Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Chờ ăn bánh đúc 'chảnh' Phan Đăng Lưu

Chờ ăn bánh đúc 'chảnh' Phan Đăng Lưu 1
Chủ quán phải luôn tay múc bánh nhưng khách vẫn phải chờ đợi vì quán quá đông 
Nhiều tín đồ ăn vặt Sài thành không ngần ngại chờ "dài cổ” để được ăn món bánh đúc hấp dẫn trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận.
Bánh đúc là một món ăn chơi xứ Bắc, hợp với những ai có thời gian rảnh trong giấc từ 2h đến buổi chiều tối, lót bụng trước bữa ăn chính. Vậy nên, đó cũng là lúc quán bánh đúc nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu này tấp nập thực khách ra vào.
Quán thực ra là một ngôi nhà nhỏ xíu với một khoảng sân nhỏ đằng trước, cũng vì vậy mà chỉ có ghế nhựa thấp, không có bàn, khách muốn thì lấy ghế làm bàn luôn. Khách đến ngồi xúm xít, san sát, đủ mọi lứa tuổi.
Ngạc nhiên nhất là thực khách rất kiên nhẫn chờ mình được “ngó ngàng” tới. Ai tới cũng kêu to lên “Cho một phần bánh đúc!” rồi ngồi đợi. Nếu bạn chờ đợi một gương mặt thân thiện đến và hỏi “Anh chị dùng gì?” như bao hàng quán khác ở Sài Gòn thì chắc chắn ở đây bạn sẽ bị hụt hẫng cao độ.
Tất nhiên, nếu không gây chú ý với người bán thì bạn sẽ phải chờ lâu hơn chút. Nhưng chắc chắn bạn sẽ vẫn được phục vụ, vì người bán tuy có bận túi bụi nhưng vẫn biết khách nào tới trước, khách nào tới sau (dù thỉnh thoảng cũng có lúc nhầm lẫn).
Sở dĩ nhiều người phải ngồi đợi hơi lâu vì nhiều khách ăn trước, biết cái “chảnh” của chủ quán nên kêu liền chục phần mang về cho bõ công. Phải đóng gói cho khách mang về xong xuôi thì mới đến lượt bạn được phục vụ.
Món bánh đúc ở đây được chan ngập nước mắm pha loãng vị ngọt, hơi mằn mặn, có thịt bằm với nấm mèo và rất nhiều hành khô đã phi vàng. Cách ăn này hơi giống với món bánh giò chan nước mắm thịt bằm ở quán phở chua Lạng Sơn gần chợ Bàn Cờ. Là món quà ăn nhẹ nhàng, vừa đủ lưng lửng bụng, có vẻ dân dã nên rất nhiều người thèm thèm, nhớ nhớ.
 Chờ ăn bánh đúc 'chảnh' Phan Đăng Lưu 2
Món bánh đúc dân dã này được chan nước mắm ngọt, nhiều hành phi cùng hỗn hợp
thịt bằm gây thèm thèm, nhớ nhớ


Quán chật nên khách phải lấy ghế làm bàn
Cô bạn từ Hà Nội mới vào đi cùng tôi thở dài: "Cứ tưởng chỉ có Hà Nội mới có quán chảnh, nào phở xếp hàng, cháo quát, bún mắng…thế mà ở đây cũng có những vẻ mặt của thời bao cấp Hà Nội thế này".
Một thực khách là chuyên gia “ăn hàng” lý giải: Khi đã ghiền một món ăn gì, người ta không quan tâm lắm đến thái độ chủ quán, mà còn đồng cảm với họ, thậm chí là "tôn vinh" họ. Khách đông mà ai cũng muốn được phục vụ trước thì sẽ có lúc họ nổi cáu vì làm không kịp. Mà món ăn Việt Nam thì không phải cứ dọn sẵn là ngon được, mà khách tới mới múc. Mà đâu phải múc một lần là xong, còn đủ thứ gia vị cho vào món ăn cơ mà.
 Chờ ăn bánh đúc 'chảnh' Phan Đăng Lưu 4
Nồi bánh đúc quyến rũ bao thế hệ thực khách

Là "món hiếm" nên khách sẵn sàng chờ đợi, không quan tâm đến chất lượng phục vụ

Và có lẽ vì ghiền mà nhiều thực khách sẵn sàng chờ đợi cho món mình yêu thích, không quan tâm đến chất lượng phục vụ như ở quán bún riêu ngay cổng công viên Văn Lang, mì sườn ở đường Lò Siêu, quán ốc góc Trương Định, Kỳ Đồng hay quán bánh canh cua, giò heo trên đường Trần Khắc Chân (quận 01). Kỳ lạ ở chỗ, mặc dù khó chịu với người bán nhưng thực khách vẫn tìm đến đây và sẵn sàng chờ đợi.

Đôi khi những cái vốn dĩ quen thuộc thì thật khó mà thay đổi. Chờ đợi lâu, dịch vụ chưa tốt... dù đi ngược lại với nguyên tắc kinh doanh, nhưng thật ra lại là một... điểm mạnh của những hàng quán dạng này. Cũng là một nét chấm phá thú vị trong đời sống ẩm thực Sài Gòn.
Giang Vũ
 Chờ ăn bánh đúc 'chảnh' Phan Đăng Lưu 6
Bánh đúc Phan Đăng Lưu
116/11 Phan Đăng Lưu, phường 03, quận Phú Nhuận
Mở cửa: 2 giờ chiều đến 6-7 giờ tối
(nghỉ bán vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng)
Giá bán: Bánh đúc (16.000đ/chén)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét