Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Về Cần Thơ thăm nhà cổ Thuận Hưng

Lâm Văn Sơn








Nhà cổ Thuận Hưng nhìn từ bên ngoài gồm kiến trúc ba gian hai chái, diện tích nền nhà gần 200 mét vuông. Ảnh: Lâm Văn Sơn
(TBKTSG Online) - Từ quốc lộ 91 theo hướng từ Cần Thơ đi Long Xuyên chừng 30km, rẽ phải vào thêm 3km về phía sông Hậu là đến trung tâm phường Thuận Hưng, thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Nhìn ngang qua sông chỗ Thuận Hưng là cù lao Tân Lộc.
Dọc theo tuyến đường bộ và đường sông này, đi qua các quận Ô Môn, Thốt Nốt, cù lao Tân Lộc, rất nhiều nhà cổ có kiến trúc theo nhiều thời kỳ khác nhau. Tiền nhân của cư dân vùng này đã theo Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và các vị công thần triều Nguyễn vào Nam mở mang bờ cõi, định cư lập nghiệp gầy dựng nên.

Từ khu chợ quê của Thuận Hưng rẽ trái chừng 150 mét, cũng về phía bên trái, du khách sẽ gặp một ngôi nhà toàn bằng gỗ có kiến trúc nhà xưa Nam bộ, trước nhà có sân gạch Tàu rộng rãi; đó là ngôi nhà cổ ở số 52, ấp Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ; chủ nhân là ông Nguyễn Phùng Sanh, thường gọi là bác Mười Giai.
Tên gọi “nhà cổ Thuận Hưng” trở nên quen thuộc từ khi khách du lịch thường tìm đến tham quan ngôi nhà đặc biệt này; hiện vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc và nội thất của một ngôi nhà đã tồn tại gần trăm năm tọa lạc gần ngôi đình Thuận Hưng, trung tâm văn hóa và tín ngưỡng dân gian của cộng đồng cư dân địa phương.
Đình Thuận Hưng. Ảnh: Lâm Văn Sơn
Vị trí đình Thuận Hưng thuộc Tân Phú, phường Thuận Hưng ngay trước khu chợ. Đình được hình thành vào năm 1845, có tên gọi “Tòa Miếu Võ”, đến năm 1848 miếu được nâng cấp thành đình. Vùng này được đặt tên là Tân Thuận Đông, lúc đó đình cũng mang tên gọi của vùng là đình Tân Thuận Đông.
Đến ngày 11/12/1935, làng Tân Thuận Đông lại sáp nhập với làng Tân Hưng thành làng Thuận Hưng, đình Tân Hưng được dời theo về sáp nhập với đình Tân Thuận Đông, lấy tên gọi chung là đình Thuận Hưng, có nghĩa là Thuận hòa - Hưng thịnh. Tên gọi đó được lưu giữ cho đến nay.
Giữa năm 1848, ông Lê Văn Liễu cùng một số dân làng lên đường ra tận kinh đô Huế, dâng sớ lên nhà vua xin được cấp sắc thần để thờ phụng. Vua Tự Đức đã phong sắc cho đình là “Bổn Cảnh Thành Hoàng”. Từ khi có sắc thần, dân chúng làm ăn ngày càng phát triển, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống yên ổn, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Phùng Sanh, chủ nhân nhà cố Thuận Hưng. Ảnh: Hải Đăng
Nhà cổ Thuận Hưng được xây dựng từ năm 1925, sau khi có đình Tân Thuận Đông do ông Nguyễn Văn Hổ là ông nội của ông Nguyễn Phùng Sanh xây dựng. Ngôi nhà gồm kiến trúc ba gian hai chái. Ban đầu còn có thêm hai nhà phụ cất năm 1938; đến năm 1964, gia đình lại dỡ hai nhà phụ ra để chia vật liệu của hai nhà đó cho con cháu xây cất nhà ra riêng.
Ngôi nhà hiện nay có dáng dấp kiến trúc nhà rường truyền thống Nam bộ. Mái nhà lợp ngói móc, vách bằng ván gỗ. Mặt tiền quay về hướng Đông, hướng của mọi điều tốt lành. Diện tích nền nhà gần 200 mét vuông.
Cổng nhà rộng khoảng hai mét, nằm phiá bên phải ngôi nhà. Con đường vào nhà cũng phía bên phải chạy thẳng từ cổng vào. Sân nhà cổ rộng khoảng 300 mét vuông, chiều dài của sân trên 20 mét, rộng khoảng 15 mét được lót gạch Tàu. Trước nhà có hàng chậu kiểng, tô điểm thêm vẻ đẹp trang trọng của ngôi nhà.
Nội thất nhà cổ Thuận Hưng. Gác trên cao chính giữa nhà là cái khánh thờ (nhìn như kiệu để khiêng) cất giữ sắc thần đình làng Thuận Hưng. Ảnh: Lâm Văn Sơn
Điều khác lạ của ngôi nhà này là hàng cột hiên lại được đặt trên nền sân thay vì trên nền nhà. Mặt sân lại thấp hơn nền nhà tạo nét khác biệt trong kiến trúc, để xử lý không gian chuyển tiếp từ sân vào nhà. Kiến trúc này là cách làm có ý nghĩa làm mát đi không khí chuyển vào nhà, làm giảm mưa, giảm nắng tạt xiên vào nhà, một trong những kiến trúc được sử dụng ở vùng khí hậu nhiệt đới.
Lối chính vào nhà có bậc tam cấp, độ cao của bậc tam cấp cao vừa phải nhưng hơi hẹp bước chân, do đó mỗi khi đặt bước lên tam cấp vào nhà ai ai cũng phải cúi xuống nhìn. Không biết người xưa thiết kế bậc tam cấp này có dụng ý không, nhưng điều này vô tình lại là động tác cúi đầu khi bước vào, như một nghi thức cúi chào bàn thờ tổ tiên đặt giữa gian nhà chính.
Nhà có 4 hàng cột. Mỗi hàng có 6 cột. Tất cả các cột đều có đế kê chân bằng đá. Các đầu kèo phiá ngoài được chạm khắc hình đầu chim phụng. Trong nhà, 6 cặp liễn đối chữ Hán cẩn ốc xà cừ trên nền đen của gỗ căm xe, có nội dung dạy dỗ con cháu. Ngôi nhà tuy mang màu gỗ đơn giản nhưng nội thất trông uy nghi sang trọng của một thời kỳ hưng thịnh. Đặc biệt nhất của phòng khách là bộ thập bát ban võ nghệ gồm những binh khí thể hiện uy thế của người xưa. Phía trên phòng khách, ngay chính giữa nhà có một khánh thờ có cán cầm tay ở hai đầu như một chiếc kiệu nhỏ là nơi cất giữ sắc thần của đình Thuận Hưng.
Bộ bàn tròn bằng gỗ cẩm lai, dạng chân quỳ tạc đầu sư tử. Ảnh: Hải Đăng
Chỉ có những gia đình quyền thế, uy tín nhất trong vùng mới được làng tín cẩn giao cho vinh dự phụng giữ sắc thần tại nhà. Sắc thần mang giá trị tinh thần rất lớn đối với cộng đồng, là bảo vật thiêng liêng của đình làng, thể hiện giá trị chỗ dựa tâm linh cho một vùng được vua ban. Sắc thần của đình Thuận Hưng được vua Tự Đức ban cho vào năm 1852. Mỗi khi cúng đình, lễ thượng điền, hạ điền… sắc thần phải được ban Tế tự, chính quyền địa phương cùng bà con tổ chức lễ “thỉnh sắc” long trọng từ nhà cổ Thuận Hưng về đình để làm lễ cúng tế. Sau lễ cúng, sắc thần được thỉnh “hồi sắc” mang trở lại nhà cổ Thuận Hưng để tiếp tục phụng giữ.
Bộ tủ thờ bằng gỗ trong gian phòng khách đặt ở giữa gian được cẩn ốc xà cừ cũng cùng thời kỳ với những năm xây dựng nhà cổ với tranh cảnh mô phỏng truyền thuyết cách đối nhân xử thế của con cháu đối với tổ tiên ông bà với tích “Nhị thập tứ hiếu”.
Hai chái hai bên nhà là nơi nghỉ ngơi. Chái bên trái dành cho phái nam theo tục “nam tả, nữ hữu” và bên phải dành cho nữ giới có các bộ ván để ngả lưng nghỉ tạm.
Nhà cổ Thuận Hưng nằm trong vùng có nhiều sắc màu văn hoá địa phương như nhà cổ, đình làng Nam bộ, chợ quê, làng làm bánh tráng loại để cuốn, bánh tráng ngọt để nướng, đi “trẹt” qua sông, cù lao Tân Lộc với trải nghiệm văn hoá sinh thái đảo, nhà bè nuôi cá tra, làng nghề đóng ghe xuồng…
Ngôi nhà cổ này là mẫu hình kiến trúc đậm nét văn hóa Việt ở Nam bộ. Cùng với nhiều nhà cổ khác như nhà cổ ông Nguyễn Trung Ái cũng ở vùng Thuận Hưng, các nhà cổ ở cù lao Tân Lộc… rất thuận tiện cho một tuyến du lịch hấp dẫn bằng xe đạp, khám phá văn hóa của vùng đất gắn với làng nghề truyền thống, gắn với thời kỳ mở cõi của cha ông ta ngày nào.
Nhà cổ Thuận Hưng(TBKTSG Online) - Từ Cần Thơ theo hướng QL 91 đi Long Xuyên chừng 30km, rẽ phải đi thêm 3km là đến chợ xã Thuận Hưng, lại rẽ trái chừng 150 mét, du khách sẽ gặp một ngôi nhà gỗ có kiến trúc nhà rường Nam bộ, xây dựng từ năm 1925. Gặp bà con ở địa phương, hỏi nhà bác Mười Giai thì ai cũng biết và vui vẻ chỉ đường.Nhà bác Mười Giai ở số 52, ấp Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Giới du lịch gọi đó là nhà cổ Thuận Hưng, gồm kiến trúc ba gian hai chái trên mặt nền 200 mét vuông. Mái nhà lợp ngói móc, vách bằng ván gỗ. Mặt tiền quay về hướng Đông. Sân nhà lót gạch Tàu, rộng khoảng 300 mét vuông.
Chủ nhân ngôi nhà cổ xưa nay là một gia đình có uy tín, được vinh dự phụng giữ sắc thần của đình làng Thuận Hưng do vua Tự Đức ban cho vào năm 1852. Từ cửa chính nhìn vào thấy ngay bộ thập bát ban võ nghệ gồm những binh khí thể hiện uy thế của chủ nhân. Ngay chính giữa nhà, gác trên cao có một khánh thờ như một chiếc kiệu nhỏ là nơi cất giữ sắc thần của đình Thuận Hưng.Vào bên trong, ba gian đều có hương án thờ cửu huyền thất tổ. Các bộ tủ thờ bằng gỗ được cẩn ốc xà cừ tranh cảnh mô phỏng tích chuyện “Nhị thập tứ hiếu” có ý nghĩa giáo dục hậu thế về đạo hiếu với tổ tiên, ông bà.
Trước bàn thờ gian giữa là một bộ phản, hai bên đặt hai bộ bàn với trường kỷ chạm khắc công phu và những họa tiết cẩn xà cừ. Khắp nhà đặt đôn sứ, bình gốm lớn, nhỏ và các pho tượng cổ... Nội thất ngôi toát lên vẻ uy nghi sang trọng của gia tộc chủ nhân.
Chiếc bàn tròn mặt gỗ dày nguyên tấm với bộ chân chạm hình sư tử khiến người xem phải trầm trồ thán phục tay nghề tinh xảo của nghệ nhân xưa.Chiếc ghế dựa trông kiểu dáng đơn giản cũng được cẩn, chạm hoa văn trang trí khá cầu kPhần chái hai bên nhà là tường ghép ván hở vừa đủ cho gió vào, cũng là nơi kê giường; được phân định bên trái cho nam giới, nữ giới bên phải... ghép ván ..
Chủ nhân nhà cổ Thuận Hưng hiện nay là ông Nguyễn Phùng Sanh, thường gọi là bác Mười Giai, cháu nội ông Nguyễn Văn Hổ - người xây nhà, lập nên cơ ngơi truyền lại cho con cháu, đến nay đã 88 năm.
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét