Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Đậu phụ và... buổi chiều Phố Cáo

TTO - Sống động và rộn ràng, mộc mạc và thân thiện, đó là tất cả những gì tôi đã lưu giữ lại trong ký ức với... món đậu phụ khi có dịp đi qua Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) vào đúng dịp chàng trai Mông cưới vợ, cũng là lúc đứa con đầu lòng được 1 tháng tuổi.
Phố Cáo một ngày đông đầy nắng
Một ngày đông đầy nắng. Nắng cao nguyên vàng rực trên nền trời xanh đến rút ruột, cháy đỏ và làm nứt nẻ những đôi má hồng bầu bĩnh của bọn trẻ con. Trong khi đám đàn ồng ngồi quây quần và khề khà bên niêu mèn mén, chén rượu ngô thì cánh đàn bà đang hối hả làm đậu phụ, một vài người khác đang đi sắp xếp bàn ghế. Chiều nay sẽ tổ chức tiệc mừng.
Cùng với cây ngô, người Mông vẫn trồng đỗ tương trong thung lũng, hai loại cây nông sản có giá trị quan trọng góp phần nâng cao đời sống của người dân trên miền cao nguyên đá. Nhà nào cũng có thể tự chế biến lương thực từ nguồn nông sản của chính gia đình. Bởi thế, mỗi khi nhà có việc, hàng xóm láng giềng sẽ góp công góp sức cùng với gia chủ, tự chuẩn bị đồ ăn, thức uống rồi cùng nhau chia sẻ niềm vui.
Do điều kiện gia cảnh, đám cưới của chàng trai người Mông sẽ được tổ chức giản dị. Đậu phụ là một trong những món ăn chính của bữa cơm chiều. Thông thường, người Mông sẽ ngâm đậu tương vào nước lạnh, đãi sạch trước khi cho vào cối đá xay thành bột nước, đựng trong những chiếc chậu lớn.
Ở phía ngoài đường, có hai người phụ nữ dùng gáo múc bột cho vào một túi vải dầy lớn, đứng cạnh một chiếc máng gỗ cũng lớn và chắc chắn là có tuổi với hình ảnh bóng bẩy và lên nước của nó. Họ cùng dùng tay để ấn và vắt túi bột, lọc bỏ bã đậu và thu về thứ nước đậu nành trắng trẻo, sánh, sạch, theo máng gỗ chảy xuống một chiếc chậu đã chờ sẵn.
Ngay cạnh đó là một bếp củi lửa cháy liu riu, cùng một chiếc chảo gang lớn. Bột đậu nành đã lọc (sữa đậu) được cho vào chảo và đun nóng lên, vừa đun vừa dùng muôi gỗ lớn nguấy đều chống cháy ở đáy chảo, khói bếp lẫn vào với nắng trưa tạo cho khung cảnh lao động một vẻ đẹp thật kỳ diệu.
Người phụ nữ Mông đang lọc sữa đậu bên chiếc máng gỗ lâu đời
Sữa đậu được đun trên bếp củi nhỏ lửa, khuấy nhẹ bằng muôi gỗ
Khuôn làm đậu bằng gỗ của người Mông, sữa quấy xong sẽ được đổ vào khuôn
Chảo sữa đậu luôn được khuấy đều và đến khi sôi lăn tăn thì được bắc khỏi bếp, đổ sang chậu để tiếp tục nấu mẻ sữa đậu mới. Sữa đậu trong chậu được hòa thêm với muối và chất chua để tạo kết tủa trước khi cho vào khuôn ép.
Khuôn của người Mông làm bằng gỗ, hình vuông, bên trong có lót một miếng bao bố. Sau khi dùng miếng bao này gói kín lớp sữa đậu đã đổ vào khuôn, sẽ có một chiếc vung cũng bằng gỗ được ấn vào khuôn đè lên bề mặt, ấn cho lượng nước đậu dư chảy ra ngoài.
Trẻ con và cả người lớn lúc này đều rất háo hức trước thành quả của mẻ đậu phụ. Nhiều người hớn hở cùng xúm lại để nhấc vung gỗ ra khỏi khuôn, rồi dùng dao chia lớp đậu phụ mềm mềm ấm nóng ra thành nhiều miếng nhỏ vừa ăn. Một vài người phụ nữ lấy những miếng đậu phụ vỡ bé để ăn thử hay chia cho đám trẻ trước khi chuyển cả mẻ đậu sang giá phơi trên nóc bể nước.
Quy trình đậu phụ vẫn đang tiếp tục đều đặn, không biết để làm đám cưới, gia chủ và những người hàng xóm sẽ làm bao nhiêu mẻ đậu phụ như thế này?
Hớn hở chuẩn bị dỡ mẻ đậu phụ đầu tiên
Món đậu phụ Phố Cáo làm đám cưới cho bữa cơm chiều
Say sưa ngắm nhìn và chụp ảnh công đoạn làm đậu phụ của người Mông ở Phố Cáo, tôi như quên hết tất cả những muộn phiền phố thị. Bạn đồng hành đang rón rén bước qua cái ngưỡng cửa cao, vào căn nhà tranh tối tranh sáng, nơi có những người đàn ông đang ngồi chuyện trò bên bếp lò và uống rượu.
Ai cũng nhiệt tình nhường cho anh chiếc ghế gỗ, ấn vào tay anh chiếc thìa và chỉ vào xoong mèn mén đặt giữa nhà, rồi mời anh uống một chén rượu ngô mừng cho hạnh phúc của anh con trai gia chủ. Một cảm giác ấm áp lan tỏa trong tâm hồn.
Vừa trải qua những giây phút sống động và rộn ràng ngoài kia, giờ lại được cảm nhận sự mộc mạc thân thiện truyền sang từ đôi tay nứt nẻ, đen đúa của người đàn ông đang mời tôi chén rượu trong leo lẻo. Rượu cạn môi và má tôi hồng lên.
Đôi khi, niềm vui hiện diện quá đỗi bất ngờ. Niềm hạnh phúc của một lần qua Phố Cáo.
BĂNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét