Mới nhai, nghe nấm đắng tàn nhẫn. “Đón” thêm ly rượu dư giả cay lẫn đắng lại ngọt bất ngờ nơi vòm họng! Một anh bạn nửa đùa nửa thật: “Nấm tràm làm thầy đời tốt đó! Ăn nữa đi!".
Nhóm chúng tôi, hội đủ ba miền, rong ruổi trong ngoài nước cũng nhiều. Song cả ba, chưa có diễm phúc nhìn thấy “tay” nấm tràm tươi tròn méo ra sao. Thật tình cờ, trong lần về thị trấn Đức Huệ, tỉnh Long An gần đây, làm phóng sự về mắm chua cá lia thia lại được diện kiến mớ nấm có màu dù (ô) vàng cam pha sắc tím.Rước ếch vùng biên
Cũng như nấm mối, phải có “mưa đi, nắng lại” thì nấm tràm mới mọc lên, theo những người dân ở gần vùng giáp giới Đức Huệ -Campuchia. Còn khác ở chổ, “ổ” nấm tràm có thể mọc nhiều đợt, cùng một nơi, suốt 2 -3 tháng đầu mùa mưa. Cho nên, họ được ăn nấm tràm “dai” (lâu) hơn nấm mối.
Khỏi phải nói, tâm trạng háo hức của chúng tôi, trước tô cháo ếch nấm tràm bốc khói mời gọi. Phần mũ nấm đắng gay gắt hơn “tay” nấm. Bù lại, nó giòn hơn. Nhai thêm cái đùi ếch “chân dài” thịt chắc nịch, lại nghe ngọt, bùi mê mải! Suối tân dịch tuôn ra nhiều hơn trong vòm miệng. Thêm thèm ăn khủng khiếp!
Quả là một vị đắng lạ, nhẹ “đô” hơn vị cây ký ninh nhưng cao hơn đọt sầu đâu một bậc. Đắng như thử thách sức chịu đựng của vị giác. Thử ngậm lại, nhai kỹ hơn, đợi 3 - 5 phút sau bỗng nghe ngọt thanh, tựa cái “hậu” của ngụm trà ngon hay cam thảo. Tàn tiệc, cảm giác thần diệu ấy vẫn còn “ngự trị” đến vài giờ sau. Hoặc qua hôm sau, người ăn định thần nhớ lại, cảm giác ngọt ngào ấy vẫn theo về - tươi nguyên!
Một thổ địa ở đây, mắt long lanh như trẻ con được quà, vung tay nói tựa reo: “Tuyệt chiêu lắm! Đắng gặp đắng lại ngọt, lạ kỳ không? Thử đi! Trật tui... chết liền!” Theo lời anh bày, tôi nhai nhỏ nhẻ một tay nấm, uống vào ly rượu đế, quả là “ngọt ngay”.
Nếu không, uống vào tí nước mưa hoặc nước cháo thịt ếch bằm nhuyễn vẫn “ngọt như xưa”. Thật khó lý giải nổi!
Mới đầu, anh Ngữ Yên cảnh báo: ăn cháo nấm tràm buổi trưa coi chừng say, dễ buồn ngủ. Anh và một số đồng nghiệp đã ăn cháo cá lóc nấu nấm tràm khô, bán ở chợ Lái Thiêu, đều thèm... võng để chợp mắt. Tuy nhiên, cháo nấm tràm tươi thì không!
Quay sang con ếch “hàng xóm” của nấm tràm trong đồng bưng. Do cộng sinh dưới tán rừng tràm, nên hoa văn trên mình nó trội màu xanh đen, không lốm đốm màu vàng hoa mướp, nụ bí như ở đồng bằng. Những vạt rừng giàu cây tinh dầu như bạch đàn, tràm, cùng bưng cỏ năn kéo dài suốt 27 -28 km, từ thị trấn Đức Huệ đến biên giới “Tho - Mo” là địa bàn lý tưởng cho đám ếch an cư. Con lớn nhất cỡ 300gr, theo lời anh Lê Văn Nhủ, chuyên thu mua ếch, ở gần cầu Rạch Gốc trong thị trấn.
Cháo ếch đồng “bồng” nấm tràm, nhiều thử thách lắm... “cám dỗ”! - Ảnh: Trần Việt Đức |
Ếch tương ngộ nấm tràm, giúp bồi bổ thể lực, sáng mắt, trợ gan, tuần hoàn máu thông suốt... cho người ăn, nhất là gặp lúc giao mùa: nắng mưa thất thường, theo đông y và y thực (ăn thay thuốc) triều Nguyễn.
Níu nấm?
Tuy vậy, ông Nguyễn Phúc Ưng Viên cho rằng, nấm tràm dây mới nên thuốc nhất. Tràm dây là một loại trám rừng, leo bám chặt vào những thân cây cổ thụ. Rồi thời gian thoi đưa cùng mưa - nắng, làm lớp vỏ cây hoai mục dần, khi gặp ẩm độ thích hợp, những “dề” bào tử nấm tràm sẽ phát triển thành nấm.
Tầm tháng 9 -10 âm lịch, những cơn mưa lũ hung hãn thường tung hoành khắp núi rừng, sông núi miền Trung. Đưa đẩy các tảng vỏ cây đang hoai mục, mọc chi chít nấm tràm trôi xuống hạ lưu. Dân địa phương chỉ việc đón vớt lấy chúng. “Làm chi chẳng ngon nhớ đời!”, ông Ưng Viên chép miệng nói. Mắt ông chợt buồn xa xăm, giọng khi bùi ngùi, lúc tức giận: “Đó là chuyện của 20 -30 năm về trước. Nay kiệt rồi! Phá quá mà...”
Kế đến, “á hậu” nấm tràm thuộc rừng tràm cừ hoặc tràm gió (lấy lá chưng cất thành dầu gió) nguyên sinh, thứ sinh. Đặc biệt, những giống tràm này không quá to, cao khoảng 2 - 3m, mặc dù đã trải qua hai cuộc chiến tàn khốc vẫn... “sống nhăn”. Trước có thể bắt gặp nấm ở rừng tràm Mộc Hóa, xã Bình Phong Thạnh, tỉnh Long An. Nhưng vài ba năm nay, chúng lại... vắng bóng. Dược sĩ Nguyễn Văn Bé lý giải, do nồng độ phèn chua và nước lợ ngày càng cao hơn.
“Nấm tràm bông trắng cho hương vị vượt trội so với tràm bông vàng (keo lá tràm), cũng như thịt cá đồng luôn hấp dẫn hơn cá nuôi.” Anh Nguyễn Thắng Lợi, ở thị trấn Đức Huệ, tỉnh Long An cho biết thêm. “Cây nào ẹo tới, ẹo lui nhiều sẽ có bộn (khá nhiều) nấm. Tiếc thay, vùng này đã mỏn (hiếm dần) mấy loại tràm “nhỏ mà có võ đó.”
Trở lại chuyện ăn thay thuốc theo kiểu mùa nào thức nấy của ông cha ta từ ngàn xưa. Đắng vẫn là chủ vị, trong mối tương quan đắng - cay - mặn - ngọt - chua của một thực phẩm tốt, theo sách Thần Nông Bản Thảo của Trung Hoa cổ đại.
Bên cạnh đó, tài liệu về “Nấm tràm” của kỹ sư Hồ Đình Hải, thuộc Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật tỉnh Long An, còn cho biết một thông tin quý giá khác. Giúp kháng viêm, chống khối u và các tế bào ung thư, đó là các công dụng đáng nể của nấm tràm, được công ty First - nature.com ở Wales, nước Anh, công bố.
Mặt khác, nếu xét ở góc độ sâu rộng hơn, vẫn có mối liên quan mật thiết giữa rừng thượng nguồn và làng mạc hạ nguồn; đồng bằng trù phú với đồng bưng cằn cỗi.
Vị thầy thiên nhiên luôn khắc nghiệt song rất mực vị tha, miễn sao chúng ta “núm... níu” cho phải đạo!
Tấn Tới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét