Giới thiệu
Khu di tích Cổ Loa bao gồm một cụm các đình đền và di tích khảo cổ học thành Cổ Loa gắn với truyền thuyết lịch sử bi hùng đã sống trong lòng dân tộc ta suốt 23 thế kỷ qua về vị vua Thục Phán An Dương Vương kiêu dũng và nàng công chúa Mỵ Châu dại khờ. Diện tích bảo tồn của khu di tích quốc gia đặc biệt này hiện nay rộng gần 500ha.
Du khách có thể đi bằng xe bus số 46 (tuyến Mỹ Đình—Cổ Loa) qua ngả cầu Thăng Long thẳng đến đây, hoặc bằng bus số 17 (tuyến Long Biên—Nội Bài) qua ngả Cầu Đuống đến Km5 trên quốc lộ 3 thì xuống và vượt sang đường để chuyển lên bus số 46 đi ngược về hướng bắc khoảng 1km sẽ tới bến xe Cổ Loa.
Ra khỏi cổng bến xe, du khách rẽ sang phải, vượt qua cầu sông Hoàng khoảng 200m rồi rẽ trái đi tiếp 200m nữa theo đường lớn thì đến nhà trưng bày của khu di tích lịch sử Cổ Loa. Đối diện nhà trưng bày là đền thờ Cao Lỗ, vị tướng chế nỏ cho vua Thục Phán. Đền nhỏ 3 gian 2 chái, kiến trúc đơn giản; phía trước có cái ao, giữa ao đặt bức tượng một người đứng bắn nỏ.
Toàn cảnh đền Cao Lỗ. Panorama ©2011 Thang Bui
Rẽ vào con đường làng cạnh đền Cao Lỗ, đi khoảng 2 phút là đến ngôi đình Ngự Triều rộng 9 gian, hậu cung cũng to và đẹp. Kiến trúc đình giống như ở phần lớn các ngôi đình làng quê Bắc Bộ khác. Tam quan nhìn ra một hồ nước nay đã lấp đất và trồng cỏ, xung quanh có nhiều cây cối.
Đình còn lưu giữ tấm hoành phi đề 4 chữ Hán “Ngự triều di quy”, tương truyền vua tôi Thục Phán thường họp bàn việc nước ở đây. Sân đình khá rộng và góc trái được một cây đa lớn che mát. Cạnh gốc đa là am Bà Chúa, bên trong thờ một tảng đá hình người cụt đầu, tượng trưng nàng công chúa đã chết thảm bởi tay cha mà vẫn còn mang tiếng nhẹ dạ mắc mưu Triệu Đà làm cho nước mất nhà tan.
Cổng đình Ngự Triều. Panorama ©2013 NCCong
Áp bờ tường vào lưng đình Ngự Triều là ngôi chùa Bảo Sơn, kiến trúc hiện nay mang dáng dấp phong cách thời Nguyễn. Chùa nằm trong một khu vườn um tùm bóng cây, mé bên phải có những tháp mộ cổ của các sư tổ. Những bức tường dài vây kín đình và chùa, xung quanh nhà dân lô nhô mọc lên khá cao và các dây điện lại chăng quá thấp nên che khuất tầm nhìn từ xa.
Từ đền thờ Cao Lỗ du khách đi thẳng theo con đường lớn khoảng 100m thì tới đền Thượng nằm trên gò đất cao, thế rất đẹp, tương truyền là nền nội cung ngày xưa của An Dương Vương. Đến nay vẫn chưa rõ đền xây từ bao giờ, chỉ biết đã sửa chữa lại vào năm 1687 và 1893. Ðền được đại trùng tu gần đây.
Trước cửa đền là giếng Ngọc, theo truyền thuyết, nơi đây chàng rể-gián điệp Trọng Thuỷ đã tự tử sau cái chết oan khiên của vợ mình. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng hun được đúc năm 1897, nhưng đôi rồng đá ở bậc thềm là di vật từ đời Trần hoặc Lê sơ. Ngoài ra còn có chiếc trống đồng rất cổ được phát hiện tại gò Mả Tre năm 1982.
Cổng đền An Dương Vương. Panorama ©2013 NCCong
Đền Thượng tức đền An Dương Vương chiếm vị trí di tích trung tâm trong khu thành Cổ Loa. Tương truyền, những doi đất dài xung quanh làng chính là các đoạn sót lại của bức tường luỹ hình xoắn ốc 9 vòng. Ðây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được An Dương Vương xây từ thế kỷ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc.
Trong cụm di tích còn có một miếu nhỏ thờ Kim Quy, vị thần từng giúp Thục Phán xây thành, làm nỏ liên châu và kết tội Mỵ Châu bằng câu nói: “địch ngồi sau lưng ngài đấy”. Chuyện cổ kể rằng nàng tin lời Trọng Thuỷ, không những đã đưa cho chồng xem lẫy nỏ để rồi bị đánh tráo, mà còn lấy lông ngỗng rắc dọc đường cùng vua tháo chạy, địch cứ thế đuổi theo.
Hội đền Cổ Loa
Hội đền Cổ Loa cử hành hằng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng và kéo dài trong khoảng 10 ngày. Trong ngày lễ hội có sự tham dự của toàn thể dân sở tại. Lễ hội mở đầu sáng mồng 6 tháng Giêng bằng đám rước Văn chỉ và kiệu Thành hoàng của tất cả 12 xóm sang đền thờ Vua chủ.
Đền Thượng là nơi cử hành tế lễ, sân đền có cắm cờ ngũ sắc và bày các khí tự: đôi ngựa hồng, bạch hai bên tả hữu, chính giữa là hương án có bày đồ lễ, hộp kính đựng hia vàng và đồ ngũ sự cùng với các khí giới của nhà vua. Tuy nhiên tượng nhà vua và chiếc mũ bình thiên vẫn để trong gian thờ.
Sân trong đền An Dương Vương. Panorama ©2011 Thang Bui
Khi đám rước tới, các tiên chỉ sẽ sắp xếp theo chánh hội tế và cử hành nghi thức tế cổ truyền. Lễ tế thường kéo dài từ lúc quá Ngọ sang Mùi mới xong (12 giờ - 13 giờ). Sau khi đội tế của làng Cổ Loa tế xong lần lượt sẽ đến các đội tế khác (nếu có). Cuối cùng là dân làng và du khách vào lễ cầu nguyện nhà vua phù hộ cho thịnh vượng bình yên.
Tế lễ xong, dân làng rước kiệu thần của 12 xóm và kiệu long đình của nhà vua cùng cung, tên, kiếm, nỏ, phường bát âm, cờ quạt đi một vòng quanh giếng Trọng Thuỷ về đình Ngự Triều (tới cửa điếm làng Cổ Loa thì kiệu làng nào về làng ấy, chỉ có kiệu làng Cổ Loa được rước về đình Ngự Triều). Sau đó dân làng tham dự hội với những trò vui cổ truyền: đánh đu, đáo, đĩa, các cụ thì chơi tổ tôm, cờ bỏi... Hội cứ thế kéo dài cho tới 16 tháng Giêng mới làm lễ tạ trời đất và đóng đám.
Sau Thục Phán, năm 602 vua Lý Phật Tử từng tới đây đóng đô trước khi hàng Lưu Phương và chết. Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi cũng đóng đô ở Cổ Loa. Tháng 4-2011, Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa—Thành cổ Hà Nội đã đề xuất UBND TP Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu di tích Cổ Loa là Di sản văn hóa thế giới.
Di tích lân cận
- Chùa Thái Bình (Diên Phúc Tự): thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh thôn Lê Xá, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh.
- Đền Lê Xá: thôn Lê Xá, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh.
- Đình, miếu Lại Đà: thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh.
- Đình Thái Bình: thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh.
Bản đồ trực tuyến
Đông Tỉnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét