Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Lịch um lá nhàu, món ngon miền Tây

TTO - Mỗi khi nhắc đến con lịch, những ký ức năm tháng tuổi thơ cùng bạn bè rủ nhau đi thụt lịch (móc lịch) trong tôi lại hiện về. Với người dân miền Tây, từ xưa đến nay con lịch và những món ăn từ lịch đã không còn xa lạ.
Nguyên liệu chính lịch um lá nhàu - Ảnh: T.Tâm
Lịch sinh sống quanh năm dưới những bãi bùn nơi các kênh, rạch ở đồng bằng sông Cửu Long. Lịch có hình dáng tựa con lươn bông, to nhất cỡ ngón chân cái, lưng màu đen, đuôi ngắn, dẹp, xòe ra tựa cánh quạt. Với người dân nơi đây, lịch béo ngon nhất là vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 âm lịch.
Mùa này, chỉ cần mang cái giỏ tre, miệng có hom kín, xỏ dây lác nơi miệng giỏ buộc chặt ngang hông là đủ bộ đồ nghề đi móc lịch. Đợi khi nước dưới sông giựt, cả bọn lội xuống bãi bùn nơi mé sông, thấy chỗ nào có hang và trên miệng hang có lớp bùn non mới trào ra là lấy tay thọc sâu vào móc.
Theo y học hiện đại, thịt lịch có nhều chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất khác (vitamin A, B1, B6...), sắt, natri, kali, canxi... Theo y học dân gian, thịt lịch có tác dụng bổ khí huyết, trừ phong thấp, bổ sung dinh dưỡng cho người gầy yếu, tăng cường khả năng tình dục...
Khi đụng phải lịch thì dùng ngón tay trỏ ngoéo chặt phần lưng để lịch không cử động được và nhanh tay kéo lịch lên cho vào giỏ. Một người có kinh nghiệm và may mắn trong vài giờ có thể bắt vài ký lịch dễ dàng.
Với các bà nội trợ miệt vườn miền Tây, thịt lịch dai, béo, thơm ngon hơn lươn (nhất là phần đuôi), được chế biến thành nhiều món ăn như lịch um rau ngổ hoặc lá cách, lá lốt, xào sả ớt, kho mắm, nấu chua, làm gỏi... Và món ăn các đấng mày râu tán thưởng nhất là món lịch um lá nhàu.            
Lịch bắt được đem về dùng tro bếp vuột sạch nhớt, mổ bụng móc bỏ hết ruột, rửa sạch để ráo, cắt đôi hay để nguyên con tùy thích. Tiếp đến, ướp gia vị cho vừa khẩu vị để ngấm khoảng 15 phút. Lá nhàu dùng lá vừa ăn rửa sạch, để ra rổ cho ráo. Cho lá nhàu cùng vài tép sả đập giập lót dưới đáy nồi rồi cho lịch vào phủ lên trên một lớp lá nhàu nữa.
Cuối cùng, đổ nước cốt dừa vào đặt lên bếp um dưới ngọn lửa liu riu đến khi thấy lá nhàu ngả màu sẫm, da lịch nứt ra là chín. Lúc này, chỉ cần múc ra dĩa và rắc lên một nhúm đậu phộng rang giã giập.
Lịch um lá nhàu thơm ngon và hấp dẫn - Ảnh: T.Tâm
Nhưng nếu để thế mà dùng là một thiếu sót lớn vì không thưởng thức trọn vẹn chất lượng món ăn.
Có thể khẳng định một cách dứt khoát rằng “linh hồn” của món lịch um lá nhàu là nước chấm. Nước chấm là một hỗn hợp nhiều gia vị khác nhau như nước cốt dừa, sả băm, nước mắm, bột ngọt, ớt, đậu phộng rang giã giập... cho vào nồi nấu sôi. Và để làm cho món ăn “thăng hoa”, món nước chấm phải hơi sệt, tròn vị, mặn, béo, chua, cay và ngọt...
Dùng đũa giẽ một miếng thịt lịch cùng miếng lá nhàu chấm vào chén nước chấm đưa lên miệng nhai chậm rãi sẽ cảm nhận vị béo, ngọt, dai của thịt lịch cùng vị nhân nhẫn hậu ngọt của lá nhàu; béo béo của đậu phộng, nước cốt dừa; cay cay của sả, ớt lan tỏa vào vị giác len xuống thực quản. Và một miếng cơm nóng vào nữa thì thật tuyệt!...
Cũng cần nói thêm về lợi ích từ cây nhàu. Theo đông y, cây nhàu có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả (rễ, thân, lá, trái). Rễ nhàu có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, làm êm dịu thần kinh giao cảm, giảm đau nhức, hạ huyết áp... Trái nhàu có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu... Lá nhàu có tác dụng tăng lực, hạ sốt, điều hòa kinh nguyệt... Lá nhàu non um với lịch rất tốt cho người bị suy nhược cơ thể, tráng dương, cường thận...
Nếu có dịp về đồng bằng sông Cửu Long vào mùa này, bạn hãy tìm cơ hội để thưởng thức món lịch sông um lá nhàu thơm ngon hấp dẫn này!
THANH TÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét