TTCT - Biển Phan Rang, Ninh Thuận đẹp chẳng thua gì
Phan Thiết. Sức quyến rũ của những đồi cát ở Phan Rang không hề kém Phan
Thiết. Nho Phan Rang cũng nổi danh khắp vùng đâu thua gì nước mắm Phan
Thiết.
Nhưng phải làm sao cho nơi đây trở thành một điểm đến “có số má” trên bản đồ du lịch là một câu chuyện dài.
Thăm vườn nho, tìm hiểu cách trồng là một trải nghiệm thú vị - Ảnh: Tiến Thành |
Nho ngon và gốm đẹp
Từ đầu năm 2012, nho Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, du khách có thể tìm kiếm các sản phẩm nho Ninh Thuận “chính hiệu” ở thị trấn Phước Dân, các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hữu (huyện Ninh Phước) và xã Phước Nam (huyện Thuận Nam). |
Nếu như tháp Poklongarai hay làng gốm Bàu Trúc nổi
tiếng bao nhiêu thì hầu như những tour tham quan vườn nho ở Phan Rang ít
người biết đến bấy nhiêu. Cũng giống như một số tuyến du lịch làng
nghề, nhà vườn khác trên khắp cả nước, sản phẩm du lịch tham quan vườn
nho và quy trình sản xuất rượu nho ở Phan Rang còn cần phải làm rất
nhiều chương trình tiếp thị mới mong được nổi tiếng như nước mắm Phan
Thiết.
Nông trại nho Ba Mọi, mô hình trồng nho sạch được đưa
vào khai thác du lịch khá nổi tiếng ở Ninh Thuận nhưng trong giới làm du
lịch không phải ai cũng biết. Đứng từ cầu Mống trên sông Dinh, du khách
sẽ thấy một nông trại trải dài khoảng 1,5ha, xanh mướt với điệp trùng
nho. Ông Ba Mọi, người cao to, da đen bóng màu đặc trưng của những nông
dân sống ở vùng đất nắng gió khắc nghiệt, tỏ ra rất am hiểu về nho.
Ông chủ nông trại nho Ba Mọi kể: “Những năm 1990, chất
lượng nho Ninh Thuận nói chung còn rất kém, trái nhỏ, xanh, chát. Sau
khi được Viện Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam để mắt, giúp đỡ hướng dẫn kỹ
thuật trồng, đưa chế phẩm sinh học và phân vi sinh vào thay thế các
loại thuốc sâu, phân bón hóa học... nho Phan Rang cất cánh từ đó”.
Từ 1.000m2 giống nho xanh NH 01.48 được đưa
vào thử nghiệm, đến nay trang trại nho Ba Mọi đã nhân rộng lên đến
1,5ha. Để có được trái nho ngọt, giòn và một tí vị chua đặc trưng thuyết
phục được du khách, người trồng nho nơi đây phải tuân thủ nghiêm ngặt
quy trình kỹ thuật thay vì trồng theo thói quen như trước kia. Những
vườn nho xanh mướt, trái chín mọng, ngọt lịm và khu sản xuất rượu
vang... nay trở thành một điểm tham quan không thể thiếu trong tuyến du
lịch tháp Poklongarai - làng gốm Bàu Trúc.
Du khách đến Phan Rang thường không thể bỏ qua làng gốm
Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước). Làng gốm này là nơi
sinh sống chủ yếu của đồng bào Chăm từ thế kỷ 12, được coi là làng gốm
cổ xưa nhất Đông Nam Á. Cái đặc biệt của làng gốm Bàu Trúc là vẫn tuân
theo phương thức sản xuất xưa cũ. Tất cả đều làm bằng đôi bàn tay khéo
léo của người thợ từ lấy đất, nhào nặn, tạo hình cho tới nung gốm.
Đất lấy ở bờ sông Quao, sau đó nhào kỹ đến khi thật
dẻo. Những phụ nữ Chăm tạo hình sản phẩm bằng cách cho đất lên một bệ đá
hình trụ, mặt nhẵn, sau đó đi vòng quanh bệ đỡ để tạo hình dáng sản
phẩm. Chính cách làm này đã tạo ra những sản phẩm “không giống ai”, trở
thành những sản phẩm độc đáo.
Thú vị nhất là khi đến đây, du khách được hướng dẫn và
tự nhào nặn những sản phẩm bằng chính sự khéo léo của mình. Chúng trở
thành vật lưu niệm đẹp của du khách không đâu có được.
Nhiều bạn trẻ chú ý đến sản phẩm gốm để làm quà tặng sau chuyến đi - Ảnh: Tiến Thành |
Cần cách làm thuyết phục hơn
Đưa sản phẩm du lịch tham quan vườn nho, xem cách làm
rượu vang và sản xuất gốm vào một tuyến tham quan là một sáng kiến hay,
tạo sự khác biệt cho Phan Rang. Nhưng quả thật cách làm hiện nay vẫn khá
đơn điệu dễ khiến du khách chán và coi việc đến đó như “lấy lệ” chứ
chẳng có hứng thú tìm hiểu.
Những ai từng đi Trung Quốc đều ấn tượng khi tham quan
nơi dệt vải ở Quảng Châu bởi cách tổ chức rất thu hút của họ. Đầu tiên,
từ cổng bước vào du khách sẽ được giới thiệu từ cách nuôi tằm, chờ đợi
lấy tơ, đến công đoạn dệt, nhuộm ra vải thành phẩm, rồi may áo quần, xem
biểu diễn thời trang rất chuyên nghiệp. Và cuối cùng là những gian hàng
quần áo khổng lồ cho khách tha hồ lựa chọn. Hay đi du lịch Busan, Hàn
Quốc du khách cũng sẽ tham gia một tour tham quan vườn táo tương tự nho ở
Phan Rang.
Cũng được tham quan vườn táo nhưng du khách được nghe
giảng giải rất kỹ lưỡng về thổ nhưỡng ở đây để lý giải vì sao có những
trái táo ngon nhất. Rồi tham quan nhà máy sản xuất rượu táo... Điều đặc
biệt là trong lúc tham quan vườn du khách sẽ được chụp ảnh, sau đó khi
kết thúc tour mỗi người được tặng một chai rượu táo mà nhãn dán trên
chai là bức ảnh của chính du khách được chụp trước đó. Ai cũng bất ngờ,
hài lòng và mua nhiều táo, nhiều rượu...
Nho hay rượu vang từ nho ở Phan Rang ngon và bổ dưỡng
nhưng vẫn chưa được lựa chọn như một món quà thú vị mỗi khi du khách đến
đây. Những sản phẩm gốm ở làng gốm Bàu Trúc đẹp và khác biệt, nhưng vẫn
còn nhiều bất tiện cho du khách khi muốn mua về làm quà tặng. Để Phan
Rang thành một điểm đến có lẽ còn rất nhiều việc phải làm.
Trẩy hội Kate - Ảnh: Văn Kỳ |
Cách làm khác của gốm Bàu Trúc tạo ra sản phẩm đặc biệt - Ảnh: Tiến Thành |
Lắng nghe âm điệu của người Chăm - Ảnh: Tiến Thành |
Phan Rang có nhiều bãi biển đẹp như Vĩnh Hy, Cà Ná... - Ảnh: Tiến Thành |
TIẾN THÀNH
Khám phá văn hóa Chăm ở Ninh Thuận
Ngoài những bãi biển hoang sơ như Ninh Chữ, Cà Ná và Bình Tiên, tỉnh Ninh Thuận còn nổi tiếng với nền văn hóa đậm chất Chăm từ kiến trúc, lễ hội cho đến làng nghề truyền thống mang vẻ đẹp độc đáo.
Thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Ninh Thuận là tỉnh có đông người Chăm sinh sống nhất cả nước. Bởi vậy khi đến đây, du khách như bước vào một thế giới mới lạ, đầy hấp dẫn với những công trình kiến trúc của Vương quốc Chăm Pa xưa kia, nổi bật nhất là 3 cụm tháp Hoà Lai, Po Klong Garai và Po Rome.
Cụm tháp Pôklông Garai được coi là trung tâm rực rỡ nhất của văn minh Chăm. Ảnh: dulichninhthuan. |
Tháp Chăm
Tháp Pôklông Garai là tên gọi chung cho một cụm tháp Chăm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam, thuộc kinh đô Panduranga của Vương quốc Chăm cổ, nay là thành phố Phan Rang. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, nằm trên đỉnh Đồi Trầu, phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố 9 km về phía Tây Bắc. Từ xa, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh tháp Pôklông Garai với màu đỏ gạch đặc trưng, nổi bật giữa nền trời xanh biếc.
Bước vào tháp, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi những hoa văn điêu khắc tinh xảo trên vòm cửa, trụ ốp, diềm mái được lưu giữ nguyên vẹn sau bao thăng trầm của thời gian và tàn phá khắc nghiệt của khí hậu. Vẻ đẹp bí ẩn pha chút rêu phong, hoài cổ của mỗi ngôi tháp luôn để lại những dấu ấn khó phai trong lòng du khách
Nếu có thời gian, bạn nên đến tháp Hòa Lai, huyện Ninh Hải, cách Phan Rang 14 km về phía Bắc và tháp Po Rome, huyện Ninh Phước, cách Phan Rang 25 km về phía Tây Nam để hiểu thêm về nghệ thuật và tôn giáo của người Chăm cũng như một phần văn hóa của người dân tộc nơi đây.
Làng nghề truyền thống
Ngoài các công trình kiến trúc độc đáo, các làng nghề truyền thống cũng là điểm đến thu hút du khách trong hành trình khám phá Chăm Pa. Làng gốm Bầu Trúc là một trong số đó. Nằm ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Bầu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ xưa nhất của Đông Nam Á.Vẻ đẹp mộc mạc và kỹ thuật chế tác thô sơ của gốm Bàu Trúc thu hút sự khám phá của nhiều du khách. Ảnh: Báo Ninh Thuận. |
Điểm ấn tượng nhất với du khách khi thăm làng nghề là cách thổi hồn vào gốm của những người phụ nữ Chăm, thông qua đôi bàn tay khéo léo thay vì sử dụng bàn xoay. Bởi vậy mà bất cứ ai đến Ninh Thuận cũng muốn một lần tận mắt chứng kiến công đoạn làm gốm độc đáo này, để rồi yêu thêm vẻ đẹp bình dị nhưng vô cùng sắc nét của các sản vật gốm nơi đây. Ngay bên cạnh làng Bàu Trúc, làng Mỹ Nghiệp cũng là một điểm đến thú vị với nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giúp bạn hình dung bức tranh toàn cảnh về đời sống và con người Chăm Pa.
Lễ hội
Bên cạnh các giá trị vật thể, văn hóa phi vật thể của người Chăm ở Ninh Thuận cũng phong phú với hơn 100 lễ hội diễn ra quanh năm, trong đó tiêu biểu phải kể đến là lễ hội Ka-tê tổ chức ở tháp Chăm vào tháng 7 lịch Chăm hàng năm. Đây là lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của người Chăm, phản ánh sinh hoạt của cộng đồng người địa phương.
Ka-tê là lễ hội văn hóa lớn nhất của người Chăm. Ảnh Báo Ninh Thuận.
|
Du khách không chỉ được thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với phong cách độc đáo tại lễ hội này mà còn được say sưa trong tiếng trống Gi năng, kèn Saranai và hoà mình cùng điệu múa của các thiếu nữ người Chăm. Bên cạnh đó là vô vàn các lễ hội hấp dẫn khác đang chờ bạn khám phá như lễ cầu đảo, lễ hội Chabun, lễ hội Lamuwan, lễ hội cầu ngư...
Du khách đến Ninh Thuận từ TP HCM có thể bắt xe khách hoặc tàu hỏa lên thành phố Phan Rang. Nếu đi từ Hà Nội, bạn có thể bay thẳng đến sân bay Cam Ranh rồi đi ô tô thêm 60 km. Ninh Thuận nổi tiếng là vùng đất của nắng và gió với tiết trời khô nóng, vì vậy bạn nên luôn mang theo nước bên người. Ngoài ra, tránh đi vào mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11. Đến Ninh Thuận, bạn cũng đừng quên nếm thử các món ngon chế biến từ thịt dê – một phần không thể thiếu trong ẩm thực Chăm như dê nướng, dê hấp, gỏi dê, cari dê, lẩu dê, dê nấu mẻ, dê tái chanh...
Kim Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét