Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đền Yên Xá


  • delicious
  • googleplus
  • google
  • linkedin
  • live
  • reddit
Đền Yên Xá xây trên nền một ngôi miếu tương truyền được lập từ thời Lý, thờ Linh Lang đại vương. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1990). Địa chỉ: thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 20°58’19"N 105°47’39"E, cách Hồ Gươm chừng 12km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: ngã ba Cầu Bươu—Yên Xá trên tỉnh lộ TL70 (bus 22, 37, 39), hoặc ngã ba Văn Yên—Trần Phú (01, 02, 19, 21, 22, 37, 39).

Lược sử

Làng Yên Xá vào đầu thời Nguyễn tên là An Xá, thuộc tổng Thượng Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Làng cùng với làng Triều Khúc ở bên cạnh vốn cùng có tên Nôm là Kẻ Đơ, sau thường được gọi Đơ Bùi, do nơi đây xưa kia trồng được một thứ khoai lang ăn rất bùi. Từ tháng 6-1961, hai làng Triều Khúc và Yên Xá nhập lại thành xã Tân Triều, thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Khác với làng Triều Khúc (Đơ Thao, Đơ Đồng), làng Yên Xá chuyên làm nông nghiệp trên khoảng 500 mẫu đất ruộng màu mỡ ven sông Nhuệ. Dân làng còn có các nghề phụ như nấu bánh đúc, thêu ren, rồi làm guốc mộc, những sản phẩm này và giống lúa thơm ngon đã từng một thời được người nội thành Thăng Long - Hà Nội ưa chuộng. Bước sang thế kỷ 21, Yên Xá dần dần không còn trồng lúa hay hoa màu nữa vì bị đô thị hóa gần hết, số dân ngụ cư hiện nay rất đông đúc.
Thôn Yên Xá xưa nhỏ mà có đủ cả đình làng và chùa Thanh An Tự, lại thêm nổi tiếng bởi ngôi đền thiêng thờ Linh Lang đại vương, một vị thần còn được thờ ở hàng trăm nơi khác. Những địa danh như: gò Tầm Cấp, Cốc Đống, Điểm Danh, Đống Vương Ngự, Vườn Mai, Địa Đạo có liên quan đến truyền thuyết ngài về Yên Xá chiêu mộ lính, đóng trại, thu trữ lương thảo và khao quân khi thắng trận.

Đền Yên Xá. Panorama ©2015 NCCong
Theo các bô lão sở tại, đền có từ thời Lý, lúc đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ dựng bằng tranh tre nứa lá, nằm trên khu đất cao giữa cánh đồng. Cạnh đền từng có một cây đa rất to, tương truyền đã hơn bảy trăm tuổi, đáng tiếc rằng năm 1961 cây bị cháy. Tương truyền xưa kia đầu làng Văn Quán có biển Hạ mã, các quan triều về thắp hương phải xuống ngựa. Vì thế đến cuối thế kỷ 19, trong làng có vị tiên chỉ họ Lê cho xây lại đền và xoay về hướng bắc như ta thấy bây giờ. Trên thượng lương còn ghi năm xây dựng “Tự Đức thập tứ niên”.

Kiến trúc

Xưa kia đền mở về hướng tây, nhìn ra sông Nhuệ. Năm 1939 thực dân Pháp đã khơi sông này qua Cầu Trắng, Cầu Đen của tỉnh Hà Đông, dòng nước sót lại trước đền trở thành con ngòi Yên Phúc. Diện tích trong khuôn viên vốn rộng đến khoảng 6.000m2, nay chỉ còn 2.400m2 với bụi tre và rặng nhãn trồng từ trước 1930 ở phía sau lưng hậu cung.
Đền đã qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo nhưng vẫn giữ mặt bằng hình chuôi vồ. Năm 2013 với sự hỗ trợ kinh phí và quyên góp của dân làng, đền Yên Xá bắt đầu xây dựng lại khang trang. Trong quá trình thi công đã phát hiện ra nền móng ngôi đền xưa song để nguyên dưới lòng đất. Cổng nghi môn cũ cũng không động chạm đến, dù đã chìm sâu chừng 1m do toàn bộ nền của khu đền được tôn cao.
Một tam quan rộng và cao hơn đã được xây mới, cửa mở về hướng tây như cũ, bên hữu là hồ bán nguyệt có tường bao và cầu ao bằng gạch. Mặt đền vẫn ở hướng bắc, được che chắn bởi một bức bình phong nhỏ đắp cuốn thư, bên hữu có một dãy nhà đón khách. Sân trước lát gạch đỏ và để hơi nghiêng cho nước mưa thoát về hồ. Từ sân có 3 bậc dẫn lên hiên tòa đại bái, trên nóc đắp lưỡng long triều nguyệt.

Tiền tế rộng 3 gian 2 dĩ với cửa bức bàn chấn song con tiện, đầu hồi bít đốc, bên trong treo nhiều hoành phi và câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy. Chính điện bài trí trang trọng, bày lỗ bộ cách ly với 4 gian bên, nơi có các bệ gạch trải chiếu và bày đôi ngựa gỗ cùng một cỗ trống đại, tường gắn bia công đức. Hậu cung sâu và cao, trong khám thờ ở cung cấm có đặt một pho tượng Linh Lang đại vương oai nghiêm.

Lưu ý

Trong thời phong kiến, thần Linh Lang được ban tặng 38 đạo sắc phong, đạo sớm nhất ghi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), đời vua Lê Thần Tông. Sắc cuối cùng được ban vào những năm cuối đời vua Khải Định (1916-1920). Cũng cần kể đến khá nhiều hoành phi, câu đối; trong đó có một bức hoành phi tạo tác từ thời Nguyễn. Ngoài ra bên trong cung cấm còn giữ được bộ long ngai và chiếc mũ miện làm bằng đồng mạ vàng là hai cổ vật rất quý.
Theo truyền thống, lễ hội đền Yên Xá diễn ra hằng năm trong 3 ngày, từ mùng 9 đến 11 tháng Giêng âm lịch. Cùng với đình và chùa làng, ngôi đền này đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 27-12-1990.

Di tích lân cận

Bản đồ trực tuyến


Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét