Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Chùa Linh Sơn: Tượng Phật bốn tay và hai tấm bia đá lâu năm và lớn nhất


(PGVN) Nguyên thủy, tượng có màu đen của loại đá cổ, sau khi khai quật lên, người ta đắp thêm phần chân theo tư thế ngồi kiết già. Tượng đặt trong chánh điện giữa hai tấm bia đá chùa Linh Sơn

Chùa Linh Sơn xây dựng vào năm 1913. Chùa nằm trên nền một gò đất cao, bên những đại thụ râm mát, dưới chân núi Ba Thê, trong khu di tích Nam Linh Sơn thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Vào năm 1913, dân địa phương phát hiện một pho tượng Phật bốn tay ở tư thế đứng, cao 1,7 m, chiều ngang hai đầu gối dài 1,16m, hai vai dài 0,8m nằm sâu trong lòng đất khoảng hai mét, tại khu vực dân cư gần chợ Ba Thê. Trước đó, người dân cũng đã tìm thấy hai tấm bia được làm bằng đá bùn có chiều cao khoảng 1,8m, dày khoảng 0,22m, khắc chữ cổ mà nhiều nhà nghiên cứu nói có thể là chữ viết của dân tộc Phù Nam xưa. Vì vậy, dân quanh vùng khi ấy đã dựng lên ngôi chùa đặt tên là Linh Sơn tự để tôn thờ tượng Phật và gìn giữ hai bia đá cổ.
Các nhà chuyên môn cho biết, tượng Phật bốn tay và hai tấm bia đá có niên đại vào khoảng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI sau Công nguyên, mang mô típ mỹ thuật Bà-la-môn có nguồn gốc từ Ấn Độ tương tự tượng thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc).

Nguyên thủy, tượng có màu đen của loại đá cổ, sau khi khai quật lên, người ta đắp thêm phần chân theo tư thế ngồi kiết già. Tượng đặt trong chánh điện giữa hai tấm bia đá chùa Linh Sơn, tay phải trên nắm lấy xâu chuỗi, tay phải dưới cầm trái châu, tay trái trên cầm ấn A Di đà, tay trái dưới nắm cái lĩnh. Năm 1988, tượng Phật bốn tay và hai tấm bia đá được Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật, theo quyết định số 28/VH.QĐ ngày 18.1.1988.
Chùa Linh Sơn thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, sở hữu kỷ lục: Tượng Phật bốn tay và hai tấm bia đá lâu năm và lớn nhất.


Chú thích: Tư liệu được cung cấp bởi Kỷ lục Việt Nam

Linh sơn cổ tự

Một di tích lịch sử văn hóa đáng trân trọng

Linh Sơn cổ tự còn gọi là chùa Phật bốn tay. Ngày nay, khách du lịch đến An Giang không những để leo núi khám phá, du khảo, thưởng thức hương vị núi rừng hoặc tìm hiểu về văn hóa lễ hội, mà còn thích vòng qua Thoại Sơn đến với khu du lịch núi Sập, núi Ba Thê để tham quan các khu di chỉ văn hóa Óc Eo đang được khai quật.


.
Đặc biệt nền văn hóa Óc Eo là một di tích khảo cổ độc đáo ở An Giang được hình thành và tồn tại cách nay khoảng 2.000 năm. Trong các cổ vật có niên đại xưa nhất chính là hai tấm bia đá và tượng Phật bốn tay hiện an vị tại Linh Sơn tự, xã Vọng Thê, nay là thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, một trong những địa chỉ hành hương nổi tiếng của An Giang.

Tượng Phật bốn tay tại Linh Sơn cổ tự.
Tượng Phật bốn tay tại Linh Sơn cổ tự.

Chùa Linh Sơn cách Gò Óc Eo 1,5km. Nếu chúng ta đi từ thành phố Long Xuyên vào núi Sập, qua Vọng Thê, rồi từ chợ Vọng Thê men theo triền núi Ba Thê về hướng Đông khoảng 2km là sẽ tới chùa.

Chùa nằm trên một khu đất cao, rộng khoảng 1ha với nhiều cây cao bóng cả khiến cho sân chùa lúc nào cũng êm đềm, tĩnh lặng. Đến nay, chùa đã tròn 100 tuổi và đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần xây dựng sau cùng là vào năm 1983. Cổng chùa tam quan tuy không đồ sộ nhưng mỗi đôi cột đều có câu đối, tường khắc nhiều bài thơ, nội dung nhắc nhở Phật tử tu hành chính đạo. Chùa không uy nghi tráng lệ nhưng bên ngoài có nhiều tháp, trong đó có các tháp của 5 vị sư tự thiêu để cúng dường. Còn bên trong chùa thì chứa cả một kho cổ tích huyền thoại. Đó là nguồn gốc của Phật bốn tay và hai bia đá với những hàng cổ tự mà cho tới nay chưa có người giải mã. Chỉ biết rằng hai tấm bia thuộc loại đá bùn, cao 1,8m, ngang 82cm và dày 22cm, hiện một bia chữ đã mờ không còn đọc được, do tác động của thời gian.

Theo các nhà khảo cổ, chữ khắc trên hai bia đá có thể là chữ của dân tộc Phù Nam có niên đại khoảng 2.000 năm, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Còn tượng Phật bốn tay là một tác phẩm kiến trúc có giá trị về văn hóa và lịch sử. Theo hòa thượng Thích Thiện Trí, trụ trì chùa Linh Sơn, thì năm 1913, trong lúc nhà cầm quyền Pháp cho xe ủi đất làm đường (khu vực gần chợ Ba Thê, gần một ngôi chùa Khmer) đã phát hiện pho tượng đá cao 1,7m còn nguyên vẹn nằm sâu trong lòng đất khoảng 2m. Ngay lúc đó, nhiều người Khmer tập hợp lại để khiêng, định đem về thờ. Họ cho đó là thần núi (Neakta Phrom) nhưng không sao di chuyển  nổi vì quá nặng. Sau đó, bà con người Việt đứng ra khấn nguyện mới di dời được và mang về đặt giữa hai bia đá để thờ, lấy tên chùa là Linh Sơn tự, người địa phương gọi là chùa Phật bốn tay.

Hòa thượng trụ trì cho biết, lúc đầu là tượng bán thân, chất liệu bằng đá cổ, màu đen, sau này mới gia cố thành tư thế ngồi kiết già. Đáng tiếc là trải qua nhiều lần trùng tu, nhà chùa đã sơn phết màu mè và đắp y làm mất đi giá trị nguyên thủy của một tác phẩm mỹ thuật.

Về tượng Phật, cho tới nay vẫn còn nhiều người thắc mắc. Bởi vì trong truyền thuyết Phật giáo xưa nay chỉ có Phật 18 tay, tức Phật nghìn tay nghìn mắt “thiên thủ thiên nhãn”. Tại sao lại có Phật bốn tay? Hòa thượng trụ trì giải thích tượng Phật bốn tay là một di sản văn hóa Óc Eo, mang mô-típ mỹ thuật Bà La Môn giáo, có nguồn gốc từ Ấn Độ, giống như tượng Bà Chúa Xứ ở núi Sam - Châu Đốc. Tượng Phật bốn tay cũng giống như tượng thần Vishu Ananta có rắn thần Naga 7 đầu tạo thành tán che phía sau đức Phật. Còn bốn tay của đức Phật thì tay phải trên cầm xâu chuỗi, tay phải dưới cầm cái linh (chuông nhỏ ), tay trái trên bắt ấn a di đà và tay trái dưới cầm trái châu.

Đặc biệt, cách thờ phụng tại Linh Sơn tự cũng giống như các chùa Phật khác. Tại ngôi chính điện, ngoài tượng Phật bốn tay còn có tượng A Di Đà, tượng Quan Thế Âm bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát, Thích Ca Mầu Ni, Hộ pháp, Thổ địa và Thánh tăng.

Chính vì giá trị lịch sử của các cổ vật nên ngày 18-1-1988, Bộ Văn hóa đã ra quyết định công nhận hai bia đá và tượng Phật bốn tay ở chùa Linh Sơn là Di tích Lịch sử Văn hóa. Đến ngày 24-5-2009, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận hai bia đá và tượng Phật bốn tay với danh hiệu “Lâu năm nhất, lớn nhất nước”.

Trong khi chờ đợi các nhà khoa học, nhà khảo cổ làm sáng tỏ nguồn gốc và ý nghĩa lịch sử của các cổ vật, có nhiều ý kiến cho rằng, hai bia đá và tượng Phật bốn tay ở Linh Sơn tự là một trong nhiều di tích quan trọng của trung tâm văn hóa Óc Eo, đặc biệt là những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật đã minh chứng cho một thời hưng thịnh của vương triều Phù Nam.

Theo Báo Hậu Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét