Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Chinh phục Pu Ta Leng

Nóc nhà thứ hai của Việt Nam

 

(iHay) Nhiều người vẫn chỉ nghe và biết đến “nóc nhà Đông Dương” hay “đỉnh núi cao nhất Việt Nam” là Fanxipang. Nhưng không mấy ai biết cũng như nghĩ đến việc chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, vốn được coi là “nóc nhà thứ hai của Việt Nam”. Chúng ta cùng theo chân phượt thủ Long Hy và nhóm bạn chinh phục đỉnh núi kỳ thú này.

Thông tin về đỉnh núi cao thứ hai Việt Nam, Pu Ta Leng đến với tôi thật tình cờ khi một người bạn trong nhóm phượt “quăng” dòng rủ rê chinh phục đỉnh Pu Ta Leng ở tỉnh Lai Châu lên Facebook. Một chút tò mò và háo hức, thế là tôi đăng ký tham gia cùng bốn người bạn khác.
Chào bản Phô!
Tôi và cậu bạn đồng hành tên Hưng đã tìm hiểu thông tin các đoàn đi trước để lên lịch trình chinh phục Pu Ta Leng. Chúng tôi sẽ đi trong 5 đêm 4 ngày. Theo như thông tin trên các diễn đàn phượt, mới chỉ có hai đoàn chinh phục Pu Ta Leng thành công. Cả nhóm tràn đầy hy vọng sẽ là đoàn thứ ba chinh phục thành công đỉnh núi cao này.
Đúng 8 giờ tối, chúng tôi xuất phát từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đến bản Phô, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu), bắt đầu hiện thức hóa “giấc mơ Pu Ta Leng”.
 

Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Ta Leng theo tiếng người Dao gọi là Pú Tả Lèng, với chữ “Pú” nghĩa là núi, nằm trong địa phận xã Tả Lèng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Với chiều cao 3.049m và chỉ đứng sau đỉnh Fanxipang (3.413m), dân phượt gọi Pu Ta Leng là “nóc nhà thứ hai của Việt Nam”, hay "nóc nhà thứ hai ở Đông Dương".

Ở bản Phô, sẽ có hai thanh niên người Dao đen tên Đức và Páo đón và làm porter (người chỉ đường và khuân đồ) cho chúng tôi.

Ngày thứ nhất, đoàn sẽ chinh phục Pu Ta Leng ở độ cao 2.000 m. Ngày thứ 2 sẽ cán đỉnh 3.049m. Sau đó leo xuống và ngủ đêm ở độ cao 2.422m để ngày thứ 3 xuống núi Tà Lẻng thuộc địa phận xã Tà Lẻng, huyện Tam Đường (Lai Châu). Từ đó, bắt chuyến xe 7 giờ tối về Hà Nội.
Trên đường, chúng tôi đều thao thức không thể chợp mắt. Phần vì đêm xuống bắt đầu lạnh, trong khi điều hòa xe cũng lạnh không kém nhiệt độ bên ngoài. Hơn nữa, đoạn đường vào địa phận tỉnh Lai Châu gặp nhiều đoạn cua, địa hình đồi núi dốc khiến chiếc xe chồm lên, xuống và cua ngoằn ngoèo thật khó khiến người ta có thể ngủ được.
6 giờ sáng hôm sau, Páo và Đức đón chúng tôi ở địa phận UBND xã Hồ Thầu. Hai thanh niên người Dao đen dáng cao gầy, khỏe khoắn cưỡi hai con “min khờ” đưa chúng tôi vượt qua con dốc đứng và dài gần 2km một cách ngon lành. Trước mặt tôi đã là bản Phô.
 “nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 1
Phụ nữ người Dao Đen
Sự xuất hiện của chúng tôi, những thanh niên miền xuôi ăn mặc nai nịt như chuẩn bị ra trận đã thu hút sự chú ý của những người Dao đen nơi đây. Họ kéo đến xem, đứng nhìn chúng tôi, cười hiền lành.
Những người phụ nữ tụ lại ngồi một chỗ. Họ vừa nhìn chúng tôi vừa nói chuyện rôm rả, Rồi họ cười thẹn thùng quay đi khi có chúng tôi cười chào đáp lại, hoặc định giơ máy ảnh lên chụp.
Tôi ấn tượng với phụ nữ Dao đen ở đây bởi họ vẫn mặc trang phục truyền thống, nổi bật với sắc màu đen, màu sắc cũng tạo ra cách phân biệt giữa họ với những tộc người Dao khác trên lãnh thổ Việt Nam.

 “nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 2
Tôi rất ấn tượng chiếc "búi tóc" trang sức của nhiều phụ nữ dao Đen
Khá thú vị khi chúng tôi hỏi một bà cụ về búi tóc trang sức trên đầu là tự làm hay có nguồn gốc từ đâu, bà cụ rất thật thà cho biết mua ở ngoài chợ.
Khi tôi hỏi chiếc búi tóc đặc biệt có phải chỉ dành cho phụ nữ có chồng hay không, các cô gái đứng xung quanh nhao nhao trả lời: “Ai thích đội cũng được". Có vẻ như những cô gái trẻ và phụ nữ Dao đen thế hệ trước có xu hướng không thích lối phục sức của tổ tiên họ.
Vạn sự khởi đầu nan
Gần 9 giờ sáng, nhóm bảy người chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình với tư trang cá nhân, một ít thức ăn, nước. Tất cả nặng khoảng 50kg được Páo và Đức cho vào gùi và khoác theo.
May mắn là hành trình lên đỉnh cũng đã có lối mòn do bà con người Dao đen lên núi lấy rau rừng, đi làm nương hoặc hái thảo quả tạo thành. Chúng tôi theo sự chỉ dẫn của Páo và Đức, cứ men theo lối mòn đó mà đi.
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 3
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 5
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 6
Con suối đầu tiên
 
Đoạn đường đầu tiên chưa nhiều đoạn dốc, địa hình vẫn nhiều đoạn bằng phẳng. Tuy cây rừng chằng chịt và nhiều đoạn băng qua những con suối với những tảng đá to mấy người ôm.
Đường dần dần dốc đứng. Nhiều đoạn có thân cây to cổ thụ đổ chắn ngang. Chúng tôi hoặc là chui qua, hoặc là nhảy qua. Cũng có thể trèo qua nếu biết bám vào những vệt dao mà người đi rừng trước đã khía lên thân cây. Bám chắc thì chân không bị trơn trượt.
Cũng có những đoạn dốc, chúng tôi phải dùng tay bám vào những bụi cây hai bên để nhấc mình lên. Nhưng có lẽ mất sức nhất vẫn là những đoạn dốc phải đi bộ. Những thanh niên như miền xuôi như chúng tôi dù đã tập luyện ở nhà trước, thậm chí có thành viên chạy bộ thường xuyên cũng thở dốc chỉ sau vài bước đi.
 “nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 7
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 8
Đường đi trong rừng
Trong khi chúng tôi chân mỏi rã rời, hụt hơi và thường bị tụt, thì Đức và Pao vẫn đi nhanh thoăn thoắt. Mặc dù trên vai hai chàng thanh niên người Dao đen này đeo gùi khá nặng nhưng vẫn không tỏ ra mệt nhọc như năm người chúng tôi. Tinh thần dù cao nhưng sức người có hạn, cứ đi được khoảng 20 – 30m là chúng tôi lại ngã vật ra đất để thở và nghỉ chân.
Thật không may là trong đoàn chúng tôi có chị Lan, vốn là người chịu khó đi trek và leo núi nhất nhưng do bị lạnh và say xe từ đêm hôm trước nên chị bị mất sức và nôn nhiều lần, khiến mọi người trong đoàn thực sự lo lắng.
 “nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 9
Gặp các cô gái người Dao Đen lên rừng lấy rau cho lợn
Dù có ăn thêm bánh sôcôla hay uống nước đường gluco nhưng chị Lan đều nôn ra hết sau khi di chuyển một đoạn ngắn. Trong khi Páo và bốn thành viên còn lại trong đoàn thường xuyên đi trước, Đức được giao đi kèm chị Lan theo sau, chúng tôi vừa đi vừa nghỉ và đợi chị đi cùng.
  “nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 10
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 11
Hoa và quả loài thảo quả do người dân địa phương trồng
Đức và Páo tỏ ra lo lắng hơn. Họ lắc đầu nói rằng ngày thứ hai khó lòng mà lên được đến đỉnh như dự kiến. Thậm chí ngày đầu cũng không thể đến được điểm độ cao 2.422m như lịch trình.
Tuy lo lắng là vậy, nhưng chúng tôi đều nghĩ cả đoàn đã đi cùng nhau thì vẫn đặt vấn đề sức khỏe của mọi người lên hàng đầu, leo được đến đâu thì leo, cố quá không phải mục đích quan trọng nhất.
 “nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 12
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 13
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 14
Hoa đỗ quyên trắng  ở độ cao 1.982m
Chúng tôi dừng chân ở điểm cao 1.982m vào lúc 16 giờ 35 do chị Lan đuối sức không thể đi tiếp. Tại điểm dừng có một chiếc lán tạm của người đi rừng nằm dựa vào một tảng đá lớn nhô ra như một mái che tự nhiên. Ba người sẽ ngủ trong lán, còn lại dựng lều cạnh đó để ngủ.
 “nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 22
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 23
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 24
Khung cảnh ở điểm dừng chân tại độ cao 2.422m
Bóng tối dần bao phủ một cách chậm chạp chứ không nhanh như chúng tôi thường thấy trong những chuyến đi rừng trước đây. Quây quần bên bếp lửa và ánh đèn pin, bảy người cắm cúi ăn càng nhiều càng tốt để lấy sức. Tuy nhiên, sự mệt mỏi khiến cho người ta khó có cảm giác ngon miệng.
“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 17
Lều dựng ở độ cao 1.982m


“nóc nhà thứ hai của Việt Nam” - Pu Ta Leng 16
Mọi người cố gắng ăn thật nhiều để lấy sức
Hơn 9 giờ tối, mọi người nhắc nhau đi ngủ sớm để lấy sức cho ngày thứ hai sẽ vất vả hơn và nỗ lực hơn. Có như vậy chúng tôi mới chinh phục được đỉnh 3.049m như lịch trình. Ngày đầu tiên đã qua.

Lạc vào rừng hoa đỗ quyên trên đỉnh Pu Ta Leng

 

(iHay) Đi được vài bước, chúng tôi lại reo hú báo hiệu cho nhau về cảnh tượng hoa đỗ quyên quá đẹp mà mình vừa bắt gặp...



Buổi sáng ngày thứ hai, đúng 6 giờ, mọi người gọi nhau dậy thu xếp lều trại, hành lý, ăn sáng nhanh để thực hiện chặng quyết định lên đỉnh Pu Ta Leng. Sau một đêm nghỉ ngơi, dường như mọi thành viên trong đoàn đã lại sức. Đặc biệt là chị Lan đã bớt xanh xao. Điều này càng làm chúng tôi thêm quyết tâm!
Rừng rậm và những con dốc
Rừng càng lúc càng rậm rạp và um tùm. Những thân cây gỗ lớn bị địa y, rêu, nấm phủ dày hàng chục phân khiến khung cảnh càng thêm âm u. Đường đi vẫn là những đoạn dốc muốn hút cạn sức lực từng thành viên. Nhiều đoạn, tôi chỉ muốn lết đi vì có thể như vậy sẽ đỡ mệt hơn là đi bằng hai chân.
Chinh phục Pu Ta Leng  1Những thân cây cổ thụ to vài người ôm không hết
Tới chặng nghỉ chân nào chúng tôi cũng nằm vật ra giữa bụi cây, tảng đá mà thở. Vơ vội chai nước mát lấy từ những con suối trên đường đi mà tu ừng ực.
Trong suốt hành trình chinh phục Pa Ta Leng, chúng tôi tận dụng triệt để nguồn nước suối rừng trong vắt nhưng lạnh buốt. Mỗi khi đụng tay xuống hứng nước hay để rửa mặt cũng đủ thấy cảm giác tê cứng. Rồi chỉ cần hai lần té nước lên mặt thì da mặt cũng hoàn toàn mất cảm giác.
Chinh phục Pu Ta Leng 2
Còn nếu muốn ngâm chân xuống suối thì đúng là một cảm giác mạnh! Nhưng chỉ một lúc bạn sẽ quen dần. Cảm giác buốt cứng qua đi, sau đó bạn sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Chúng tôi thường làm vậy mỗi khi nghỉ ăn trưa. Bởi điểm dừng luôn gần một con suối nào đó, vừa thuận tiện cho việc lấy nước, vừa vệ sinh và đun nấu.
Chinh phục Pu Ta Leng 3
Sau gần hai tiếng đồng hồ hì hục leo, chúng tôi đã đến được độ cao 2.422m mà đáng lẽ đoàn phải chinh phục từ chiều hôm qua. Chúng tôi quẳng lại hành lý và đồ đạc ở lại đó luôn, bởi sau khi lên đến đỉnh đoàn sẽ quay trở lại.
Chỉ còn phải mang theo một ít thức ăn cho bữa trưa nay, ai cũng cảm thấy như trút bỏ được gánh nặng đè trên vai suốt từ hôm qua đến giờ. Dễ thở và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Đoạn đường từ đây đã không còn những cây cổ thụ thân gỗ phủ kín địa y như phía dưới nữa. Những cây gỗ lớn đã bắt đầu nhường chỗ cho rừng trúc với thân cây chỉ bằng ngón chân cái.
Chinh phục Pu Ta Leng  4Rừng trúc từ độ cao 2.900m đổ lên
Mặc dù những người đi rừng trước đây đã phạt trúc mở lối đi, nhưng họ chỉ phạt đến ngang tầm đầu gối. Rất nhiều phần thân trúc bị phạt theo hình vát nhọn. Chính vì vậy mà cho dù bạn có mặc quần dài và dày thế nào thì cũng không tránh bị những gốc trúc đâm vào bắp chân đau nhói. Mồ hôi chảy xuống lại càng xót và buốt vô cùng.
Chúng tôi phải di chuyển rất cẩn trọng bởi nếu bị ngã trong địa hình này lập tức sẽ bị gốc trúc nhọn hoắt đâm vào người, cực kỳ nguy hiểm. Nếu có một ngày bạn leo rừng như chúng tôi, nên chú ý đi găng thật dày để bảo vệ tay. Chúng sẽ giúp bạn bám tốt vào đất đá, cây cối bên đường mà không bị trày xước. Chớ để tay trần sẽ chỉ khiến làm mồi cho những cành cây gai, cây bụi trên đường.
Chinh phục Pu Ta Leng 5
Tôi cứ nghĩ không phải mang hành lý sẽ giúp đoàn di chuyển nhanh hơn nhưng hoàn toàn không phải. Hàng loạt đoạn dốc vẫn làm chúng tôi thở không ra hơi, mệt không kém như khi còn mang đồ. Leo được khoảng 20 – 30m chúng tôi lại phải dừng lại nghỉ. Nhiều lúc bị đuối hơi, nước nhờn trong cổ họng cứ đâu trào lên lại càng thêm khó thở và mệt mỏi.
Đặc biệt, càng lên cao thì gió càng rít mạnh, càng cảm thấy lạnh. Mặc dù khi vận động sẽ sinh nhiệt và khiến cơ thể toát mồ hôi, nhưng bạn vẫn thấm thía được cái lạnh. Bên cạnh đó, trời cũng có nắng nhưng chẳng thấm tháp gì. Cả đoàn phải nai nịt một chiếc áo khoác, đội mũ hoặc bịt khăn kín mít quanh đầu để bớt lạnh.
Đỗ quyên kiêu hãnh
Đến vị trí 2.800m chúng tôi đã có thể với tay bứt được những bông đỗ quyên kiêu hãnh mà trước đó chỉ biết đứng từ xa dùng máy ảnh zoom hết cỡ mới ngắm và chụp ảnh được.
Từ đoạn này, càng lúc chúng tôi càng bắt gặp nhiều cây đỗ quyên với đủ sắc tím, hồng vàng ở trên đầu, trước mặt, thậm chí là cánh hoa đỗ quyên rụng đầy lối đi. Đi được vài bước, chúng tôi lại reo lên báo hiệu cho nhau về hoa đỗ quyên mà mình bất chợt bắt gặp.

Hoa đỗ quyên vàng
Thích nhất là những chùm hoa đỗ quyên tím trong tầm mắt, khi chụp ảnh cũng không cần phải zoom quá nhiều. Thi thoảng ở những khu vực cao, không bị tán lá che, cả đoàn lại choáng ngợp trước những vạt đỗ quyên nở dày đặc trên những sườn núi.
Đây cũng là lần đầu tôi được tận mắt chứng kiến những cây hoa đỗ quyên màu tím có thân cổ thụ và cao lớn đến vậy. Khác hẳn với những chậu hoa đỗ quyên bé xíu thường thấy ở Hà Nội. Ai nấy đều tranh thủ chụp hoa rồi chụp hoa với người cho thỏa thích.

Hoa đỗ quyên tím ngắt
Đúng 11 giờ 47 phút, đoàn chúng tôi lên được đến vị trí 2.922m. Đứng từ độ cao này, hướng mắt ra xa là có thể thấy được ngọn Bạch Mộc Lương Tử kiêu hãnh với độ cao 2.998m cũng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, sánh vai bên cạnh ba đỉnh núi cao nhất Việt Nam là Fanxipang (3.143m), Pu Ta Leng (3.096m) và Phu Xi Lùng (3.083m).
Đặc biệt, điểm dừng chân nghỉ ăn trưa, dưỡng sức để chinh phục nốt đỉnh 3.049m. Khung cảnh thật quá nên thơ khi được ngồi ăn dưới tán hoa đỗ quyên nở tím rực trên đầu.

Bữa trưa của đoàn dưới bóng hoa đỗ quyên ở độ cao 2.922m
Nắng cũng thật đẹp nhưng vẫn còn khá lạnh. Ngồi ăn một lúc là cơ thể bắt đầu cảm thấy lạnh hơn. Điều bất ngờ nhất là khi có một thành viên đoàn đi "giải quyết nhu cầu" đã vô tình phát hiện ra một khung cảnh cả một vạt rừng hoa đỗ quyên hồng và tím mọc san sát.
Từng chùm hoa nở kín đặc tạo thành một tấm thảm hoa đẹp đến ngoạn mục. Có lẽ đây là cảnh "độc nhất vô nhị" đáng xem nhất ở Pu Ta Leng!


Tất cả chúng tôi đều không ai còn tin vào mắt mình trước cảnh đẹp kỳ vĩ ngoài sức tưởng tượng. Ngay cả hai trai bản Páo và Đức cũng sửng sốt vì lần đầu được chứng kiến. Quả thực rất may khi đoàn chúng tôi đến Pu Ta Leng đúng thời điểm hoa đỗ quyên nở rộ và rực rỡ nhất.
Chúng tôi vui tới độ cứ reo hò như lũ trẻ nhỏ được người lớn cho kẹo. Được sống giữa cảnh trời mây, hoa lá đẹp như trong tiên cảnh khiến trong lòng ai cũng thấy lâng lâng, ngập tràn hạnh phúc. 

Mọi người đều trèo lên một cây đỗ quyên gần nhất, để thu vào tầm mắt những hình ảnh đẹp và hiếm có khó tìm này. Đây có thể là lần đầu và lần duy nhất chúng tôi được thấy một khung cảnh về hoa đỗ quyên đẹp đến nao lòng ở Pu Ta Leng. Hình ảnh những người bạn của tôi đứng trên những ngọn hoa đỗ quyên và lọt thỏm giữa thảm rừng hoa sắc tím sẽ còn mãi trong mảng ký ức của tôi về chuyến đi này.

Cắm cờ tổ quốc trên đỉnh Pu Ta Leng

 

(iHay) Sau những trải nghiệm tuyệt vời cùng những khoảnh khắc bị rợp ngợp trong không gian kỳ ảo của rừng hoa đỗ quyên, đoàn chúng tôi lại tiếp tục tiếp tục chinh phục đoạn đường ngắn còn lại của đỉnh Pu Ta Leng.



Hạnh phúc vỡ òa

Vẫn những đoạn đường dốc, những rừng trúc bạt ngàn phủ kín đầu và tiếng thở dốc mệt lử người. Gió vẫn rít và mang hơi lạnh bao phủ dù nắng vẫn thật gắt phía trên đỉnh đầu. Tuy vậy, vì biết chỉ còn cách đỉnh không bao xa nên chúng tôi đều quyết tâm cao độ cùng lòng hứng khởi vô bờ.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 1
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 2

Hơn hai tiếng đồng hồ vừa đi vừa nghỉ, đúng 14 giờ 15 phút, chúng tôi vỡ òa trong sung sướng khi đã tiếp cận đỉnh Pu Ta Leng ở độ cao 3.096m. Đã có hai lá cờ Tổ quốc được hai đoàn đi trước chinh phục thành công, cắm lại trên đỉnh Pu Ta Leng. Chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn một lá cờ và buộc vào một ngọn cây trên nóc nhà thứ hai của Việt Nam này.
Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió mạnh trên đỉnh núi, càng thấy thêm tự hào khi có ngày chúng tôi được đứng ở nơi này. Năm con người từ không quen biết nhau đã cùng trải qua một hành trình thực sự gian nan và mạo hiểm, chúng tôi đã cùng chinh phục được đỉnh núi vốn là niềm khao khát của không ít bạn trẻ có niềm đam mê bay nhảy và thích khám phá những đỉnh cao.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 3
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 4Ăn mừng tại độ cao 3.049m
Hơn hết, chúng tôi đã chinh phục được ý chí và lòng quyết tâm của chính mình, biết đoàn kết, chia sẻ và gắn bó nhau cùng hướng tới đích cuối cùng là đỉnh Pu Ta Leng cao vời vợi.


Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió mạnh trên đỉnh núi, càng thấy thêm tự hào khi có ngày chúng tôi được đứng ở nơi này




Gần một tiếng đồng hồ thỏa thích ngắm nhìn, chụp hình lưu niệm và thưởng thức không khí với nắng, với gió và với hương hoa đỗ quyên trên đỉnh Pu Ta Leng. Chúng tôi đã thỏa nguyện và trở về với đầy ắp những trải nghiệm tuyệt vời về một miền đất địa đầu. Đứng trên đỉnh núi này, tôi và các bạn mới thực sự thấm thía tình yêu quê hương đất nước, quý trọng chủ quyền quốc gia thiêng liêng!

Những kỷ niệm không bao giờ quên
Đêm thứ hai chúng tôi ngủ lại trong rừng ở độ cao 2.422m. Đây chính là nơi chúng tôi bỏ lại đồ đạc, hành lý hồi sáng. Cảm giác chinh phục đỉnh núi thành công vẫn còn đọng lại trong chúng tôi và khiến ai cũng lâng lâng, rạo rực.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 5Trở lại độ cao 2.422m sau khi chinh phục đỉnh Pu Ta Leng để nghỉ ngơi, nấu nướng
Đêm nay, bên bếp lửa bập bùng, không gian trong rừng già vẫn trở nên lãng mạn chứ không để lại cảm giác kỳ ảo hay bí ẩn. Cả khu rừng đang được chiếu sáng bằng ánh trăng đêm 14 Âm lịch.
Càng khuya cảnh rừng càng sáng rực. Sáng đến mức chúng tôi nằm trong lều mà phải ló đầu ra vì không hiểu có chuyện gì mà bên ngoài sáng rực đến vậy. Thì ra trăng lên đã tỏ, không còn bị mây che phủ, ngàn sao cũng đang dày đặc.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 6
Trăng treo đầu núi
Chúng tôi chọn lối về theo hướng Tà Lẻng thay vì về lại đường cũ xuất phát là Hồ Thầu. Kinh nghiệm các đoàn đi trước cho biết, đường Tà Lẻng thoai thoải và có cảnh đẹp. Chúng tôi mất nguyên một ngày để đi mới ra được đến đường quốc lộ nhưng quả thực không phải hối tiếc khi chọn cách đi này.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 7
Bình minh sáng ngày cuối cùng tại điểm dừng 2.422m
Cả ngày thứ 3, trên đường về đoàn chúng tôi say mê ngắm cảnh rừng núi đẹp như cổ tích. Cảnh rừng ở đây thật giống với những cánh rừng thưa ôn đới ở châu Âu, dễ cho ta liên tưởng đến những mụ phù thủy sống trong rừng, đến câu chuyện cô bé quàng khăn đỏ đi hái nấm…
Không còn cảnh rừng cây rậm rập chen chúc như hành trình xuất phát, cây cối ở lối đi Tà Lẻng có vẻ dễ chịu hơn, chiều lòng người hơn bởi mật độ cây vừa phải, những con suối nhỏ dọc đường đi được trang điểm bằng những thân cây gỗ mục ngã gục phủ đầy rêu xanh, đặc biệt là có ánh nắng vàng ươm của buổi sáng sớm chiếu rọi.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 8
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 9Đường về theo hướng Hồ Thầu
Tuy cảnh vật và thời tiết đẹp là thế, nhưng chúng tôi đều hiểu đây sẽ là một ngày nắng đã đời và khá mệt mỏi. Đoạn đường về là đi xuống nên sẽ gặp nhiều đoạn dốc đi xuống chỉ khiến cho bắp đùi của bạn và mũi bàn chân mỏi nhừ, đau tê vì thường xuyên phải dồn lực lên cơ ở hai vế đùi do địa hình dốc xuống.
Trên đường đi, chúng tôi gặp khá nhiều tộc người thiểu số sống quanh đây, họ đi lấy củi hay đang làm nương, chăn trâu hoặc cũng có người đi lấy lá rau rừng về làm thức ăn.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 11Dừng chân trước lán một bác chăn trâu người Mông Đen trong rừng
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 12
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 13Phong cảnh trong rừng trên đường xuống theo lối Hồ Thầu
Lúc này chúng tôi mới có nhiều thời gian để hỏi chuyện về hai thanh niên người Dao làm nhiệm vụ dẫn đường cho đoàn mình. Trong đó có Đức năm nay 26 tuổi, đã có vợ và một con gái 5 tuổi đang học mẫu giáo. Còn Páo thì 24 tuổi, cũng mới lấy vợ năm ngoái, nhưng anh chàng này thật thà như đếm khi tâm sự việc anh bị ép lấy cô vợ mà mình không mong muốn.
Phản ứng đến nỗi Páo phải chạy trốn gia đình để không phải lấy người vợ mà Páo không thích. Cả hai thanh niên người Dao đều nói khá sõi tiếng Kinh, họ tỏ ra là những người nhanh nhẹn, có sức khỏe và hơn hết là sự nhiệt tình, chăm chỉ cùng đức tính thật thà.
Giữa đêm tối, họ lò mò xuống suối lấy nước để chuẩn bị cho ngày hôm sau, dậy sớm đun nước nấu mì tôm hay lấy nước nóng cho chúng tôi rửa mặt, đánh răng.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 14
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 15
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 16Những hình ảnh chẳng thể nào quên
Đáng nhớ nhất là khi một cô bạn trong đoàn tôi nằng nặc muốn mang một cây hoa lan rừng về Hà Nội, và người xách giò lan cho cô bạn tôi là cậu Đức. Khổ nỗi là sau khi dừng chân nghỉ dọc đường, cả đoàn đã đi khá xa thì cô bạn tôi phát hiện không thấy Đức cầm theo giò lan, mặt cậu tái mét và vội vàng quay ngoắt trở lại để lấy lại giò lan cho bạn tôi.
Mặc dù cả cô bạn và đoàn chúng tôi ngăn cản không cần lấy nữa nhưng Đức vẫn nhất định quay lại bằng được để lấy lại giò lan. Lúc này cậu không còn đi bộ như bình thường, mà chạy hối hả như sợ xảy ra một điều gì khủng khiếp. Chưa đầy 20 phút, chúng tôi đã thấy Đức đuổi kịp đoàn với giò lan trên tay. Cô bạn cười hối lỗi vì đã “bắt tội” anh chàng người Dao đen này phải một phen tá hỏa.
Những chặng cuối, đên cả Páo và Đức cũng tỏ ra khá mệt mỏi không khác gì chúng tôi. Thế mới nhận thấy hành trình đến với đỉnh Pu Ta Leng không phải là dễ dàng gì ngay cả với những người dân đã quen sống ở địa hình đồi núi.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 17Phong cảnh tại một cây cầu bằng thân cây bắc ngang suối trên đường xuống theo lối Hồ Thầu
Một ngày đường đi bộ, lần theo những con dốc xuống núi, cảm giác bị chồn chân thực sự đau đớn. Chưa hết, khi đã ra khỏi rừng sẽ không còn bóng cây che trên đầu trước cơn nắng chói chang ở khu vực vùng núi.
Những đoạn đường đất gập ghềnh dưới nắng nóng hầm hập thi thoảng lại bốc bụi mù khi có dăm ba chiếc xe wind hay minks của người dân vụt phóng qua trước mặt. Phía dưới chúng tôi là những ruộng bậc thang đang vào mùa đổ nước. Cảnh tượng vẫn vô cùng ấn tượng. Nhưng chúng tôi cũng chỉ tranh thủ chụp một vài bức cho khỏi hối tiếc.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 18Ruộng bậc thang ở Hồ Thầu đang vào mùa đổ nước
Thực sự là ai cũng rã rời và mệt mỏi. Dọc đường về, gặp một đôi vợ chồng người Dao đi làm nương đang đứng ăn mía, cô bạn tôi nhanh nhảu chạy lại rối rít xin một đoạn mía rồi chia ra cho mỗi người trong đoàn một mẩu nhỏ ăn cho đỡ khát.
Khoanh mía đường vỏ xanh mà dưới xuôi vẫn hay dùng để ép nước mía giải khát, ăn vào sao mà mềm và ngọt đến lạ, như tăng thêm bao nhiêu sức lực cho chúng tôi rảo bước đi thật nhanh. Đến 16 giờ 30 chúng tôi mới tiến được ra đến đường quốc lộ cạnh ủy ban xã Tả Lèng.
Hạnh phúc vỡ òa trên đỉnh Pu Ta Leng 19Một bông hoa tầm vông đỏ rực trên nền trời Hồ Thầu
Trời đã chuẩn bị về chiều. Chúng tôi nằm vật bên vệ đường để đợi chuyến xe 18 giờ 30 trở lại Hà Nội. Xe đến, Đức và Páo đi nhờ được một đoạn để về lại bản của họ. Lúc chia tay sao cứ thấy ngậm ngùi như phải xa những người bạn đã thân từ lâu.
Chẳng biết bao giờ mới có ngày gặp lại. Nhưng cảm xúc và tình cảm của chúng tôi đã một phần gắn với rừng núi nơi đây, với chuyến hành trình đầy trải nghiệm thú vị nhớ đời và còn vương trong ký ức mỗi chúng tôi những bông hoa đỗ quyên sắc tím.
Phướt ký của Long Hy
Ảnh: Long Hy - Thi Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét