh
Minh, được nhiều người biết đến như một địa chỉ thiêng liêng, nơi bồng
lai tiên cảnh của một thời kỳ.
Chùa Hiệp Minh (hay Đàn Tiên Cái Khế) dù trải qua bao nhiêu năm tháng
thăng trầm nhưng vẫn giữ được nghi thức tôn giáo truyền thống và khung
cảnh yên tĩnh, tôn nghiêm cho đến nay. Với lịch sử trên trăm năm, chùa
Hiệp Minh như một di sản văn hoá, với thất trùng hàng thọ như một mảng
xanh giữa lòng thành phố giúp con người tịnh tâm trước dòng đời bất
tịnh.
Chùa Đàn Tiên tính đến nay cũng đã trên 100 tuổi (1911-2013) cũng là
một trong những điểm đến du lịch viếng chùa, lễ Phật, tìm hiểu gốc tích
Tiên Đàn ở Cần Thơ trong tương lai gần khi chợ An Nghiệp nằm trên đường
Huỳnh Thúc Kháng hiện nay được sắp xếp chỉnh trang lại thuận tiện cho
việc đi lại cho du khách gần xa.
|
|
Kỳ sau: Khám phá di tích Đàn Tiên.
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét