(iHay) Ít ai nghĩ rằng, dĩa bánh cuốn ngon và độc đáo nhất Sài Gòn lại nằm trong một con hẻm nhỏ gần chợ Vườn Chuối (Q.3), của một gia đình gốc Bắc còn lưu giữ cách tráng bánh truyền thống non nửa thế kỷ.
Gọi là "ngon" thì có phần hơi cảm tính, vì có thể mỗi người một phong vị, nhưng độc đáo thì chắc chắn rồi. Bởi không như hầu hết những tiệm bánh cuốn ngon ở Sài Gòn mà tôi từng ghé qua như Tây Hồ, Hải Nam hay Xuân Hường ở gần sân bay, bánh cuốn Song Mọc trong con hẻm nhỏ gần chợ Vườn Chuối này lại có cách thưởng thức hết sức khác biệt, từ "tiêu chuẩn" trình bày cho đến hương vị.
Dĩa bánh cuốn độc đáo bậc nhất Sài Gòn |
Có thực khách từng ví von lần đầu ăn bánh cuốn ở đây như "từ trái đất mà đáp phi thuyền lên mặt trăng" vậy. Mà đúng thật, vì nếu bạn quen với kiểu tráng bánh mỏng và dai, nhân bánh hơi ướt ướt nước củ hành, ăn kèm với nước mắm ngọt dịu như chiều lòng người Sài Gòn, thì cuốn bánh ở đây mới khác biệt làm sao.
Nhân bánh hơi khô, đầy đủ thành phần thường thấy như thịt, củ sắn, mộc nhỉ (nấm mèo)... được xào với một bí quyết gia truyền khiến cho tất cả hòa quyện lại thành một hỗn hợp khô như là ruốc vậy. Đó là chưa kể đến phần vỏ bánh được tráng thật nhanh và đơn giản, nhưng lại tạo ra một lớp vỏ bánh không mỏng không dày, không bở mà cũng không dai.
3 loại chả ăn kèm bao gồm chả chiên, chả quế và chả lụa Rau các loại (có cả xà lách) và giá trụng được để riêng trong một dĩa lớn |
Hỏi thêm thì biết rằng, quán của một gia đình người Bắc di cư vào Nam những năm 50 thế kỷ trước, mở ra một quầy bánh cuốn trong con hẻm nhỏ này phục vụ cho cư dân xung quanh. Đã bao nhiêu năm qua quán vẫn trung thành với một hương vị duy nhất, và đặc biệt là không bán kèm bánh tôm như các quán khác.
Có thể bạn sẽ tò mò, vì sao lại nhắc đến quán kèm với địa danh chợ Vườn Chuối? Tên gọi "Vườn Chuối" là do xưa kia khu vực này là một vườn chuối rộng lớn, nên khi lập chợ thì lấy tên là "chợ Vườn Chuối" luôn.
Năm 1954 có rất nhiều người Bắc di cư vào Nam đã chọn khu vực này sinh sống, nên đó cũng là lý do có rất nhiều thương hiệu ẩm thực xứ Bắc nổi tiếng tập trung ở khu này như bánh mì Hà Nội, bánh mì Hòa Mã, thạch chè Hiển Khánh, phở chua Lạng Sơn...
Một nơi thú vị để thưởng thức dĩa bánh cuốn độc đáo nhất Sài Gòn. Đôi khi những cái tinh tế lại được lưu giữ ở những nơi quen thuộc và bình thường nhất.
Tân Nhân
Đầu hẻm 107 Vườn Chuối, phường 04, quận 03
Mở cửa: 5h30 sáng đến 12h trưa
Giá: Bánh cuốn đầy đủ (35.000đ/dĩa)
Đi ăn bánh cuốn trứng gần sân bay Tân Sơn Nhất
(iHay) Bánh cuốn trứng vốn dĩ là một món khó tìm ở Sài Gòn khi số lượng quán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng một quán ăn gần khu sân bay lại có những biến tấu hết sức hấp dẫn cho món bánh có nguồn gốc từ Lạng Sơn này.
Như có lần nhắc về món bánh cuốn trứng có bán ở quán Hồng Hạnh. Đây là một món tương đối khó tìm thấy ở Sài Gòn, mà lý do chính là cách làm khá phức tạp so với món bánh cuốn truyền thống.
Vẫn là bánh cuốn với gạo được xay mịn thành bột rồi tráng mỏng, nhưng điểm khác biệt của món bánh cuốn trứng so với các kiểu bánh cuốn khác là lớp nhân bên trong, bao gồm trứng và thịt bằm.
Bánh cuốn trứng hấp dẫn thực khách bởi phần nhân trứng gà lòng đào béo ngậy được cuốn thật khéo léo bên trong lớp bánh mỏng |
Để pha được loại bột đặc thù dùng để tráng món bánh này, những hạt gạo tẻ ngon, trắng ngần, đều hạt được chọn lựa để xay mịn thành bột, rồi sau đó được hòa với nước để tạo ra một hỗn hợp không quá đặc cũng không quá loãng nhằm tạo ra độ dẻo đặc trưng cho bánh.
Ở Lạng Sơn và các tỉnh miền trung du, người ta vẫn còn thói quen dùng gạo nương đậm đà để pha bột tráng bánh.
Khi bắt đầu đổ bánh, người làm bánh sẽ trải hỗn hợp bột ra khuôn vải rồi đóng nắp, chờ một chút cho bánh vừa chín tới thì mở nắp ra rồi đập trứng gà lên lớp bánh.
Cái hay ở đây là người thợ tráng bánh phải đậy nắp lại và canh sao kịp lúc lớp lòng trắng đục lại và dính vào mặt bánh, còn lòng đỏ thì vừa chín tới độ lòng đào tạo thành lớp bọc mỏng giúp quả trứng không bị bể, thì mới mở nắp.
Chả chiên và chả quế ăn kèm với bánh cuốn Bánh cuốn nhân thịt truyền thống với phần ruốc tôm rất độc đáo |
Nước mắm cũng không tuân theo nguyên bản, vốn dĩ là nước ninh từ xuơng ống trộn với thịt bằm, thêm chút gia vị đường, ớt, rau mùi băm nhỏ... như ở Lạng Sơn, mà là loại nước mắm dùng để ăn bánh cuốn được nêm từ đường phèn rất đậm đà. Để tăng phần hấp dẫn bạn cũng có thể gọi thêm vài giọt tinh dầu cà cuốn,
Đây cũng là một quán bánh cuốn hiếm hoi ở Sài Gòn còn phục vụ các loại rau thơm ăn kèm, cách thưởng thức đặc trưng của miền Bắc.
Bạn cũng có thể gọi thêm món ăn kèm khá đặc biệt của quán là chả quế và chả chiên. Ngoài ra, món bánh cuốn truyền thống ở đây cũng rất hấp dẫn với phần ruốc tôm khá lạ, tương tự như món tôm cháy làm nhân bánh bèo Huế hay bánh ướt tôm cháy.
Một địa chỉ khá thú vị để trải nghiệm cách ăn bánh cuốn tương đối gần gũi với nguyên bản xứ Bắc. Một món ngon với cách chế biến khá cầu kỳ và tinh tế trong từng chi tiết, như phản ảnh phần nào những vẻ đẹp tiềm ẩn của ẩm thực Việt.
Tân Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét