Ở
làng làng Chuêt, làng Vân và nhiều ngôi làng khác ở Gia Lai, người
J’rai thể hiện sự tiếc thương người bạn đời đã khuất bằng một cách rất
lạ lùng và đầy ngỡ ngàng là “hoăm nơi”....
"Hoăm nơi" nghĩa là kiêng tắm. Người bạn
đời còn sống trong suốt thời gian làm ma chay đến lễ bỏ mả không được
tắm gội, không được mặc đồ sạch đẹp, không được cắt tóc, chải đầu.
Người J’rai cho rằng nếu phạm các điều
này, linh hồn của người đã khuất sẽ cứ đeo bám người sống. Hơn nữa,
người vợ hay người chồng còn sống sẽ bị ghẻ lạnh xem như hư hỏng và
không chung tình.
Càng hôi hám bẩn thỉu càng… nặng tình
Càng hôi hám bẩn thỉu càng… nặng tình
Buổi chiều muộn buông xuống làng Chuêt
(Pleiku, Gia Lai) một màu ảm đạm. Phía cuối làng là cánh rừng còn khá
nguyên sơ và rậm rạp, từ xa nhìn vào đã thấy hiển hiện sự thâm u, huyền
bí. Ở đó, những người xấu số được mang vào an táng theo thể thức bỏ mả
ngàn đời nay của người J’rai.
Đã từng đắm chìm vào nhiều cách thể hiện
lạ lùng trong các vùng đất còn nguyên sơ và kỳ bí ở Tây Nguyên nhưng
chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước luật kiêng tắm khi có người chết ở
các bản làng người J’rai ở mảnh đất Gia Lai này. Tình cờ đến lạ, người
đầu tiên chúng tôi gặp ở làng Chuêt là chị Y Hai Thu.
Thu ngồi rũ rượi trước bậc thềm trong
căn nhà ván đã xỉn màu cũ kỹ của gia đình mình, dẫu thấy khách lạ ghé
vào hỏi thăm nhưng chị vẫn ngồi bất động như không mảy may hay biết điều
gì cả, nửa lời cũng không cất lên. Nhìn bộ dạng của Y Hai Thu dễ gợi
cho người ta ý nghĩ về một người bà điên, thế nhưng hoàn toàn không phải
vậy.
Giải thích cho những băn khoăn của
khách, bà Y Ni Tun, một trong những người già ở làng Chuêt nói như khẳng
định rằng: “Nó là con vợ ngoan đấy. Cứ nhìn tóc nó rũ rượi, áo quần nó
xộc xệch và bốc mùi hôi hám thế kia là biết cái bụng nó thương chồng đến
mức nào rồi. Chồng Y Hai Thu vừa chết và được đưa ra rừng ma cách đây
gần 20 ngày thôi nên nó không được tắm rửa, thay quần áo hay cắt tóc gì
hết.
Phải như thế để thể hiện lòng chung thủy
và nhớ nhung chồng mình chứ”. Không chỉ làng Chuêt, mà ở làng Vân (Chư
Pah, Gia Lai) cộng đồng người J’rai cũng giữ vững nguyên tắc này. Người
vợ không may đã mất cách đây 25 ngày vì bạo bệnh nhưng Y Tút vẫn chưa
bước chân ra khỏi làng.
Mọi sinh hoạt ăn uống của anh chỉ quanh
quẩn trong gian nhà gỗ rộng chưa đầy 30m2, nơi từng là tổ ấm của hai vợ
chồng. Ông Y Linh-bố Y Tút bảo: “Theo luật lệ của cộng đồng mình, phải
kiêng tắm, chồng hay vợ chết thì người còn sống đều phải nghiêm ngặt
thực hiện điều này”.
Đứng cách xa Y Tút đến vài mét, chúng
tôi vẫn ngửi thấy một mùi khét lẹt. Thế nhưng ông Y Linh lại xem đó là
niềm tự hào và bộc bạch: “Càng hôi hám, càng bù xù tóc rối nghĩa là lòng
tiếc thương cho người chết càng nhiều. Người vợ hay người chồng chết
thì người sống ăn uống còn chả thiết chứ nghĩ gì đến việc tắm, gội hay
mặc áo mới.
Đặc biệt, sau khi chồng hay vợ mất,
những người vợ, người chồng còn sống trong vòng 40 ngày tuyệt nhiên
không được nói cười, nô đùa hay tiếp chuyện những người xa lạ. Nếu làm
trái xem như đó là kẻ xấu, có bụng dạ tồi tệ.
Trước đây thì quy định nghiêm ngặt hơn,
để thể hiện lòng thương tiếc và thủy chung với những người vợ, người
chồng đã chết thì người vợ hay người chồng còn sống phải 2 tháng không
được tắm gội hay ăn mặc đẹp. Nhưng nay thì rút xuống còn 40 ngày thôi.
Nếu chưa qua 40 ngày mà những người sống đã tung tăng vui cười thì sẽ bị
dân làng ghẻ lạnh và có khi còn đuổi đi”.
Lễ cởi trói được tổ chức hát múa rất trang trọng
Cạo trọc đầu, chờ ngày tóc dài mới tái hôn
Hôm dẫn chúng tôi ra nơi an táng những
người quá cố trong khu rừng ma của làng Chuêt, già làng Y Phung còn tâm
sự nhiều chuyện mà nếu không trực tiếp nghe thì khó mà tin được đó là sự
thật. Ông bảo, có người phụ nữ vì quá thương tiếc và chung thủy với
người chồng quá cố mà để tóc dài đến tận bàn chân mới chịu tắm gội đấy.
Khi người vợ hay người chồng chẳng may
mà mất đi, người vợ, người chồng còn sống sẽ quỳ sụp trước mộ để nghe
những già làng đọc một bài cúng kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ. Bài cúng
này như một sợi dây vô hình buộc những người vợ, người chồng còn sống
phải một lòng nghĩ về người đã khuất trong thời gian quy định.
Theo già làng Y Phung, khi người chồng
có vợ chết, trong bài cúng đó có đoạn: “Hỡi linh hồn xấu số, hãy yên
nghỉ dưới tán cây rừng. Chúng ta bỏ mả cho các linh hồn. Hãy bình yên,
đã có chồng thương nhớ. Qua 40 buổi mặt trời mọc lên và lặn xuống chồng
ngươi mới rũ bỏ những hơi ấm đọng lại trên thân thể nó, không có giọt
nước nào được xâm nhập vào mái tóc nơi ngươi từng chạm vào.
Chưa qua mùa lá rụng, chưa qua mùa con
chim Katâu (chim ma) sinh sản thì lòng tưởng nhớ vẫn còn. Hãy yên nghỉ
đi, hãy về với rừng đi…”. Ngược lại với những người vợ có chồng chết các
già làng cũng đọc bài cúng này và chỉ cần thay đổi cách xưng hô mà
thôi.
Theo sự chỉ dẫn của già làng Y Phung,
chúng tôi lại quay lại làng Vân. Bởi theo ông Y Phung ở đó đang có thêm
một sự chuyển biến lạ lẫm khác trong tâm thức của những người J’rai. Cơn
mưa phùn trái mùa đầu đông bất chợt đổ xuống cánh rừng già của làng
Vân.
Dẫn chúng tôi đến nhà chị Y Mến, già
làng Y Linh khảng khái cho biết: “Nhiều người vợ, người chồng chết trẻ
quá, bắt người sống ở vậy suốt cả cuộc đời vò võ thì tội họ nên chúng
tôi đã nghĩ ra cách giải phóng để cho họ đi bước nữa”. Chỉ tay vào chị Y
Mến, già Y Linh bảo: “Nó mới trải qua 23 mùa rẫy thôi, chồng nó bị cây
đè chết 2 năm rồi.
Sau lễ bỏ mả sắp tới, buôn làng sẽ làm
lễ cởi trói cho nó đi tìm và bắt thằng chồng khác mà cái bụng nó ưng.
Mái tóc nó cũng đã dài ra rồi chứ sau 40 ngày kiêng tắm, đầu nó trọc
chẳng còn sợi tóc nào đâu”. Theo lý giải của già làng Y Linh thì nếu
người vợ hay người chồng chết khi tuổi đời còn quá trẻ thì những người
vợ, người chồng còn sống sau 40 ngày “hoăm nơi” (kiêng tắm) sẽ cạo trọc
đầu mình, cho đến khi tóc mọc dài ra.
Với đàn ông thì dài đến ngang vai, với
đàn bà thì dài đến ngang lưng mới được nghĩ đến người khác. Tuy nhiên,
dù tóc đã dài ra mà chưa qua lễ bỏ mả (thường gần 2 năm) thì người vợ
hay người chồng còn sống cũng không được kết hôn với người mới.
Đặc biệt, trước khi đến với người mới
những người này cũng phải được các già làng cúng lễ đến người vợ, người
chồng đã chết. Trong lễ cúng này, già làng sẽ khấn rằng: “Hỡi những con
ma xấu số. Tóc vợ (hoặc chồng) ngươi đã dài, lòng tiếc thương đã đầy.
Hãy để người sống tìm nơi nương tựa và niềm vui mới. Hãy về với thế giới
atâu thế giới hồn ma) chứ đừng quấy phá hay buồn phiền gì…”.
Nét đẹp mang đậm tính “rừng rú”
Già làng Y Linh khẳng định với chúng tôi
rằng có người phụ nữ chỉ vì không tuân theo các luật tục này, chồng
chết mới được một mùa rẫy mà đã đi bắt chồng mới nên đã ngây ngây, dại
dại như những con chim hoang dại từ rừng ma lạc về vậy. Ông Y Linh cũng
giãi bày rằng: “Tôi cũng được đi nhiều nơi.
Cái luật tục này không xấu, chỉ lạ thôi.
“Hoăm nơi” với những quy định chặt chẽ đi kèm cùng những nghi lễ nghiêm
khắc của bản làng chẳng phải chứng tỏ người J’rai chúng tôi rất giàu
tình cảm đó sao. Nếu người vợ, người chồng về cõi ma mới có mấy hôm mà
người sống đã đi với người khác, đã vui vẻ thì cái bụng càng xấu xa hơn
rồi.
Làng và gia đình người chết không chấp
nhận sự nhạt nhẽo tình nghĩa như vậy đâu. Như thế là không đứng đắn,
không chung thuỷ, không tôn trọng người chết. Người chết sẽ về quở trách
nhiều lắm đấy”.
Theo những người già J’rai, sau buổi lễ
cúng cởi trói (nghĩa là sau lễ bỏ mả) những người vợ, người chồng sẽ ra
con suối trong nhất, mát lành nhất ở buôn làng mình để dành một buổi tắm
gội trong dòng suối đó. Dòng nước mát lạnh, trong vắt từ đây sẽ gột rửa
mọi quá khứ khổ đau, buồn nhớ.
Từ đây người sống không còn liên hệ gì
với người chết. Lúc này người chồng có thể nối dây, người vợ có thể bắt
chồng và tham dự các cuộc vui của làng và có thể cười nói hay giao tiếp
với bất kể những người xa lạ nào khác.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tiến Tùng
cho rằng: “Tuy những luật tục này phảng phất tính “rừng rú” nhưng rõ
ràng có nét đặc sắc riêng. Nó tác động và làm phong phú, sâu nặng tâm
hồn những người J’rai chứ không như các hủ tục khác”.
Bảo Hà
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét