Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Tinh túy hồn cơm Việt

Nét tinh túy trong mỗi món cơm Việt là thể hiện sự trân trọng cho từng hạt gạo, sự hòa hợp của các loại nguyên liệu và sự tinh tế trong cách thưởng thức. Chỉ một thức đồ ăn cơ bản đó thôi mà ẩm thực Việt đã thể hiện sự tài hoa qua bao biến tấu diệu kỳ.

Cây lúa là một trong năm loại cây lương thực chính của thế giới, cùng với ngô, lúa mì, sắn và khoai tây. Riêng đối với người Việt, cây lúa không chỉ là một loại cây lương thực quý mà còn là một biểu tượng trong văn chương. Hạt gạo chính là hiện thân của cây lúa, tuy rất nhỏ bé nhưng mang những giá trị không thể thiếu đối với cuộc sống thuần Việt. Gạo tẻ cơm trắng là món ăn truyền thống của mỗi gia đình Việt Nam.
Cơm bọc măng
 
Cơm cà dầm tương...
Cơm là món chủ lực để ấm bụng trong các bữa ăn. Tùy vùng miền và cách chế biến, cơm có nhiều biến thể như cơm tấm Sài Gòn, cơm dừa Bến Tre, cơm hến xúc bánh đa trộn Huế, cơm cháy Ninh Bình…Theo phong tục tập quán của người dân Việt, dù có đi đâu về đâu, ai cũng nhớ về sự ấm cúng của gia đình trong mỗi bữa cơm, khiến cho nỗi niềm muốn cùng ăn cơm với những người thân yêu trở thành nỗi khát khao cháy bỏng trong lòng những người con xa đất mẹ. Bên bàn ăn, ta không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn là những khoảng khắc yêu thương dành cho nhau. Người con gái trong gia đình sẽ là người ngồi “đầu nồi”, đơm cơm cho cả gia đình. Bát cơm là sự tinh túy chắt chiu của từng hạt ngọc trời, nồng đượm nỗi nhọc nhằn mà mang nặng nghĩa tình gửi gắm.

 
Cơm tấm Sài Gòn
 
 
Cơm cháy Ninh Bình

Vốn theo truyền thống, cơm niêu - nồi đất mới là thức cơm ngon. Cái niêu đất nâu sẫm, be bé, miệng hơi khum to hơn tô canh một chút, đậy nắp kín với đôi đũa cả gác một bên trở thành hình ảnh ám ảnh kí ức của nhiều thế hệ. Cơm niêu ngày nay đã biến tấu thành món cơm đập ở nhiều nhà hàng, những mảnh đất nung vỡ vụn rơi xuống đất, còn lại trên tay là ổ cơm chín mịn màng ở giữa, chung quanh là lớp cháy giòn đều vàng mỏng. Thường cơm niêu được ăn kèm với cá kho tộ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua mồng tơi, hay gắn liền với “nước lọ” (cơm niêu nước lọ) dân dã mà đậm hồn Việt.

 
Cơm niêu

Cơm lam là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp), là món ăn đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Cơm lam cùng một số nguyên liệu khác được cho vào ống tre, giang, nứa rồi nướng trực tiếp trên lửa. Khi ăn, ta mới chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Cơm lam ngon, lạ miệng, hương vị khác hẳn cơm thường. Chỉ cần bỏ ống cơm ra là cảm nhận được mùi thơm rất hấp dẫn. Bẻ miếng cơm lam, chấm miếng muối vừng, muối lạc cho vào miệng sẽ thấy hương thơm dẻo rất đậm đà. Ngoài hương vị thơm của gạo nếp còn thoảng hương thơm của nứa rừng nướng qua lửa. Nhờ cách chế biến cùng hương vị độc đáo mà cơm lam còn đem tới niềm yêu thích cùng sự bất ngờ thú vị cho các thực khách quốc tế.
 
 
Cơm lam

Tinh hoa ẩm thực đất cố đô Huế còn gọi tên cơm sen. Trong văn hoá ẩm thực Huế, từ cơm có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng và mang các phong cách khác nhau như: cơm cung đình sang trọng, tiệc cơm muối kì lạ, cơm chay thanh tao, cơm hến, cơm âm phủ dân dã… trong đó không thể không kể đến món cơm lá sen thanh tao, tinh tế được sắp vào hàng ngự thiện dưới thời các vua triều Nguyễn. Cơm lá sen là một món ăn đòi hỏi nhiều nguyên liệu và cách chế biến cầu kì thể hiện nét tài hoa trong ẩm thực của người Huế. Để có món cơm lá sen ngon, người đầu bếp phải chọn loại gạo thơm, mới, hạt cơm nấu chín mềm, dẻo nhưng không nhão, không khô phối trộn cùng các nguyên liệu đắt tiền khác như thịt gà, tôm, xá xíu, lạp xưởng, đậu hạt, hành tây, cà rốt,… và không thể thiếu hạt sen hấp chín. Tất cả được chuẩn bị chu đáo và chế biến khá công phu sau đó trộn đều với cơm và được gói một cách khéo léo, cẩn thận vào lá sen, cuối cùng được hấp cách thủy để tạo hương cho cơm.Cách trình bày món cơm sen cũng khá cầu kì và bắt mắt. Để tăng thêm sức hấp dẫn của món ăn có thể trang trí vài cánh hoa sen phủ kín vành đĩa như một bông hoa đang nở rồi đặt gói cơm lên trên giống như nhụy hoa, sau đó mở lá ra xung quanh cho hương thơm bốc lên và dùng muỗng múc từng chút ra chén nhỏ để ăn. Nét nổi bật của cơm lá sen là cơm tỏa mùi sen thơm mát, màu sắc hấp dẫn, thực khách khi ăn có thể cảm nhận được mùi thơm của lá sen thấm vào từng hạt cơm rời, dẻo, cùng với vị ngọt của thịt gà và tôm, vị bùi của hạt sen, đậu,... tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị rất riêng của cơm lá sen mà không một món cơm nào có được.

 
Cơm sen

Nét tinh túy trong mỗi món cơm Việt là thể hiện sự trân trọng cho từng hạt gạo, sự hòa hợp của các loại nguyên liệu và sự tinh tế trong cách thưởng thức. Chỉ một thức đồ ăn cơ bản đó thôi mà ẩm thực Việt đã thể hiện sự tài hoa qua bao biến tấu diệu kỳ. Yêu quý và trân trọng từng hạt ngọc trời cũng là một cách thể hiện tình yêu thương dân tộc.

K.H (Depplus.vn/MASK)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét