Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Di tích lịch sử hang Lèn Hà - Quảng Bình

Nguồn: website Quảng Bình

Trong khu vực núi Lèn Hà, thuộc xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách tuyến đường chiến lược 15A khoảng 3km có một hang cao được dân địa phương gọi là hang Lèn Hà. Hang nằm ở lưng chừng núi, có độ cao 150m, đỉnh cao nhất là 320m, rộng khoảng 420m.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hang được Trạm Cơ vụ A69 thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 134, Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc cải tạo thành nơi đặt máy móc điện đàm liên lạc; dưới núi là rừng cây rậm rạp rất dễ ngụy trang được xây dựng làm khu nhà nghỉ, hội trường sinh hoạt của Trạm Cơ vụ A69 và làm kho dự trữ hàng chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trạm A69 là trạm thông tin có vị trí cực kỳ quan trọng, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin Bắc - Nam từ Hà Nội đến đường 9 - Nam Lào; cho Cụm kho Binh trạm 25 thuộc Đoàn 559 ở Thanh Lạng; là nơi dự trữ vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến trường miền Nam; bảo đảm thông tin cho Binh trạm 12 ở Cổng Trời và Sư đoàn Phòng không 367, làm nhiệm vụ bảo vệ các trọng điểm trên tuyến đường giao thông huyết mạch từ Hương Khê - Hà Tĩnh đến Tân Ấp - Quảng Bình và các ga Khe Nét, ga Tân Ấp, ngầm Kà Tang, Khe Dinh, Viện 4, Quân khu 4; cho Đồn Biên phòng Cha Lo, làm nhiệm vụ tiễu phỉ, bảo vệ cửa khẩu biên giới Việt Lào và căn cứ Hải quân ở Ba Đồn (Quảng Bình), làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bờ biển. Đường dây của trạm nối liền với mạng thông tin của Bộ Tư lệnh 559, chạy dọc đường 12A (Quảng Bình) và đường 8 (Hà Tĩnh), đi qua nhiều trọng điểm địch đánh phá ác liệt, địa hình hiểm trở như Khe Nét, Thanh Lạng, Đò Vàng...

Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, phát hiện được hoạt động của Trạm Cơ vụ A69 và vị trí quan trọng của hang Lèn Hà, địch thường xuyên tập trung đánh phá ác liệt vào khu vực hang. Đặc biệt vào lúc 13 giờ 25 phút ngày 02/7/1972, máy bay giặc Mỹ bất ngờ ập tới bắn pháo khói vào nhà ăn của Trạm để chỉ điểm. Chưa đầy 5 phút sau, hai máy bay B52 bay đến ném 3 quả bom vào hai đầu núi và một quả vào chính giữa hội trường. Tiếp đó chúng đánh bom phát quang, bom cháy, khu vực Trạm bị bốc cháy dữ dội. Cuộc đánh phá của địch diễn ra trong vòng 5 phút nhưng gây thiệt hại hết sức nặng nề: Trạm máy trên hang đá cao bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và khoảng 1.500m đường dây quanh khu vực trạm bị đứt nát không làm việc được; 13 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có 10 chiến sỹ gái, nhiều chiến sĩ bị thương. Cả một khu vực rộng lớn của Trạm bị bom địch đánh phá gây ra bao đau thương và tổn thất cho Trạm Cơ vụ A69. Nhưng với tinh thần tất cả cho nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc, các chiến sỉ đã gạt nước mắt, nén đau thương để tiếp tục làm nhiệm vụ và chỉ sau 1 giờ đồng hồ, thông tin liên lạc đã được khôi phục thông suốt, Trạm máy được củng cố. Việc cứu chữa thương binh, tìm thi thể và mai táng 13 đồng chí hy sinh được thực hiện khẩn trương và chu đáo.

Trong suốt quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho các chiến trường, bất chấp mưa bom bão đạn của địch, không ngại gian khổ, hy sinh, cũng như khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, các cán bộ chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 đã kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để tiếp chuyển hàng trăm ngàn phiên liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, phục vụ cho Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị chiến đấu, tiêu biểu là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Cánh Đồng Chum năm 1971, chiến dịch Quảng Trị năm 1972...

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh mất mát, nhưng với tinh thần “Tất cả cho chỉ huy chiến đấu giành thắng lợi”, “Tim còn đập mạch máu thông tin còn thông suốt”, cán bộ, chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 vẫn kiên cường bám trụ để làm nhiệm vụ. Và trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng thà hy sinh tất cả nhưng nhất định không để mạch máu thông tin gián đoạn. Bằng ý chí quyết tâm, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cán bộ, chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 liên tục 4 năm liền (1970-1973) là “Trạm cơ vụ tiên tiến”; Đại đội 9, 3 năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”; Trạm Cơ vụ A69 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 02 Huân chương chiến công hạng Nhì. Năm 1970 và 1971 được công nhận là Trạm kiểu mẫu; năm 1972 được Trung đoàn tặng bằng khen. Hang Lèn Hà là nơi thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của các cán bộ, chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 134 anh hùng.

Chiến tranh lùi xa đã hơn 30 năm nhưng những chiến công, những thành tích và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 sẽ mãi mãi là niềm tự hào của những người dân đất Việt.

Hang Lèn Hà đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng và đã được Bộ Tư lệnh Thông tin, UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng Miếu, Bia để ghi danh, tưởng nhớ các cán bộ, chiến sĩ Trạm Cơ vụ A69 đã hy sinh anh dũng trong ngày 02/7/1972 dưới chân Lèn Hà./.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét