Món lòng này ăn khá lạ vì phần da gà làm vỏ có vị ngậy ngậy, beo béo, thơm thơm
mùi đặc trưng của gà, khi ăn khá mềm, không dai.- Ảnh: Hồng Minh
Tôi có dịp ghé qua nhà một người họ hàng ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) và được mời ăn một món dồi rất lạ: bên trong giống như món lòng heo thông thường, nhưng vỏ thì lại làm từ... da gà.
Đã từng được nếm qua đủ thứ dồi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được ăn một món lạ như thế. Về thành phần miếng dồi, cơ bản thì nó không khác so với dồi làm từ lòng nhiều, nhưng phần bọc ngoài là da gà thì quả thật rất lạ. Miếng da giòn, mềm, ăn sần sật.
Tò mò tôi hỏi về nguồn gốc của món ăn này với vài người họ hàng. Mỗi người giải thích một kiểu. Vùng đất Di Linh là vùng đất tập trung rất nhiều người từ các địa phương khác tới đây làm kinh tế mới.
Trong đó có rất nhiều người quê Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa... Có người bảo nó là món ăn của người dân quê Nam Định mang vào, cũng có người bảo do người Thanh Hóa sáng tạo ra...
Tuy vậy, cách giải thích nghe có vẻ hợp lý nhất là do dân nhậu làm trong các đồi cà phê lúc thời vụ rảnh rang, rủ bạn tới chơi, chiêu đãi món gà đồi thả rông.
Món cổ, cánh luộc ăn mãi cũng chán, thêm nữa, gà đồi nên cổ dài và phần da cổ khá dày. Thế nên, nhiều người "bày đặt" làm món lòng cổ cho đỡ thèm món lòng lợn phức tạp lại hiếm ở vùng cao.
Phần lòng để nhồi cổ có thành phần làm gần giống như lòng heo. Tuy nhiên, tiết có thể tận dụng luôn tiết gà, thêm các loại rau thơm, lạc rang, đỗ tương rang trộn đều - Ảnh: Hồng Minh |
Ông chú tôi - một đầu bếp nghiệp dư (vì nghề chính của ông là công nhân trồng cà phê), quê Thanh Hóa chia sẻ: "Muốn ăn phải lăn vào bếp thôi, món lòng cổ gà này làm rất đơn giản".
Đầu tiên phải chọn chú gà tầm 2 cân, gà trống là tốt nhất vì cổ dài, da dày. Khi cắt tiết cũng phải khéo đừng cắt quá rách để cổ không bị nát.
Tiếp đó, cắt phần cổ gà từ đoạn dưới đầu đến gần phần cánh, chần qua nước sôi để dễ lột da. Phải lột nhanh, khéo để phần cổ không bị rách".
Ông chú chẳng ngại ngần chia sẻ thêm, phần lòng để nhồi cổ có thành phần làm gần giống như lòng heo. Tuy nhiên, tiết có thể tận dụng luôn tiết gà, thêm các loại rau thơm, lạc rang, đỗ tương rang trộn đều.
Luộc lòng cổ gà khoảng 10-15 phút là món ăn hoàn thành. Món lòng này ăn khá lạ vì phần da gà làm vỏ có vị ngậy ngậy, beo béo, thơm thơm mùi đặc trưng của gà, khi ăn khá mềm, không dai.
Phần nhân ăn thơm bùi mùi của các loại rau thơm và các loại đỗ đi kèm. Bạn có thể chấm với nước mắm ớt hoặc muối tiêu chanh để tăng thêm vị đậm đà.
Nếu có dịp du lịch qua vùng đất cao nguyên Lâm Đồng, bạn đừng quên thưởng thức thử món ngon này. Hoặc nếu khéo tay, bạn cũng có thể thử chế biến đãi ông xã xem sao.
Hồng Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét