Hang Minh Cầm thuộc làng Minh Cầm, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa là một di tích khảo cổ nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình.
Năm 1922, nhà khảo cổ học E.Patte khai quật di chỉ
hang Minh Cầm đã tìm thấy dấu tích của người xưa. Đó là một hộp sọ của
một em bé 9 tuổi, mang đặc điểm chủng tộc Negrito, bên cạnh đó còn phát
hiện được mảnh xương hàm dưới của cá thể khác, thuộc chủng tộc Môngloid.
Ở đây, người ta còn tìm thấy một số rìu bôn đá có vai, rìu tứ giác
mài toàn thân, công cụ ghè đẽo bằng đá, đồ trang sức và đồ gốm. Trong di
vật tìm được ở hang Minh Cầm đáng chú ý là bình gốm tô màu và những đồ
trang sức bằng những chất liệu khác nhau như hoa tai vỏ sò, hạt chuỗi
bằng đá xanh. Những di chỉ khảo cổ học tìm thấy ở đây chứng tỏ Minh Cầm
là nơi cư trú của cư dân thời tiền sử.
Hang Minh Cầm còn biết đến bởi nơi đây là một danh thắng hang động
mà nhiều người từng nhắc đến. Năm 1931, bác sĩ Nguyễn Kinh Chi với tác
phẩm Du lịch Quảng Bình do nhà in Viễn Đệ-Đồng Hới ấn hành và năm 1937,
An Đình-Trần Kinh với Quảng Bình-thắng tích lục đã viết về hang Minh Cầm
với cảnh sắc tuyệt đẹp: "Trong tối tăm mù mịt, đi vào có đuốc đèn mới
được. Ở miệng hang có thạch nhũ trồi lên, giống hình tượng phật; nhìn
lên thấy đá nhủ xuống, xem thể lọng tàn. Đi thẳng vào bờ mười thước tây,
thấy đá trắng phau, xây thành tầng cấp, hình tròn bán nguyệt, giữa có
nước trong...".
Dãy lèn Minh Cầm gắn với truyền thuyết Tiên sa.
Nằm dưới chân núi Lạc Sơn, phía dưới chân lèn là dòng sông Gianh
uốn quanh bao bọc lấy cánh đồng Minh Cầm trang xanh tốt, với thiên
nhiên huyền bí, cảnh sắc hữu tình, dân làng nơi đây còn lưu lại một
truyền thuyết đầy thi vị:
Ngày xưa, vùng rừng núi Lạc Sơn-Lâm Lang có nhiều cây thuốc quý
nhưng cũng lắm thú dữ nên không ai dám đến. Bên kia sông, ở trang Minh
Cầm Nội có một chàng trai nhà nghèo thương mẹ già đau ốm nhưng không có
tiền chữa chạy thuốc thang. Nghe nói trên núi có Xương bồ, Giao lê những
vị thuốc tiên có thể chữa được bệnh cho mẹ, chàng trai mới đánh liều
lên núi. Sáng đó, chàng nấu cho mẹ nồi cháo tấm rồi luộc mấy củ khoai
khăn gói lên đường. Băng qua cánh đồng sau làng, bơi qua dòng Gianh đang
mùa nước cạn, chàng trai leo lên ngọn lèn nơi có một cửa hang lộng gió.
Đang tần ngần không biết đi lối nào thì bỗng thấy một người con gái đẹp
từ trong động bước ra hỏi:
- Chàng đi hái thuốc cho mẹ?
- Sao nàng biết? - Chàng thực sự ngẩn ngơ trước vẻ đẹp đoan trang của người con gái mà chàng chưa từng gặp.
- Chàng hãy theo em.
Nói đoạn rồi nàng quay gót vào động. Chàng trai theo người con gái.
Cửa hang ngoài thì rộng, vào hang lối đi càng hẹp dần. Trong bóng tối
âm u chỉ có ánh sáng phát ra từ chiếc áo trắng của nàng tiên nữ dẫn lối
chàng thấy cả một cung điện lộng lẫy với những pho tượng phật, những
vị la hán đang trầm mặc lặng im. Đây đó là muông thú đang canh giữ chốn
thâm u.
Đi được chừng mười mét, một hồ bán nguyệt được xây bằng những tảng
đá trắng tầng tầng lớp lớp, dưới đáy hồ nước trong xanh. Theo từng bậc
đá mà đi lên thì bỗng thấy lưng động thắt lại chỉ có một lỗ nhỏ chỉ vừa
đủ một người đi qua mà thôi.
Theo tiên nữ lách mình qua lối nhỏ, chàng trai bỗng thấy trước mắt
mình là một vườn tiên cảnh. Thấp thoáng đây đó nhiều nàng tiên đang nô
đùa trong cánh rừng sực nức hương thơm. Phía trên, nhiều cây cao trĩu
nặng những quả chín hồng tươi. Dưới chân chàng ngập tràn cỏ cây, hoa lá.
Chàng trai cứ theo lối cỏ mòn mà hái đầy giỏ thuốc. Ham hái cây thuốc
chàng bị lạc vào chốn bồng lai và không biết lối ra. Người ta không thấy
chàng trai trở lại.
Lại nói về người mẹ ở nhà, lạ thay khi chàng đi tìm thuốc người mẹ
khỏe ra, hết bệnh. Thấy con trai không về, hôm sau bà lên đường tìm con
trai nhưng bà đi cũng không thấy trở lại. Đã ba ngày trời không thấy hai
mẹ con trở về, dân làng mới vội đi tìm. Người ta bảo hai mẹ con đã được
đón lên tiên giới chỉ để lại hình bóng hóa đá trong hang. Dân làng thấy
vậy bèn dựng trước cửa hang ngôi đền thờ các vị thần tiên và hai mẹ con
nghèo khó...
Về danh lam thắng cảnh hang Minh Cầm cùng với truyền thuyết trên được một người vô danh viết lại thành thơ rằng:
Khen thay tạo hóa khéo xoay nên
Cảnh thú chùa Hang cũng cảnh tiên.
Dưới trải nệm rêu thêu vẽ gấm,
Trên che tàu đá nhuộm màu men.
Dấu tiên nối gót lăng nhăng giữa,
Tượng Phật vênh râu chỏm chẻm trên.
Xôi đá, đầu heo nhiều cảnh lạ,
Công hầu đến đó cũng đều khen.
Cảnh thú chùa Hang cũng cảnh tiên.
Dưới trải nệm rêu thêu vẽ gấm,
Trên che tàu đá nhuộm màu men.
Dấu tiên nối gót lăng nhăng giữa,
Tượng Phật vênh râu chỏm chẻm trên.
Xôi đá, đầu heo nhiều cảnh lạ,
Công hầu đến đó cũng đều khen.
Theo P. V. D (Quảng Bình Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét