Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Nồng ấm hương vị chè lam

Thảo Nga








Thưởng thức chè lam cùng trà nóng. Ảnh: Thảo Nga
(TBKTSG Online) - Về thăm xứ Đoài nơi có những rặng tre xanh mát, cây đa, giếng nước, mái đình… nơi có những người dân quê chân chất nồng hậu lại được nhấm nháp miếng chè lam cùng chén nước trà nóng mới cảm nhận hết hương vị quê hương.
Cách Hà Nội 30km, Thạch Thất nổi tiếng có chùa Tây Phương với các vị La Hán đã từng làm cảm hứng trong thơ của Huy Cận, lại có chùa Thầy với hang Cắc Cớ và rất nhiều làng nghề truyền thống. Và cho dù bạn đi bất cứ địa điểm nào trên những vùng đất này đều bắt gặp hình ảnh những phong chè lam được người dân tự làm và bày bán tại các địa điểm du lịch.
Không biết món chè lam có từ bao giờ, chỉ biết rằng xưa kia người dân nơi đây quan niệm nguồn gốc và lí do ra đời là từ tấm lòng người dân trong làng cũng như tấm lòng thành kính của phật tử.
Nguyên liệu để làm nên chè lam cũng rất đơn giản, đều là những nguyên liệu gần gũi như nếp cái, mật mía, gừng tươi, lạc nhân là đủ. Nhưng muốn chè lam ngon thì mật mía phải ngon. Nhiều nơi dùng đường trắng để làm bánh nhưng vị ngon ngọt không được đậm đà bằng chè lam làm từ mật mía. Mật mía để càng lâu lại càng ngon. Mía được dùng lấy mật phải là loại mía de, cây nhỏ nhưng đanh chắc, nước rất ngọt và thơm.
Lạc nhân đem rang rồi loại bỏ vỏ, giã dập sao cho không bị nát. Thứ thóc làm bánh phải là thứ thóc nếp cái hoa vàng, được sàng sảy thật kỹ trước khi rang. Rang thóc đến khi nở bung thành màu trắng là được. Khâu này đòi hỏi sự tỉ mỉ, nếu không bỏng sẽ bị cháy rất đắng. Bỏng rang được đem đi xay nhỏ rồi lọc lấy bột thật mịn. Bột bỏng chính là nguyên liệu làm cho bánh được dẻo và dai.
Khác với cách làm món chè lam ở nơi khác, ở đây các khâu đều làm thủ công, chỉ có bột là được nghiền bằng máy. Ngày nay công nghệ làm bỏng ở nhiều nơi khác đã được cải tiến nhiều hơn. Người ta làm một quả bom bằng gang hay bằng sắt rỗng. Một đầu hàn kín, hai đầu kia có thể đóng mở ra thật khít. “Bom” có thể quay tròn trên một giá đỡ. Đổ thóc nếp vào “bom” đốt lửa bên dưới và cứ xoay đều tay, “bom” nở ra, áp suất rất lớn. Hạt thóc nở biến thành bỏng trông như những bông hoa li ti màu trắng.
Mật được đun chín trước đổ vào khuôn. Ảnh: Thảo Nga
Tuy nhiên, quan trọng nhất trong quá trình nấu chè làm là khâu đun mật. Khi mật sôi, để thử độ mật, người ta thường cắm một chiếc que nhỏ vào rồi kéo ra, nếu mật kéo thành một dây mành sang như gương là được. Lúc này mới cho gừng và lạc vào trước, sau đó đổ bột vào. Đây là công đoạn cần đến nhiều sức lực nhất và người đàn ông trong gia đình thường phải làm khâu này. Phải đảo thật nhanh tay, thật đều để khỏi bị cháy và vón.
Khi bột chín được xúc ra khuôn được đóng sẵn, đáy khuôn và thành khuôn được lót một lớp bột mỏng để kẹo không dính được vào. Thường thì người ta dùng khuôn lớn sau đó mới cắt ra thành từng phong nhỏ. Dùng chày nện cho kẹo dính chặt vào nhau, để đạt độ dai, mịn, khoảng một đêm là kẹo khô.
Về với xứ Đoài, được thưởng thức những phong chè lam cùng chén nước trà nóng, du khách mới cảm nhận rõ hương vị quê hương ẩn trong hương nếp, mật mía, lẫn vị gừng cay sâu nặng từ thuở nào. Chợt nghe như văng vẳng bên tai câu hát trầm ấm, quen thuộc của nhạc sĩ Trần Tiến, “Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng. Khói chiều mênh mông, sông Đà buông nắng. Nhớ thương làng quê, lũy tre bờ đê. Ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ…”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét