Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Đền Ỷ Lan


Đền Ỷ Lan còn gọi là đền Bà Tấm, trong thờ hoàng thái hậu Ỷ Lan (thế kỷ 11). Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1996). Địa chỉ: đường Nguyễn Bình (QL5), xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Toạ độ: 21°00’03"N 105°58’06"E, cách Hồ Gươm khoảng 15km về hướng đông-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: đường Nguyễn Bình (bus 40, 52), gần ga xe lửa Phú Thị.
JPEG - 180.5 kb
Tượng đài Ỷ Lan. Photo ©2014 NCCong

Lược sử

Bà Ỷ Lan tên thật Lê Thị Yến, sinh năm 1044 tại làng Sủi tức Thổ Lỗi, sau đổi là hương Siêu Loai, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Mẹ bà mất lúc 12 tuổi, cha lấy vợ kế, có lẽ vì vậy mà về sau dân gian thường gọi bằng Bà Tấm. Họ gọi ngôi đền thờ ở xã Dương Xá là đền Bà Tấm và ngôi chùa liền kề là chùa Bà Tấm.
Tương truyền, vua Lý Thánh Tông 李聖宗 (1023-1072) hiếm con, năm Quý Mão (1063) trên đường về chùa Dâu cầu tự đã gặp một cô gái dựa gốc lan nhìn vua mà không sợ. Thấy cô xinh đẹp lại đối đáp thông minh, vua bèn đưa vào cung và phong làm nguyên phi. Vua lại cho cô nhà riêng và đặt tên là cung Ỷ Lan để ghi nhớ buổi đầu gặp gỡ. Nơi đó nay là đình Yên Thái, số 8 ngõ Tạm Thương, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
JPEG - 186 kb
Thành bậc cổ ở đền Ỷ Lan. Photo ©2014 NCCong
Ỷ Lan sinh ngay con trai, được vua tin yêu. Bà chịu khó học hỏi quan sát, nên sớm có hiểu biết sâu sắc về chính trị, sau được phong là hoàng hậu Linh Nhân. Năm 1069, khi thân chinh dẫn đại quân đi đánh Chiêm Thành, vua đã trao quyền nhiếp chính cho bà. Nhờ biết dùng các đại thần tài giỏi và quyết định nhiều kế sách đúng đắn, nước Đại Việt ngày ấy càng giàu mạnh, đời sống nhân dân cũng khá hơn.
Năm 1072, Lý Thánh Tông bỗng mất. Ỷ Lan trở thành hoàng thái hậu, lại làm nhiếp chính vì Lý Nhân Tông mới có 7 tuổi. Năm 1077, vua Tống tập trung quân ở Ung Châu, Liêm Châu, định xâm lược nước ta, Ỷ Lan với sự trợ giúp của thái úy Lý Thường Kiệt đã cho quân đánh trước, đập tan âm mưu kẻ thù. Thái hậu còn ban hành các chính sách tiến bộ như chuộc nô tỳ, tha cung nữ, giảm tô thuế, cấm giết trâu bò…. Cho nên dù từng gây những điều oan trái trong cung, bà vẫn được tôn quý hết mực.

Nghi môn, nhà khách và đền, chùa Bà Tấm. Panorama ©2014 NCCong
JPEG - 206.8 kb
Thềm rồng ở đền Ỷ Lan. Photo ©2014 NCCong

Kiến trúc

Hiện nay, trên cả nước có hàng trăm đền thờ Ỷ Lan nhưng “đền Bà Tấm” ở phía đông ngã tư Phú Thị - Kiêu Kỵ là to nhất. Đền cũ được xây vào cuối thế kỷ 11, tương truyền làm theo lối cung đình với 72 cửa. Cạnh chỗ đó vốn có một ngôi chùa nhỏ mang tên “Linh Nhân Tư Phúc Tự” do chính hoàng thái hậu Ỷ Lan cho dựng về cuối đời cùng với hàng trăm ngôi chùa khác và khánh thành vào tháng Ba năm Ất Mùi (1115). Đền Bà Tấm thực ra chỉ được lập nên 2 năm sau đó (1117). Dưới thời phong kiến, ngôi đền đã qua nhiều lần tôn tạo, lớn nhất là vào năm 1612, đời vua Lê Kính Tông.
Năm 1962, khu di tích này gần như bị hạ giải toàn bộ để sử dụng làm trường học và nơi sinh hoạt chung của địa phương. Tuy nhiên, dân sở tại vẫn tự dựng lên đền thờ Bà Tấm bên cạnh, rồi tiếp tục góp tiền xây chùa vào thập niên 1980. Cuối thế kỷ 20, cả đền lẫn chùa đã quy hoạch lại thành một quần thể rồi được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia theo quyết định số 310-QĐ/BT ngày 13-2-1996.
JPEG - 205.6 kb
Thủy đình trước đền Ỷ Lan. Photo ©2014 NCCong
Năm 2010 bên ngoài cổng đền lại có thêm tượng đài hoàng thái hậu cao 9m, đúc bằng đồng, nặng khoảng 30 tấn, đặt ở cuối khoảng sân lớn cách đường QL5 bởi một hồ bán nguyệt. Phía sau tượng đài có bức phù điêu đá dài 31m, mới ốp trên bức tường bên hữu của tam quan. Qua nghi môn, du khách bước vào con đường chính xuyên qua khu vườn rộng um tùm cổ thụ dẫn tới các công trình xây kiểu cũ như nhà khách, đền, chùa, điện Mẫu và vườn tháp.
Mặt đền có hướng tây-nam, trước sân nhỏ là bức bình phong dưới chân giả sơn, trên có một thềm rồng quay vuông góc sang trái và dẫn xuống con đường chính. Từ giả sơn mới có cây cầu bắc ra thủy đình trên hồ bán nguyệt, nhìn thẳng sang các bia ghi công đức gắn trên bức tường ở ngay phía sau tượng đài.
Đền xây theo kiểu tường ngoài để gạch trần, hàng hiên mở 3 cửa lớn ra sân và 2 cửa ra đầu hồi. Chính điện cũng mở 2 cửa thông sang tả hữu mạc và 2 cửa vào nhà thiêu hương, nơi có mái cao lấy ánh sáng tự nhiên. Giữa hậu cung đặt một pho tượng Ỷ Lan rất đẹp trong khám gỗ, tạc bà khi còn trẻ, cùng tượng 6 vị cung nữ khác chia làm 2 ban thị giả. Gian ngoài có bày ngai thờ và một số đồ tế khí. Trên ngai là bài vị ghi rõ “Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu”.
JPEG - 140.4 kb
Trong chùa Bà Tấm (ảnh ghép). Photo ©2014 NCCong

Lưu ý

Khu di tích vẫn giữ được nhiều cổ vật quý và 1 khám thờ chạm rồng uốn khúc yên ngựa được chạm thủng hoa văn linh vật từ thời Mạc... Đặc biệt có bức tượng tạo bằng đá liền khối cao 1,2m rộng 1,36m, tạc 2 con sư tử trong tư thế phủ phục và đang vờn hòn ngọc, trên trán có trổ chữ “Vương” thể hiện uy quyền của vương triều.
Ngoài sân chùa Bà Tấm có một thành bậc bằng đá dài 1,3m cao 0,8m, chạm nổi hình cặp rồng và lân như đang chạy xuống. Tác phẩm này hiện ở ngay sau nghi môn, cho thấy nền ngôi chùa cũ phải cao chừng 1m. Trong khu di tích còn có nhiều chân tảng đá mài của thời Lý, những mảnh gốm và chim uyên ương cụt đầu. Đặc biệt, vẫn bảo lưu được 4 tấm bia đá từ thời Hậu Lê, riêng 2 bia niên hiệu Đức Long 6 (1635) đời vua Lê Thần Tông và Bảo Đại 18 (1943) đã ghi lại năm tu bổ chùa.
JPEG - 220 kb
Sân đền Ỷ Lan. Photo ©2014 NCCong
Tại cửa đền thì có đôi câu đối cổ viết rằng:
Thập bát tử đế phương thế tại tam truyền chiêu lệnh thục
Bách dư sở tự quán địa lưu cổ trạch tối linh thanh

Tạm dịch là:
Đời vua thứ ba kén chọn, nết người thục nữ đức cao
Cả nước hơn trăm đền thờ, nền cũ tiếng linh thiêng nhất
Hằng năm từ ngày 19 đến 21 tháng 2 âm lịch, nhân dân 9 xã của tổng Dương Quang cũ (từ Phú Thị đến huyện Văn Lâm, Hưng Yên) và những làng cấy ruộng hậu của đền Ỷ Lan đều cùng tổ chức hội. Chính hội mở ngày 19, tương truyền là ngày đăng quang của bà. Nhân dịp này, phường hát ở các nơi đến xin đăng cai giữ cửa đền suốt từ đầu đến hết hội. Thông thường, địa phương tín nhiệm phường nào thì cho phép phường ấy hát nhưng đến khi rã đám mới thanh toán tiền cho họ. Hội còn có trò đấu cờ người, tổ tôm, đấu vật, chọi gà...
JPEG - 187.6 kb
Trong đền Ỷ Lan. Photo ©2014 NCCong
Ngoài ra từ 24 đến 25 tháng 7 âm lịch còn có dịp lễ nữa cũng được nhân dân Dương Xá tổ chức long trọng. Tương truyền 25 là ngày giỗ của Ỷ Lan và là ngày bà làm lễ giải oan cho hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ bị chết oan.

Di tích lân cận

Bản đồ trực tuyến


Đông Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét