3 miền nước ta đều có những nền văn minh từ lâu đời. Đây là điều vô cùng đặc biệt vì không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được những nền văn minh sớm và đa dạng như đất nước chúng ta.
Thời tiền sử, Việt Nam là một trong những ngã tư đường của các luồng di cư. Trên lãnh thổ nước ta đã sớm xuất hiện các cộng đồng người tiền sử thuộc hai đại chủng Mogonloid và Australoid. Người người thuộc hai đại chủng này đã sinh sống trên lãnh thổ nước ta đã có sự hôn phối, hòa huyết với nhau tạo thành những chủng người mới. Do đời sống thời mông muội khá bấp bênh, chọn lọc tự nhiên khá gay gắt nên một số dòng di cư đã bị tuyệt diệt. Một số khác thích nghi được với điều kiện sống, sinh sôi và phát triển.
1. Văn minh Đông Sơn:
Theo huyền sử được chép trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, vua Kinh Dương Vương đã lập ra nước Xích Quỷ vào năm 2879 trước công nguyên tức khoảng 5.000 năm trước, là quốc hiệu đầu tiên của người Việt. Trên thực tế thì giai đoạn này hầu hết những vùng trên thế giới vẫn còn sống đời sống mông muội, trừ một vài vùng hiếm hoi ở Bắc Phi và Trung Cận Đông bắt đầu thoát khỏi thời kỳ đồ đá và biết làm nông nghiệp thành thục, biết xây dựng thành phố. Ở nước ta, 5.000 năm trước cư dân vẫn đang trong thời kỳ đồ đá mới.
Đến khoảng 4.000 năm trước, những nền tảng văn minh đầu tiên đã xuất hiện ở miền bắc Việt Nam. Tầng văn hóa Phùng Nguyên mà khảo cổ học khai phá đã cho chúng ta biết rằng những cư dân thời kỳ này đã biết chế tác công cụ bằng đá với độ tinh xảo cao, dựng nhà, làm gốm, đồ trang sức, lưới đánh cá … Đến giai đoạn khoảng 3.500 năm trước, cư dân tại đồng bằng bắc bộ đã chuyển sang một tầng văn hóa mới được định danh là văn hóa Đồng Đậu. Lúc này, nông nghiệp đã xuất hiện, và người ta đã bắt đầu bước vào thời đại đồ đồng. Nối tiếp thời kỳ văn hóa Đồng Đậu là văn hóa Gò Mun từ khoảng 3.000 năm trước, nông nghiệp trồng lúa nước và kỹ thuật luyện kim đồng đã đạt đến trình độ cao. Năng suất lao động thời bấy giờ tăng cao. Xã hội bắt đầu phân hóa mạnh, các cộng đồng người được tổ chức thành những bộ lạc được chỉ huy bởi những vị thủ lĩnh. Những bộ lạc sinh sống trên vùng bắc bộ chia sẻ ngôn ngữ và nhiều tập quán tương đồng, vừa hợp tác với nhau để chống cải tạo tự nhiên và các thế lực ngoài vùng, vừa có sự cạnh tranh lợi ích với nhau. Để chiến đấu và sinh tồn, các công nghệ mới được áp dụng vào chế tác vũ khí. Cung tên, giáo, rìu chiến … được làm bằng đồng thau trở nên phổ biến.
Sự phát triển của văn hóa Gò Mun đã dẫn đến văn hóa Đông Sơn, một nền văn minh thực sự của tổ tiên người Việt. Thời kỳ Đông Sơn có cột mốc xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, đánh dấu sự phát triển đến đỉnh điểm của thời đại đồ đồng trên miền Bắc Việt Nam, và bắt đầu chuyển sang thời đại đồ sắt. Trên nền tảng xã hội phát triển khá hoàn chỉnh và một nền kinh tế đa dạng bao gồm nông nghiệp, thủ công, ngư nghiệp và hàng hải, nhà nước đầu tiên của người Việt ra đời.
Thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, trên lãnh thổ miền bắc Việt Nam đã định hình hai tộc người chủ yếu là người Âu Việt và người Lạc Việt, đều thuộc chủng Mongoloid phương nam. Người Lạc Việt có 15 bộ lạc gồm Giao Chỉ, Việt Thường, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thanh Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Hoan, Cửu Đức (theo Việt Sử Lược). Trong số các bộ lạc, Văn Lang là bộ lạc hùng mạnh nhất. Thủ lĩnh của bộ lạc Văn Lang đã được các bộ lạc còn lại tôn làm vua, sử gọi là vua Hùng, lập ra nước Văn Lang. Lãnh thổ nước Văn Lang chủ yếu là vùng đồng bằng, vùng trung du bắc bộ và vùng bắc trung bộ ngày nay. Kinh đô Văn Lang đóng tại Phong Châu (Phú Thọ), cả nước chia làm 15 bộ tương ứng với vùng của 15 bộ lạc trước khi lập quốc.
Cư dân Văn Lang là những người giỏi nghề sông biển, trồng lúa nước và đúc đồng. Ở nơi sông nước, người dân có tục xăm mình để tránh giao long làm hại. Lương thực chính của người Văn Lang là lúa nếp, dùng để nấu xôi và làm bánh. Bên cạnh đó, lúa tẻ và những hoa màu khác cũng là những sản phẩm thường xuyên được sản xuất và tiêu dùng. Trống đồng Đông Sơn là di sản minh chứng cho trình độ phát triển cao của văn minh Đông Sơn. Qua các họa tiết trên trống, chúng ta có thể hiểu về trang phục, lối sinh hoạt hằng ngày, kiến trúc nhà cửa, kiểu dáng thuyền, nếp nghĩ, nếp sống thời xưa. Trống đồng không chỉ được tìm thấy ở miền bắc Việt Nam, mà còn ở những nơi khác tại Đông Nam Á và vùng Hoa Nam. Điều đó chứng tỏ, đã có sự giao thoa về thương mại và văn hóa nhộn nhịp vào thời cổ đại. Về quân sự, người Việt giỏi thủy chiến và sử dụng cung nỏ trong chiến đấu. Mũi tên đồng của người Việt có khả năng xuyên giáp gieo rắc nổi kinh hoàng cho kẻ thù. Khi ra trận, trống đồng được dùng làm hiệu lệnh tiến công, khiến cho tinh thần chiến đấu của các chiến binh dâng cao. Bên cạnh vũ khí bằng đồng, từ giữa thời kỳ Đông Sơn đã xuất hiện vũ khí làm bằng sắt, là công nghệ tối tân thời bấy giờ. Truyền thuyết về Thánh Gióng được nhiều ý kiến đánh giá là một câu chuyện thần thánh hóa sự việc có thật rằng dựa vào vũ khí và áo giáp bằng sắt, người Lạc Việt đã chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ đất nước.
Trong thời kỳ Đông Sơn, bên cạnh sự phát triển mạnh của cộng đồng người Lạc Việt thì người Âu Việt cũng phát triển thế lực ở gần vùng núi phía bắc và đông bắc bộ, ngay bên cạnh lãnh thổ nước Văn Lang. Khoảng gần công nguyên, người Âu Việt cũng đã lập quốc. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gọi nước của người Âu Việt là nước Thục. Còn theo truyền thuyết của dân Tày, Nùng thì nước này có tên là Nam Chưởng hoặc Nam Cương.
Thậm chí một số nhóm Âu Việt đã sinh sống hòa lẫn với người Lạc Việt trong vùng cai trị của các vua Hùng. Do có sự tương đồng nhất định về nhân chủng, phong tục tập quán nên hai cộng đồng Âu Việt và Lạc Việt chung sống với nhau tương đối hòa bình. Sự xâm lấn của các thế lực từ phương bắc càng thúc đẩy người Âu Việt tiến về phương nam. Năm 257 trước công nguyên, vua của người Âu Việt là Thục Phán nhân lúc vua Hùng nước Văn Lang không phòng bị, kéo quân đánh chiếm Phong Châu, lãnh thổ của nước Văn Lang và Âu Việt được sáp nhập làm một. Sau khi thay thế vua Hùng, Thục Phán thi hành chính sách hòa hợp hai cộng đồng, đặt tên nước là Âu Lạc, xưng là An Dương Vương. Thời kỳ Âu Lạc cũng là thời mà văn minh Đông Sơn đạt đến đỉnh cao, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
2. Văn minh Sa Huỳnh:
Trên dải đất miền trung Việt Nam vào khoảng 4.000 năm trước, các cư dân thuộc chủng Malayo-Polynesian (Mã Lai – Nam Đảo) đã sinh sống tràn ngập. Họ đã biết làm nông nghiệp và bắt đầu bước vào thời đại kim khí. Các nhà khảo cổ học gọi thời kỳ này là thời kỳ văn hóa Tiền Sa Huỳnh. Khác với những cư dân vùng bắc Việt Nam cùng thời, những người Tiền Sa Huỳnh luyện đồng với quy mô nhỏ hơn nhiều.
Hiện vật nền văn minh Sa Huỳnh - Ảnh: báo Quảng Nam
Tuy nhiên, đến giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh vào khoảng 3.000 năm trước đến đầu công nguyên, người Sa Huỳnh đã có bước nhảy vọt về kỹ thuật luyện kim và bước vào kỷ nguyên đồ sắt sớm hơn cả văn minh Đông Sơn. Vũ khí và công cụ bằng sắt trong các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh có tỉ lệ vượt trội so với đồ đồng. Do đặc điểm của vùng đất ven biển với các đồng bằng nhỏ hẹp, người Sa Huỳnh không thể chỉ dựa vào nông nghiệp để sống mà có hoạt động kinh tế dựa trên cả ba nền tảng nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp và thương mại.
Mặc dù cũng trồng lúa nước như cư dân Đông Sơn, cư dân Sa Huỳnh có lương thực chính là lúa tẻ chứ không phải lúa nếp. Sản phẩm của văn hóa Sa Huỳnh đa dạng, hướng đến nền kinh tế hàng hóa. Riêng về thủ công nghiệp, bên cạnh các sản phẩm đồ gốm, người Sa Huỳnh phát triển nghề luyện thủy tinh và chế tác đá quý thành những đồ trang sức tuyệt đẹp. Những đồ trang sức và thủy tinh của người Sa Huỳnh đã trở thành hàng hóa quý giá, được nhiều nước trong khu vực ưu chuộng.
Cư dân Sa Huỳnh thời cổ đại là tổ tiên của người Chăm, nền văn minh mà họ tạo nên chính là tiền đề cho văn minh Chămpa về sau. Hiện chưa có bằng chứng để khẳng định rằng liệu người Sa Huỳnh đã có thành lập nhà nước như những cư dân Đông Sơn hay chỉ tồn tại những thành bang, bộ lạc nhỏ cùng chia sẻ chung một nền văn minh. Đến đầu công nguyên, cư dân Sa Huỳnh đã có sự phát triển về văn minh ngang ngửa với văn minh Đông Sơn, với sức sản xuất không hề thua kém.
3. Văn minh Ốc Eo:
Tầng văn hóa đầu tiên được khảo cổ học tìm thấy ở vùng Nam bộ là tầng văn hóa Đồng Nai, xuất hiện vào khoảng 4.000 – 3.000 năm trước. Chủ thể của văn hóa Đồng Nai là cư dân thuộc chủng Mã Lai – Đa Đảo. Trên vùng đất Đông Nam Bộ màu mỡ, thiên nhiên trù phú, cư dân văn hóa Đồng Nai chủ yếu sinh sống bằng canh tác nương rẫy, săn bắt và hái lượm. Cũng giống như cư dân Sa Huỳnh, việc khan hiếm mỏ đồng thúc đẩy cư dân văn hóa Đồng Nai sớm phát triển kỹ thuật luyện sắt và tiến vào kỹ nguyên đồ sắt mạnh mẽ.
Các sản phẩm thủ công đặc trưng của văn hóa Đồng Nai là trang sức, đồ thủy tinh. Sự phát triển các nghề thủ công đã góp phần thúc đẩy thương mại và hàng hải. Về cuối giai đoạn văn hóa Đồng Nai, các thành thị ven biển đã hình thành và phát triển. Cho đến khoảng 2.000 năm trước, văn hóa Đồng Nai đã tiếp thu nhiều yếu tố ngoại lai. Cư dân văn hóa Đồng Nai vừa ưa chuộng những chiếc trống đồng du nhập từ Văn Lang, vừa học cách rèn vũ khí theo mẫu của các nước Chiến Quốc Trung Hoa. Đặc biệt là ảnh hưởng từ văn minh Ấn Độ đã chuyển biến văn hóa Đồng Nai sang một tầm cao mới, chính là văn minh Ốc Eo.
Tháp Chót Mạt đậm đà bản sắc nền văn hóa Óc Eo một thời - Ảnh: YAN
Văn minh Ốc Eo là sự nối tiếp, kế thừa của văn hóa Đồng Nai kết hợp với những yếu tố du nhập từ văn minh Ấn Độ. Vào khoảng đầu công nguyên, cư dân Ốc Eo đã lập nên vương quốc Phù Nam với trung tâm nằm tại vùng mà ngày nay là Hà Tiên, Kiên Giang. Phù Nam là một nước có nền kinh tế chuyên về thương mại và hàng hải. Cư dân Phù Nam là những chủ thể đầu tiên khai phá và làm chủ toàn bộ đất đai Nam bộ. Với tiềm lực kinh tế hùng mạnh, họ thiết lập được sự cai trị trên khắp vùng Nam bộ và lấn dần về phía tây, lần lượt kiểm soát đất đai của vùng ngày nay là nước Campuchia.
Đông Sơn, Sa Huỳnh và Ốc Eo là ba nền văn minh Việt Nam thời cổ đại đều đáng để người Việt trân trọng và nghiên cứu, bảo tồn. Trên đây là những nét khái quát về sự hình thành văn minh và một số đặc trưng sơ lược nhất. Để tìm hiểu sâu hơn về việc thịnh suy của các nền văn minh, mời độc giả đón xem những kỳ sau.
(còn nữa)
Quốc Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét